Trái ngọt của 'người dẫn đầu số hóa'
Chuyển đổi số đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo ngành ngân hàng toàn cầu và không nơi nào sự thay đổi này lại diễn ra sôi động như tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

Chuyển đổi số là động lực then chốt giúp các ngân hàng duy trì lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Từ năm 2018, các ngân hàng thương mại truyền thống tại APAC đã phải đối mặt với hai thách thức lớn: Một là, kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng về trải nghiệm số liền mạch, nhất là trong giai đoạn Covid-19; hai là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các Fintech và ngân hàng số được ủng hộ của các khách hàng thế hệ trẻ ưa thích công nghệ.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các ngân hàng truyền thống đã tăng tốc chương trình chuyển đổi số, đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, nền tảng di động và hệ sinh thái ngân hàng mở.

Bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS).
Những cái tên như UOB (Singapore), ICBC (Trung Quốc), MUFG (Nhật Bản) và Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã vươn lên trở thành những “người dẫn đầu số hóa”, tận dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận hành và mở ra các nguồn thu mới.
Commonwealth Bank of Australia (CBA)
CBA, ngân hàng bán lẻ lớn nhất tại Úc tính theo tổng tài sản, đã đầu tư 1,6 tỷ USD từ năm 2020 vào AI, điện toán đám mây, ngân hàng mở và an ninh mạng. Nhà băng này đã ra mắt x15ventures, vườn ươm khởi nghiệp đã tạo ra 5 công ty mới chỉ trong năm đầu tiên.
Các công cụ quản lý tài chính như Bill Sense và Coronavirus Money Plan được triển khai, phân tích hơn 26 triệu tài khoản và dự đoán 60 triệu hóa đơn mỗi ngày. Đến cuối năm 2024, CBA có 7,5 triệu khách hàng số hoạt động, trong đó 6,3 triệu người thường xuyên sử dụng ứng dụng CommBank, tỷ lệ khách hàng hoạt động rất cao.
Nhờ vậy, ROE của Ngân hàng tăng từ mức 11,8% trong năm 2022 lên mức 13,1% vào năm 2024, giữ vị trí cao nhất trong các ngân hàng Úc; tỷ lệ chi phí trên thu nhập giảm còn 45,4%; còn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 23% nhờ năng lực phân tích dự báo và hiểu biết sâu về hành vi khách hàng.

United Overseas Bank (UOB)
Tại Singapore, nơi chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của các Fintech, United Overseas Bank (UOB) là ví dụ điển hình về sự chuyển đổi thành công khi tự động hóa thông minh và xây dựng các nền tảng số lấy khách hàng làm trung tâm.
Năm 2022, UOB đã triển khai 160 “nhân viên số” ở nhiều bộ phận, tiết kiệm được 2.750 ngày công khi di chuyển gần 98 triệu tài liệu dữ liệu. Năm 2023, UOB đầu tư tới 835 triệu USD vào AI, dữ liệu lớn, đám mây và Blockchain, tích hợp AI vào hệ thống phòng chống rửa tiền, cho phép giám sát thời gian thực hơn 6.000 cảnh báo giao dịch đáng ngờ mỗi tháng.
Quy trình xử lý thế chấp được rút ngắn 30%, vừa nâng cao sự hài lòng vừa giảm tỷ lệ rời bỏ của khách hàng. Nhờ đó, ROA của Ngân hàng tăng từ 0,9% năm 2022 lên 1,2% vào năm 2024; ROE tăng từ mức 9,5% trong năm 2022 lên 11% vào năm 2024; tỷ lệ chi phí CIR giảm đều, còn thu nhập từ quản lý tài sản tăng 30% sau khi mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại ASEAN.

