Trách nhiệm của doanh nghiệp trong nâng cao kỹ năng nghề

Chuyên gia nhận định, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay còn thấp.

Chất lượng nguồn nhân lực hiện nay còn thấp. Ảnh minh họa

Chất lượng nguồn nhân lực hiện nay còn thấp. Ảnh minh họa

Việc tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động của doanh nghiệp hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo là cần thiết.

Ít hài lòng về chất lượng nhân lực tại các địa phương

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp), cho biết, năm 2021, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên các hoạt động đào tạo vẫn duy trì. Điều này nhằm cung ứng nguồn nhân lực lao động cho các doanh nghiệp và thị trường. Từ đó góp phần làm giảm nguy cơ thiếu hụt lao động khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Hiện, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ông Vũ Xuân Hùng, vẫn có doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức được vai trò của việc đào tạo nghề cho người lao động nên chưa tận dụng được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.

Cũng theo ông Hùng, thực chất mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp thì lợi ích của người học sẽ tăng dần qua các năm. Đi cùng với đó là chi phí cho học viên mà doanh nghiệp phải bỏ ra cũng tăng dần. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch hàng năm và kinh phí cho việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký kiêm Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), cho biết, doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nghề nghiệp cũng chính là một giải pháp mang tính đột phá. Mục đích nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Trong thời gian qua, Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư cho đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nghề cho đối tượng yếu thế. Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có kinh phí gần 26 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, lao động nông thôn và đối tượng yếu thế còn được hưởng hỗ trợ theo quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước còn bố trí đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay vốn hộ nghèo… Năm 2019, kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí trong kinh phí xây dựng nông thôn mới, dự toán khoảng 700 - 800 tỷ đồng.

Nhờ sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước và từ nguồn lực xã hội, đào tạo nghề trong thời gian qua có sự chuyển biến rõ rệt. Năm 2018, trên cả nước đã đào tạo và tạo việc làm mới cho 1,64 triệu người. Tỷ lệ người lao động ở khu vực nông nghiệp đã giảm dần, từ 42% đến nay chỉ còn 38,3%. Cùng với đó số lao động có quan hệ lao động, hợp đồng lao động tăng dần lên, đạt 45,3%.

Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay còn thấp. Theo số liệu khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ có khoảng 56% lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc. Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 (PCI) cho thấy, chất lượng đào tạo lao động chỉ đạt 3,8 điểm trên thang điểm 6. Các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) ít hài lòng về chất lượng nhân lực tại các địa phương…

Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề chưa cao

Việc xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động để đảm bảo cho hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng vào việc đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực. Trong đó, tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động của doanh nghiệp hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo.

Đồng thời trực tiếp tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho rằng, một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Từ đó, hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các bộ phận quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Hiệu quả của mô hình liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và xã hội trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề đã được khẳng định. Tiếc rằng, hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề chưa cao.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 250 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới có gần 600 doanh nghiệp ký kết hợp tác tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các doanh nghiệp có thể tham gia vào rất nhiều loại chương trình và hoạt động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên. Cụ thể như thực tập chuyên ngành, các doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều biện pháp để tuyển dụng những người trẻ vào các chương trình học việc hay thực tập.

Chuyên gia cho rằng, đối với doanh nghiệp, cần tìm kiếm và tận dụng các cơ hội, hoạt động để tăng cường năng lực chuyên môn cho các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Còn cơ sở GDNN cần cải tiến và cập nhật thường xuyên chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ lao động học nghề. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ sở đào tạo nội bộ nhưng chưa được cấp phép. Các cơ sở này đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp nhưng so với các yêu cầu của Nhà nước có thể chưa đạt đầy đủ.

(còn nữa)

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-trong-nang-cao-ky-nang-nghe-8d9i7T97R.html