Trà măng tím, báu vật bị bỏ quên
'Không đến 5 năm nữa, Việt Nam sẽ hết trà măng!' là câu nói đáng suy nghĩ của một người làm trà ở Hoàng Su Phì. Bởi cách đây 5 năm, bình quân làm chơi chơi được một tấn thành phẩm trà măng, nhưng giờ cả năm làm chưa đến 100 kg vì không còn nguyên liệu.
Trong bài Lên miền sương khói Chiêu Lầu Thi đăng Người Đô Thị số tháng 6.2017, người viết có nhắc đến một vùng trà nguyên sinh, búp tím, ẩn trong vạt rừng già, nhưng khi ấy vẫn chưa ai biết tên chính xác của các cây trà búp tím ấy là trà măng.
Đến khi có vị tiên sinh họ Từ, người Đài Loan, chia sẻ với người yêu trà cổ thụ Việt về loại trà quý từng được Lục Vũ - thần trà người Trung Quốc - viết trong tác phẩm Trà Kinh, miêu tả ngắn gọn nhưng cặn kẽ và chi tiết về cây trà măng, búp tím, rằng: “Duẩn thủ thượng” (trà măng là nhất), từ đó đối chiếu hình dáng búp trà non mọc từ nách lá, và hiện trạng vùng địa lý, thổ nhưỡng, thấy trà măng ở cánh rừng nguyên sinh thuộc Hoàng Su Phì, Hà Giang đúng với những gì Lục Vũ miêu tả.
Hương núi rừng
Các giống cây thuộc họ Camellia Sinensis được gọi là trà. Trà măng được định danh khoa học là Camellia Sinesis var. Dehungensis. Trên bản đồ trà Việt, trà măng là giống hiếm hoi sinh trưởng trong rừng nguyên sinh ở Hà Giang, Lai Châu, chưa từng qua gieo trồng, chưa có người sở hữu. Trà măng chỉ mới được phát hiện, thu hái và đưa vào sản xuất một cách tự phát, nhỏ lẻ khoảng 5 năm trở lại đây.
Nhắc lại những điều tác giả Lục Vũ viết trong Trà Kinh từ thế kỷ VIII, dù ông không miêu tả hương vị trà măng, nhưng ngoài nhận diện về hình dáng (búp măng), chi tiết còn lại tả về màu sắc với “Tử thủ thượng” (màu tím là nhất). Cũng vì hai “định nghĩa” rất mơ hồ về trà măng như thế, khiến Từ tiên sinh kể trên dù gia đình có truyền thống làm trà tại huyện Miêu Lật nay đã đến đời thứ sáu, vẫn không hình dung măng trà là gì, và vì sao màu tím lại là số một? Bởi thế, khi phát hiện vùng Hoàng Su Phì có những búp trà như búp măng, ông đã lần tìm, thu hái và chế biến thử.
Nhớ lại chuyến đi rừng lên đỉnh Chiêu Lầu Thi năm 2017, nhúm trà hái được từ các cây trà măng búp tím gây ngạc nhiên bởi hương thơm và vị ngọt dịu kỳ lạ. Nhưng phải đến khi những mẻ trà thử nghiệm của Từ tiên sinh hoàn tất, ngay cả bản thân người làm trà cũng vỡ òa, bởi trà măng lưu một làn hương kỳ diệu. Nước trà khi mới pha đậm sắc trắng, thoảng chút vàng nhạt, nhưng từ ngay khi rót nước sôi vào trà, hương hoa lan thanh ngát dậy bay theo làn khói, hòa quyện trong không gian.
Nhấp chén trà nuốt trôi đến đâu, vị ngọt dịu chạy mượt theo đến đấy, kéo theo là cảm giác sảng khoái, nhẹ nhàng thư giãn thật kỳ diệu, hiếm gặp ở những thức trà khác.
Lý giải làn hương đặc biệt của trà măng, trước tiên phải nói về tính đầu dòng, nguyên bản của cây trà. Đất trời ưu ái ban cho vùng rừng núi rậm rạp dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi cây trà măng, vùng núi ấy cũng là nơi khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, độ lạnh cao, sương mù dày, gió lớn quanh năm.
Cây trà mọc trên đá, nép trong các sườn núi dốc, âm u, rêu mốc phủ dày từ mặt đất, lan kín lên thân cây trà. Sự khắc nghiệt của thời tiết và thổ nhưỡng tạo cho trà măng một bản tính mãnh liệt, hấp thụ được dưỡng chất từ đất đá và sương núi, vụ trà lại chỉ ra trong mùa đông, và theo kinh nghiệm năm nào tiết trời càng lạnh giá, hương măng trà càng thêm mãnh liệt.
