Trải nghiệm văn hóa, lễ hội đầu năm thu hút khách đến Lai Châu

Từ những nghi lễ cầu mưa của người Thái, lễ hội Gầu Tào của người Mông cho đến những điệu múa xòe đầy sắc màu, tất cả đã tạo nên một không gian đậm đà bản sắc, thu hút du khách đến Lai Châu tận hưởng và khám phá.

Tiết trời se lạnh, không khí vui tươi, phấn khởi đang tràn ngập các bản làng trên rẻo cao Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ngay từ sáng sớm ngày chính hội Gầu tào, nam thanh, nữ tú khoác trên mình bộ váy áo thổ cẩm rực rỡ, trao cho nhau những ánh mắt, nụ cười duyên dáng, hòa cùng tiếng khèn, điệu múa truyền thống.

Anh Giàng Làng Páo, người dân ở bản Pho Lao Cải, xã Tả Lèng cho biết, lễ hội Gầu tào bắt nguồn từ nghi thức cúng của cha ông xưa để lại. Đây là dịp để bà con người Mông tỏ lòng kính trọng biết ơn trời đất, cầu mong sơn thần, thổ địa phù hộ độ trì cho bà con dân bản, ban cho bà con một năm mới khỏe mạnh, người người được yên vui, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy bồ, gia súc, gia cầm sinh sôi phát triển.

Lễ hội Gầu tào tại xã Tả Lèng là nơi lưu giữ nét văn hóa tâm linh của đồng bào Mông bản địa

Lễ hội Gầu tào tại xã Tả Lèng là nơi lưu giữ nét văn hóa tâm linh của đồng bào Mông bản địa

"Bản thân tôi tham gia lễ hội Gầu tào thấy rất là xúc động. Đây là lễ hội truyền thống của dân tộc Mông, được truyền lại từ xưa đến nay nên không thể bỏ được. Chúng tôi rất cảm ơn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tổ chức cho bà con, bản thân tôi rất vui. Là người tham gia lễ hội nhiều năm, nên bản thân tôi hiểu biết gì cũng sẽ truyền dạy hết cho các con để lưu giữ mãi mãi đời sau này", anh Giàng Làng Páo chia sẻ.

Năm nào cũng vậy, mỗi khi lễ hội Gầu tào tại xã Tả Lèng diễn ra đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, trải nghiệm. Chứng kiến các nét văn hóa độc đáo đặc trưng truyền thống của đồng bào Mông địa phương, các du khách đều có cảm nhận ấn tượng, thích thú.

Chị Bùi Thị Tình, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Đến với lễ hội này tôi cảm thấy rấ vui, sôi nổi và thấy đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào Mông trên này. Bà con tham gia các phần thi, vui chơi rất là hăng say và nhiệt tình".

Đây cũng là dịp để thanh niên nam nữ gặp gỡ, vui chơi, kết nối lứa đôi

Đây cũng là dịp để thanh niên nam nữ gặp gỡ, vui chơi, kết nối lứa đôi

Xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào Mông. Lễ hội Gầu tào xuân đầu năm là nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống tâm linh, cũng như gắn kết tình cảm của người dân qua những câu chuyện, sau một năm lao động vất vả. Lễ hội Gầu tào cũng là cơ hội để mỗi người con trong các bản xa, gần đi làm ăn, công tác xa nay có dịp về hội tụ với gia đình, người thân, về với bản làng để tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, kỳ vọng một mùa vụ canh tác, sản xuất được mùa.

Ông Hảng A Lử - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lèng, huyện Tam Đường nói: "Lễ hội Gầu tào đem lại niềm vui, cầu phúc cho người dân hàng năm có sức khỏe dồi dào gia đình hạnh phúc. Cầu cho thần linh phù hộ bà con sản xuất ra thóc, ra gạo, rồi chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ thuận lợi hơn; cho con người có sức khỏe hơn, gia đình hạnh phúc, không có bệnh tật".

Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông được đưa vào để du khách trải nghiệm

Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông được đưa vào để du khách trải nghiệm

Nếu người Mông ở Tả Lèng có lễ hội truyền thống Gầu tào thì người Thái tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường lại có lễ hội đặc trưng Xòe chiêng. Mùa lễ hội đầu năm luôn thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia. Tại đây du khách sẽ được hòa mình vào không khí linh thiêng lễ cúng đầu năm của người Thái bên suối; được tham gia những vòng xòe vui nhộn cùng người dân địa phương, cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp bản làng đặc trưng của người Thái với nếp nhà sàn truyền thống.

Anh Nguyễn Văn Trọng, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: "Đây là lần thứ 3 tôi được tham gia lễ hội Xòe chiêng đầu năm mới. Tôi thấy lễ hội Xòe chiêng này bà con đến tham gia rất đông. Bà con đến đây chủ yếu mong muốn cho một năm mưa thuận gió hòa và tôi đến đây cũng để cầu mong gặt hái được nhiều thành công trong công việc cũng như cuộc sống".

Lễ hội Xòe chiêng của người Thái tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường

Lễ hội Xòe chiêng của người Thái tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường

Đến với lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào vòng xòe và có thể cảm nhận rõ hơn tình đoàn kết, những nét đẹp văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội được tổ chức nhiều năm nay và là minh chứng cho sự đoàn kết của chính quyền, người dân trong hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết về bảo tồn văn hóa, gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Ông Nguyễn Sỹ Tiện - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Bo, huyện Tam Đường cho biết: "Lễ hội Xòe chiêng có nguồn gốc từ rất xa xưa của đồng bào dân tộc Thái, nó được hình thành trong quá trình sinh sống và sinh hoạt của bà con nhân dân. Mục tiêu của hội xòe là thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách và cùng nhau hưởng trọn niềm vui trong cuộc sống, trong những ngày vui, ngày lễ, ngày tết và các dịp khác trong năm".

Trong không khí vui tươi của mùa xuân, người dân Lai Châu cùng nhau tổ chức các lễ hội tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội Xuân là dịp để mỗi dân tộc có thể biểu diễn văn hóa đặc sắc một cách đặc biệt nhất, từ các phong tục tập quán, món ăn đến những trò chơi dân gian. Du khách đến Lai Châu vào dịp này sẽ được hòa mình vào các hoạt động văn hóa đặc trưng của các dân tộc như: múa sạp, hát then, thổi khèn hoặc tham gia vào những trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ.

Các lễ hội xuân ở Lai Châu là yếu tố thu hút khách du lịch.

Các lễ hội xuân ở Lai Châu là yếu tố thu hút khách du lịch.

Theo ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Lai Châu, lễ hội xuân ở Lai Châu không chỉ là sự kiện văn hóa mà còn là cơ hội để du khách đắm chìm trong không khí tươi mới của một mùa xuân tràn đầy hy vọng. Về với Lai Châu du khách không chỉ được khám phá, trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc mà còn được hòa mình vào tình đất, tình người và tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc.

"Sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ diễn ra rất nhiều các lễ hội, với quy mô từ cấp tỉnh cho đến cấp xã. Đây là hoạt động để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, đây cũng là những sự kiện bắt đầu cho một năm kích cầu du lịch, để thu hút du khách đến với Lai Châu trong năm 2025", ông Trần Quang Kháng cho biết.

Lễ hội xuân ở Lai Châu không chỉ là dịp để người dân đón Tết mà còn là một hành trình khám phá văn hóa đầy sắc màu, kết nối con người và thiên nhiên. Mỗi lễ hội là một minh chứng cho sự phong phú và đa dạng trong truyền thống của các dân tộc thiểu số, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên về giao thoa giữa các giá trị văn hóa, phong tục và những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời.

Với vẻ đẹp hoang sơ và không khí tươi mới, Lai Châu chính là điểm đến lý tưởng đầu xuân cho những ai mong muốn khám phá, tận hưởng và hòa mình vào không gian xuân rất đặc biệt trên vùng cao Tây Bắc.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/check-in/trai-nghiem-van-hoa-le-hoi-dau-nam-thu-hut-khach-den-lai-chau-post1153470.vov