China Merchants Bank (CMB)
Trong khi đó, China Merchants Bank (CMB), ngân hàng lớn thứ 6 về tổng tài sản tại Trung Quốc đã khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số tại khối ngân hàng thương mại của nước này.
CMB đã triển khai chiến lược “Ngân hàng thông minh + Ngân hàng mở”, kết hợp hài hòa các công nghệ AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Blockchain nhằm phát triển các sản phẩm tài chính số hóa và cá nhân hóa.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, CMB đã thành lập Trung tâm Đổi mới công nghệ tài chính và Trung tâm Dữ liệu thông minh, tạo nền tảng vững chắc cho các sáng kiến đổi mới và phát triển dịch vụ khách hàng hiện đại.
CMB nổi bật với việc sử dụng AI trong quy trình phê duyệt tín dụng, giúp rút ngắn thời gian xử lý khoản vay từ vài ngày xuống chỉ còn vài phút, mang lại trải nghiệm nhanh chóng và thuận tiện cho khách hàng.
Ứng dụng di động CMB App với hơn 100 triệu người dùng được tích hợp nhiều dịch vụ tài chính đa dạng như đầu tư, bảo hiểm và quản lý tài sản, trở thành một nền tảng số toàn diện phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng còn triển khai robot giao dịch tài chính và trợ lý ảo hoạt động 24/7, hỗ trợ khách hàng mọi lúc mọi nơi, nâng cao hiệu quả chăm sóc và tương tác.
Kết quả tài chính của CMB trong giai đoạn 2022 - 2024 cho thấy sự vượt trội với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức cao khoảng 17 - 18%, vượt xa mặt bằng chung của ngành ngân hàng Trung Quốc. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được tối ưu hóa, giảm xuống dưới 30% nhờ vào việc nâng cao hiệu quả vận hành và giảm sự phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh vật lý truyền thống.
Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG)
Tại Nhật Bản, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) triển khai chiến lược “Re-Imagining Strategy” nhằm tái cấu trúc mô hình kinh doanh thông qua tự động hóa, AI và các dịch vụ số cá nhân hóa. MUFG hợp tác với IBM Services và NTT Communications để nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tích hợp AI, nhận diện giọng nói và nền tảng đám mây.
Ngân hàng này cũng triển khai chatbot AI cho bộ phận hỗ trợ IT nội bộ và chăm sóc khách hàng, giúp rút ngắn thời gian phản hồi và giảm tải vận hành. MUFG đã thành lập các bộ phận chuyên trách chuyển đổi số và chiến lược khởi nghiệp, đồng thời hợp tác với OpenAI để nghiên cứu ứng dụng AI sinh trong lĩnh vực tài chính.
Nhờ đó, ROE của MUFG tăng từ 6,5% năm 2022 lên 8% năm 2024; tỷ lệ chi phí trên thu nhập giảm đều, còn sự trung thành của khách hàng cũng được củng cố nhờ các trải nghiệm số cá nhân hóa và dịch vụ qua video.

Public Bank Berhad
Tại Malaysia, Public Bank Berhad nổi tiếng với phong cách quản trị thận trọng nhưng đã âm thầm và hiệu quả trong chuyển đổi số để giữ vững lợi thế cạnh tranh. Ngân hàng này đầu tư hơn 1 tỷ RM (khoảng 210 triệu USD) trong giai đoạn 2020 -2024 cho hạ tầng công nghệ thông tin, hợp tác với các Fintech và an ninh mạng.
Ngân hàng này triển khai lộ trình số hóa 3 năm, tập trung tích hợp Fintech, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng cường khả năng vận hành. Public Bank cũng ứng dụng SymphonyAI NetReveal cho phòng chống rửa tiền và phát hiện gian lận, đồng thời hiện đại hóa lõi ngân hàng với Finastra’s FusionBanking.
Ngân hàng mở rộng sang các thị trường ASEAN như Việt Nam và Indonesia, tận dụng kênh số để phát triển cho vay SME và bán lẻ. Nhờ kiểm soát chi phí nghiêm ngặt và tăng trưởng kênh số, Public Bank duy trì tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 32,6%, thấp nhất khu vực, còn ROA và ROE ổn định.

Bank Tabungan Pensiunan Nasional (BTPN)
Bank Tabungan Pensiunan Nasional (BTPN) đã chuyển mình từ một ngân hàng truyền thống phục vụ người về hưu tại Indonesia thành một ngân hàng số tiên phong với nền tảng Jenius, hướng tới thế hệ trẻ.
Jenius, ra mắt từ năm 2016, cung cấp các công cụ tiết kiệm, lập ngân sách và thanh toán trên nền tảng di động. Ngân hàng tận dụng phân tích dữ liệu và AI để cá nhân hóa dịch vụ và tăng gắn kết khách hàng, đồng thời đầu tư vào an ninh mạng và hạ tầng đám mây để đảm bảo khả năng mở rộng.
Jenius chú trọng giáo dục tài chính và hòa nhập tài chính cho người trẻ am hiểu công nghệ, thu hút hơn 3,5 triệu người dùng vào năm 2024, tăng trưởng mạnh cả về tiền gửi và giao dịch số. Nhờ hiệu quả số hóa, tỷ lệ chi phí trên thu nhập của BTPN giảm xuống dưới 45%, còn ROE tăng đều nhờ giảm chi phí chi nhánh và tăng thu nhập phí từ dịch vụ số.
Nhìn chung, thành công của các ngân hàng lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chuyển đổi số không chỉ thể hiện ở những sáng kiến công nghệ, mà còn được minh chứng rõ nét qua các chỉ số tài chính như ROA, ROE và CIR.
Những kết quả này khẳng định chuyển đổi số đang là động lực then chốt giúp các ngân hàng khu vực duy trì lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trai-ngot-cua-nguoi-dan-dau-so-hoa-post372750.html