Trái chiều kết quả kinh doanh của 4 doanh nghiệp lớn sau kiểm toán

Trong khi CTCP Thaiholdings và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) báo lãi giảm sau kiểm toán, thì Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) báo lãi trăm tỷ so với kết quả công bố trước đó.

Mới nhất, CTCP Thaiholdings (THD) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với doanh thu thuần không thay đổi so với báo cáo tự lập đã công bố, vẫn ở mức 4.112 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2021.

Tuy nhiên, khoản mục doanh thu hoạt động tài chính tăng 15% lên 571 tỷ đồng sau kiểm toán. Chi phí tài chính điều chỉnh tăng thêm 73% so với trước kiểm toán, chiếm 180 tỷ đồng. Ngược lại, lãi liên doanh liên kết giảm gần 90% về vỏn vẹn 5 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế giảm còn 301 tỷ đồng (so với trước kiểm toán 337 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 10%, tức gần 28 tỷ đồng, xuống mức 244 tỷ đồng (giảm 40% so với năm 2021).

Sau soát xét, nhiều công ty báo lãi suy giảm nhưng một số lại bất ngờ báo lãi cả trăm tỷ. (Ảnh minh họa)

Sau soát xét, nhiều công ty báo lãi suy giảm nhưng một số lại bất ngờ báo lãi cả trăm tỷ. (Ảnh minh họa)

Thaiholdings giải trình: việc lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán giảm là do các công ty liên kết của Thaiholdings xác định lại kết quả kinh doanh năm 2022, từ đó làm giảm lãi trong các công ty liên kết.

Cũng tại báo cáo kiểm toán 2022, các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán hợp nhất 2021 của Thaiholdings được điều chỉnh hồi tố. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 74,5% xuống còn 276 tỷ đồng; lợi nhuận khác lại giảm 3% về 571 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2021 điều chỉnh giảm 57% (tức 541 tỷ) về còn 406 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu THD có 3 phiên giảm điểm liên tiếp và đang giao dịch quanh vùng giá 39.000 đồng/cp.

Tương tự, Vinalines (MVN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán giảm gần 8% từ mức 1.978 tỷ xuống mức 1.835 tỷ đồng, tức giảm 143 tỷ đồng, do tại báo cáo kiểm toán 2022 có một số chỉ tiêu thay đổi so với báo cáo tự lập.

Bên cạnh đó, kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh loạt vấn đề liên quan đến việc ghi nhận tài sản cố định và công tác cổ phần hóa tại CTCP Cảng Hải Phòng, thư xác nhận công nợ và công tác cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông.

Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 20/3, cổ phiếu MVN đang dừng ở mức 13.000 đồng/cp.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhờ giảm trích lập dự phòng đã giúp lợi nhuận sau thuế của PV Power (POW) tăng thêm 230 tỷ đồng, từ 2.323 tỷ đồng lên 2.553 tỷ đồng sau kiểm toán.

PV Power cho hay, lợi nhuận sau thuế tăng là nhờ sản lượng ở các máy điện thuộc tổng công ty tăng. Đồng thời, PV Power ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện tại các nhà máy điện Vũng Áng 1, Nhơn Trạch 2 và Đắkdrinh giai đoạn 2015 - 2019 với số tiền lên tới 1.131 tỷ đồng (năm 2021 không phát sinh khoản thu này).

Bên cạnh đó, năm 2022, các nhà máy của Tổng công ty (Đắkdrinh và Hủa Na) gặp điều kiện thủy văn thuận lợi, sản lượng điện được huy động nhiều làm tăng doanh thu nhưng giá vốn tăng nhẹ vì các chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn. Điều này dẫn đến doanh thu hợp nhất tăng đáng kể so với tăng giá vốn, do vậy lợi nhuận gộp về bán hàng năm 2022 tăng cao so với 2021.

Được biết, PV Power vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2023 với tổng sản lượng điện từ các nhà máy điện khoảng 1,5 tỷ kWh, tăng 36% so với tháng trước. Doanh thu trong tháng ước đạt 2.809 tỷ đồng, tăng 64% so với tháng trước và 35% so với cùng kỳ qua đó vượt 49% kế hoạch.

Tháng 3, Công ty lên kế hoạch doanh thu 2.627 tỷ đồng, trong đó doanh thu nhiều nhất đến từ nhà máy điện Vũng Áng 1 (1.13,5 tỷ đồng), nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 (793 tỷ đồng), nhà máy điện Nhơn Trạch 2 (723 tỷ đồng).

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu POW đang có diễn biến khá tích cực trong thời gian gần đây. Chốt phiên 20/3, cổ phiếu POW dừng ở mức 12.850 đồng/cp.

Tương tự, PVOil (OIL) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 với lợi nhuận sau thuế chênh lệch tăng thêm 19% (tức 103 tỷ) lên 651 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 7,6% so năm 2021, trong khi kết quả công bố trước đó lại suy giảm 9%.

Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh liên quan đến các khoản mục trên báo cáo cáo tài chính của PVOil.

Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 20/3, cổ phiếu OIL đang dừng ở mức 8.600 đồng/cp.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/trai-chieu-ket-qua-kinh-doanh-cua-4-doanh-nghiep-lon-sau-kiem-toan-1091472.html