Trách nhiệm trồng cây và nghĩa vụ giữ rừng

Tết Trồng cây Xuân Tân Sửu 2021 vừa được các địa phương trong tỉnh phát động gắn với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, giảm tác hại của thiên tai và góp phần thúc đẩy du lịch sinh thái.

(Ảnh minh họa)

Qua những tết trồng cây gần đây đã có thêm hàng triệu cây xanh được trồng mới, tuy nhiên diện tích rừng tái sinh thì vẫn chưa như kỳ vọng, bởi ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng của một số cộng đồng dân cư chưa cao. Chỉ khi nào việc bảo vệ rừng được đồng thuận ở các cộng đồng dân cư mới chấm dứt được tình trạng người trồng cứ trồng, còn người phá cứ phá.

Nhiều năm nay hình ảnh đẹp về ý thức giữ rừng của người dân ở thôn Thái Học và Bắc Sơn, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đã đem đến cho chúng ta một cảm xúc rất đặc biệt. Tại đây, khu rừng lim rộng 42,5 ha từ thời Pháp thuộc được người dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt đến tận giờ. Những cá thể lim bị chết đều được giữ nguyên trạng, không khai thác tận thu. Những hàng thép gai quanh rừng do Nhân dân tự bỏ tiền ra làm để chống lâm tặc xâm nhập.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó vai trò trồng và bảo vệ rừng của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư là vô cùng quan trọng. Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II - năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đã đến lúc đồng bào phải giữ rừng như chính sinh mạng của mình.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong số hơn 22.800 ha rừng bị mất trong thập kỷ qua, ngoài diện tích rừng bị cháy, bị hủy hoại do thiên tai, có tới 10.000 ha là do con người chặt phá. Tác nhân gây hại từ bàn tay con người là vô cùng lớn, làm ảnh hưởng đến đời sống, trong đó các trận lũ, sạt lở đất năm 2020 là minh chứng hết sức đau lòng.

Một khi chưa nâng cao được ý thức giữ rừng từ các cộng đồng dân cư, thì có cố gắng trồng bao nhiêu cây chăng nữa cũng khó để lấp đầy diện tích đất trống, đồi núi trọc, càng khó để hiện thực hóa mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

Để nét đẹp giữ rừng ở xã Cẩm Tú trở thành quy ước được tôn trọng ở các cộng đồng dân cư, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu được nguy cơ, tác hại của việc phá rừng; lợi ích của việc bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, cần có thêm những cơ chế, chính sách phục tráng và bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế người dân. Cùng với đó tăng cường các chế tài để răn đe. Làm tốt điều này không chỉ khuyến khích được trách nhiệm trồng cây, mà còn nâng cao ý thức giữ rừng.

Sau lễ phát động trồng cây, sau những con số đã thực hiện, là lúc mỗi địa phương cần có biện pháp phù hợp để chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng đã trồng. Đó mới là sự cần thiết, yếu tố căn cốt để chúng ta hiện thực mục tiêu đã đặt ra về phát triển lâm nghiệp bền vững.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trach-nhiem-trong-cay-va-nghia-vu-giu-rung/132106.htm