'Trái ngọt' từ FTA vẫn chờ những doanh nghiệp có đủ năng lực

Các FTA là bệ phóng tốt nhưng 'trái ngọt' từ các cơ hội này vẫn chờ những doanh nghiệp có đủ năng lực, sự chủ động để tham gia tích cực, sâu hơn vào 'sân chơi' kinh tế quốc tế.

Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. (Nguồn: Gulf News)

Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. (Nguồn: Gulf News)

Theo Bộ Công thương, những năm qua, hoạt động xuất khẩu nói riêng, công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, cán cân thương mại tích cực, duy trì xuất siêu liên tục và tăng dần trong nhiều năm, góp phần ổn định cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ thực hiện chính sách tỷ giá, ngoại hối; tạo việc làm; nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thêm cơ hội

Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết.

Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh đánh giá, việc tận dụng cơ hội từ các FTA không chỉ giúp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay.

Tham gia FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, giảm thuế quan và rào cản thương mại. Điều này, giúp tăng cường khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp gia tăng doanh số bán hàng, quy mô hoạt động.

"Khi tận dụng FTA, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến từ các đối tác FTA và điều này giúp cải thiện năng suất lao động, tăng cường chất lượng sản phẩm, nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế…", ông Mạc Quốc Anh đánh giá.

Hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. (Nguồn: Vnfinance)

Hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. (Nguồn: Vnfinance)

Chưa tương xứng với tiềm năng

Tuy nhiên, Bộ Công thương nhận thấy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài lưu ý, các doanh nghiệp cần phải nhận diện rủi ro và thách thức để thúc đẩy thực thi hiệu quả các FTA.

Ông Ngô Sỹ Hoài nói: "Chúng ta nói nhiều tới tăng trưởng xuất khẩu mà ít nói tới chất lượng của tăng trưởng, chất lượng của xuất khẩu. Hiện nay, các chi phí đầu vào đều tăng lên, kể cả chi phí nhân công nhưng giá không tương xứng. Hầu hết doanh nghiệp ngành gỗ đều sản xuất theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài, bị ép giá rất nhiều".

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) khẳng định, việc đàm phán thành công và tham gia vào các FTA đã chứng tỏ sự trưởng thành của nền ngoại giao và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Song, đây mới chỉ là bệ phóng tốt “trái ngọt” từ các cơ hội này vẫn chờ những doanh nghiệp có đủ năng lực, sự chủ động để tham gia tích cực, sâu hơn vào “sân chơi” kinh tế quốc tế.

Chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động

Thời gian tới, để doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA, Bộ Công thương đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp như: khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, duy trì và phát triển các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống; khai thác hiệu quả các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam; tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng (như Nga, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi).

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu các ngành hàng bằng việc triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trong đó, tập trung vào các ngành hàng chủ yếu: công nghiệp chế biến, chế tạo, nhóm hàng nông lâm thủy sản.

Bộ cũng tích cực cung cấp thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu, tăng cường cập nhật, cung cấp thông tin về cơ hội xuất khẩu và biến động chính sách tại các thị trường xuất khẩu cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường các nước tham gia các FTA với Việt Nam để doanh nghiệp kịp thời khai thác.

Tổ chức phổ biến, hướng dẫn về nội dung các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, tiện tra cứu, khai thác.

Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích hợp pháp tại nước ngoài, chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại tại nước ngoài, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh chuyển đổi số cấp chứng nhận xuất xứ điện tử.

Tin rằng, với chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động, chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt những ưu đãi mà các FTA mang lại cho giai đoạn tăng trưởng mới.

(tổng hợp)

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trai-ngot-tu-fta-van-cho-nhung-doanh-nghiep-co-du-nang-luc-275345.html