Với kỹ thuật, kinh nghiệm, phương pháp xử lý héo cùng cách bắt hương tốt, một ấm trà măng có thể pha 20 - 30 lượt vẫn chưa hết thơm. Người viết đã nhiều lần thử nghiệm chỉ dùng 5g trà đủ pha cho hơn 40 người uống trong suốt hơn 2 giờ đồng hồ thảo luận. Lợi nước, được hương, dễ uống ở mọi mùa trong năm, trà măng thực sự là một báu vật từ rừng vàng đất Việt.
Chưa vội mừng đã lo
Đi khắp các vùng trà măng ở Hà Giang để tìm hiểu, nghiên cứu, chụp hình ảnh tư liệu, Từ tiên sinh cho biết ông đã tiếp cận hơn 20 loại trà măng khác nhau, có trắng, xanh, vàng, tím, đen… nhưng nổi trội hơn cả vẫn là hai dòng trà măng tím và măng trắng. Nhưng rồi Từ tiên sinh cũng đưa ra một thực trạng buồn: “Nếu không chú ý giữ trà măng từ bây giờ, tôi nghĩ không đến 5 năm nữa, Việt Nam không còn trà măng”. Trong lịch sử trà Việt, chưa có dòng trà nào lại có giá tốt như trà măng. Từ khi mới phát hiện, giá chỉ lẹt đẹt 25.000 đồng/kg, rồi khi người làm trà, người thưởng trà bén được hương hoa hấp dẫn của trà măng, giá tăng vùn vụt từng vụ, đỉnh điểm như ở vụ trà đông cuối năm 2022 có lúc lên đến hơn 700.000 đồng/kg tươi mà vẫn không có nguồn cung để sản xuất.
Lợi thế của trà măng là sinh trưởng nơi trong lành, heo hút, xa bụi bặm trần gian, nhưng đó cũng là bất lợi bởi đến mùa khai thác, vì là cây của rừng nên ai gặp trước hái trước, hái từng búp lâu quá thì chặt cả cành, ngả cả cây xuống hái cho nhanh và tận thu được nhiều. Có thể thấy rõ ngoại hình trà măng những năm 2017, 2018 búp to bằng đầu đũa, nay thu nhỏ chỉ bằng 1/3, 1/4 so với trước, bởi khi trà được giá, người bản địa sẽ tranh thủ hái sớm, bán sớm, đốn hạ cho nhanh, nhặt cả những búp vừa nhú để thu lợi. Cây trà lại không thuộc danh mục cấm chặt phá, vùng trà xa tít trong núi, trong rừng sâu, việc kiểm soát tài nguyên này đang bỏ ngỏ.
Trở lại vùng trà măng từ cách đây hơn 5 năm dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi, đường vào vùng trà đã dễ đi hơn nhiều, đường bê tông khang trang, hợp cho ngoạn cảnh. Nhưng khi vào lại bãi trà măng, thật khó tin vào mắt khi xưa kia là vùng rừng âm u, rậm rạp, nay đã quang đãng rất nhiều. Những gốc trà măng to, già nua, cằn cỗi, đã trụi hết cành, chỉ còn trơ thân mục, chết đứng từ bao giờ. Đi sâu thêm vào trong núi, không khó để nhận ra những vết đốn trên thân trà vẫn còn mới tinh từ vụ trà mùa đông 2022.
Cây trà măng chết dần, búp non thu hái cũng nhỏ dần, các cửa ngõ biên giới thông thương, người biết đến đặc sắc trà măng ngày càng nhiều. Văn Thường, người xã Tân Tiến, chuyên thu gom trà xuất sang bên kia biên giới, cho biết: “Năm nay khách hàng đặt trà măng nhiều, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, nói giá nào họ mua giá đấy”. Mỗi mẻ trà được thương lái chế biến nhanh, chỉ một - hai ngày xong, bán theo giá nguyên liệu. Trong khi trà măng làm đạt chuẩn, lưu được hương lâu, bền nước, thường không dưới một tháng ròng.
Nhu cầu trà măng cả trong và ngoài nước đều có, vùng nguyên liệu không kiểm soát, không quản lý, các nhà sản xuất trông mối lợi trước mắt, chế biến nhanh, cẩu thả, khiến giá trị trà măng giảm, diện tích trà măng lại đang thu hẹp dần. Việc phát hiện trà măng là một tin vui cho ngành trà Việt, nhưng để niềm vui ấy kéo dài, cần sớm có phương cách quản lý, khoanh vùng, kiểm soát, thậm chí là chế tài trong chuyện thu hái và sản xuất trà măng không đạt chuẩn, tránh tận thu, tận diệt. Nếu không, dự báo vài năm nữa Việt Nam mất bóng cây trà măng là chuyện hoàn toàn có thể.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tra-mang-tim-bau-vat-bi-bo-quen-39001.html