Trái đất sắp trải qua ngày ngắn nhất lịch sử
Giới khoa học cảnh báo nhân loại sắp chứng kiến một hiện tượng thiên văn chưa từng có trong lịch sử khi Trái đất có thể quay nhanh đến mức một ngày không còn đủ 24 giờ, gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với các hệ thống công nghệ hiện đại như GPS, mạng viễn thông và thị trường tài chính toàn cầu.

Trái đất đang quay trục nhanh hơn từ 1,30 đến 1,51 mili-giây so với chu kỳ 24 giờ tiêu chuẩn.
Theo nhà vật lý thiên văn Graham Jones từ Đại học London, ba mốc thời gian cần đặc biệt lưu ý là ngày 9/7, 22/7 và 5/8/2025. Trong những ngày này, Trái đất được dự đoán sẽ quay quanh trục nhanh hơn từ 1,30 đến 1,51 mili-giây so với chu kỳ 24 giờ tiêu chuẩn.
Đặc biệt, hiện tượng này là sự tiếp diễn của một xu hướng bắt đầu từ năm 2020, khi Trái đất bất ngờ đảo ngược quy luật quay chậm kéo dài hàng triệu năm và bắt đầu tăng tốc. Cột mốc đáng nhớ nhất là ngày 5/7/2024, khi Trái đất chỉ mất 23 giờ 59 phút 59,99834 giây để hoàn thành một vòng quay – ngày ngắn nhất từng được ghi nhận.
Giới khoa học hiện chưa thể đưa ra nguyên nhân chính xác. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Moscow cho rằng không ai dự đoán được điều này. Tuy nhiên, một số giả thuyết nổi bật đang được xem xét.
Cụ thể, sự chuyển động của lõi sắt nóng chảy bên trong Trái đất – tương tự như một vận động viên trượt băng xoay nhanh hơn khi thu tay vào người, việc dịch chuyển khối lượng khổng lồ trong lòng đất có thể khiến hành tinh quay nhanh hơn.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thay đổi dòng hải lưu, gió tầng cao và các trận động đất lớn cũng có thể tái phân bố khối lượng trên Trái đất, tác động đến tốc độ quay.
Hiện nay, hệ thống đồng hồ chuẩn quốc tế UTC (Coordinated Universal Time) đang được đồng bộ thông qua các điều chỉnh gọi là "giây nhuận", thường được thêm vào khi Trái đất quay chậm lại. Tuy nhiên, nếu hiện tượng Trái đất quay nhanh tiếp diễn, lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới có thể phải thực hiện một điều chỉnh chưa từng có: rút bớt một giây khỏi đồng hồ, gọi là "giây nhuận âm".
Việc điều chỉnh giây nhuận âm có thể gây ra xáo trộn trong hàng loạt hệ thống công nghệ toàn cầu, vốn phụ thuộc vào đồng bộ hóa thời gian tuyệt đối, đặc biệt là: hệ thống GPS định vị toàn cầu, mạng viễn thông và hạ tầng Internet, thị trường tài chính và giao dịch tự động, ứng dụng điều hướng và điện thoại thông minh
Việc Trái đất đang quay nhanh hơn từng ngày là một hiện tượng tự nhiên đáng kinh ngạc, nhưng cũng đặt ra thách thức chưa từng có cho nhân loại. Các nhà khoa học đang chạy đua để theo dõi, giải thích và đưa ra phương án xử lý nhằm tránh các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra nếu giây nhuận âm thực sự cần được áp dụng.
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phụ thuộc vào đồng bộ thời gian chuẩn xác, chỉ một sai lệch nhỏ trong chu kỳ quay của Trái đất cũng có thể trở thành "cơn địa chấn" trong thế giới số. Những ngày sắp tới, đặc biệt là các mốc 9/7, 22/7 và 5/8/2025 sẽ là thời khắc then chốt để xác định nhân loại cần chuẩn bị ra sao trước một thay đổi chưa từng có trong lịch sử hành tinh xanh.