Trả lại niềm tin cho… BOT

Sự cần thiết phải triển khai dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) để thúc đẩy liên kết vùng khu vực Tây Nguyên với Đông Nam bộ và Tây Nam bộ thì không có gì phải tranh luận. Song không phải không có những lý do để đại biểu Quốc hội băn khoăn về khả năng thu hút nhà đầu tư tham gia dự án theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).

Bản đồ hướng tuyến dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: TTXVN

Bản đồ hướng tuyến dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: TTXVN

Thảo luận tại tổ và hội trường, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ phương án tài chính, thời gian thu phí BOT của dự án trong bối cảnh có 2 dự án BOT song hành, tránh trường hợp phải đề nghị Nhà nước mua lại; đồng thời bổ sung giải pháp cụ thể hơn đối với các dự án giao thông BOT song hành để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định, tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và việc khai thác, vận hành về sau...Thực tiễn cho thấy đây đều là những vấn đề đã từng xảy ra, tạo tâm lý e dè đối với hình thức đầu tư BOT nói riêng, đầu tư đối tác công - tư nói chung.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 12.770 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư dự án) thì dự án đảm bảo khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ngay cả ở các quốc gia có hình thức PPP phát triển, việc thu hút đầu tư tư nhân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường và thậm chí là “khẩu vị đầu tư” của doanh nghiệp. Chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý trong các kịch bản khác nhau là hết sức cần thiết để đảm bảo thành công cho dự án, dần khẳng định niềm tin vào BOT và khả năng triển khai nhuần nhuyễn hình thức đầu tư này.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tra-lai-niem-tin-cho-bot-post745080.html