Trải nghiệm về tranh dân gian Kim Hoàng tại trường học
Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức và Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức chuyên đề 'Đưa di sản Văn hóa địa phương vào dạy Mỹ thuật qua bài học 'Tìm hiểu và trải nghiệm tranh Kim Hoàng'.
Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên thực hiện trọn vẹn Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, từ lớp 1 đến lớp 12 ở tất cả các môn học. Trong đó, Nghệ thuật là 1 trong 10 môn học chính thức của chương trình, là môn học đặc thù đòi hỏi năng khiếu về âm nhạc và mĩ thuật, có chương trình học và SGK riêng.
Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên dạy Mỹ thuật trong mỗi trường còn thiếu, bởi vậy việc sinh hoạt chuyên môn bằng hình thức chuyên đề là hết sức cần thiết. Qua đó, các giáo viên được trao đổi, chia sẻ, học tập, rút kinh nghiệm lẫn nhau, điều này giúp cho việc dạy và học ở mỗi đơn vị đạt hiệu quả tốt hơn.
Chuyên đề “Tìm hiểu và trải nghiệm tranh dân gian Kim Hoàng”, do cô Nguyễn Thị Bình và các học sinh trường THCS Di Trạch (huyện Hoài Đức) trình diễn đã đem đến cho người xem màn khám phá về lịch sử hình thành, phát triển, mai một và phục hồi nghề làm tranh dân gian ở làng KimHoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức), một di sản văn hóa của địa phương.
Đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Giáo dục Hoài Đức khi thực hiện chuyên đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho hay, hoạt động này đáp ứng yêu cầu về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học Mỹ thuật, hướng tới phát huy cao nhất năng lực chủ động, sáng tạo của học sinh; đồng thời thực hiện tốt việc sử dụng di sản văn hóa, nghệ thuật tại địa phương, lồng ghép vào dạy môn học cũng như tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa đến với học sinh trên địa bàn Thủ đô.