Trái phiếu doanh nghiệp lặng sóng
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 15/9/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa có đợt phát hành nào trong tháng 9.
Trong khi đó, cũng theo thống kê của VBMA, tháng 8 đã có 30 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 30.657 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,02%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 2-5 năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 140.417 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 11,73% tổng giá trị phát hành) và 113 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 123.941 tỷ đồng (chiếm 88,27% tổng số).
Trong khi phát hành lặng sóng, thì các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mua lại trái phiếu trước hạn, với 2.225 tỷ đồng TPDN được mua lại trong tháng 9/2023 tính đến giữa tháng. Tổng giá trị TPDN đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 69.840 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,7% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 87.838 tỷ đồng).
Trong khi đó, áp lực đáo hạn TPDN vẫn rất lớn. Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 106.953 tỷ đồng. Trong đó 36% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 38.461 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 30.660 tỷ đồng (chiếm 28,6%).
Từ nay đến cuối năm, dự kiến còn một số đợt phát hành TPDN lớn, như: Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 800 tỷ đồng, số lượng tối đa là 8.000 trái phiếu. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có TSĐB, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet cũng đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng, số lượng 20.000 trái phiếu. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng, lãi suất cố định tối đa 12%/2 kỳ đầu, các kỳ sau bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng Nhà nước + 3,5%/năm.
Theo VBMA, quy mô toàn thị trường TPDN tính đến nay mới đạt khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 15% GDP cả nước. Con số này và thấp hơn nhiều so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển hơn trong ASEAN như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP) hay Thái Lan (25% GDP). Nhiều chuyên gia bình luận, thị trường TPDN còn nhiều gánh nặng nên tốc độ phục hồi chậm.
Bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) cũng không hy vọng thị trường có sự bứt phá thời gian tới, sự hồi phục sẽ diễn ra từ từ. “Hiện quy mô thị trường TPDN Việt Nam còn rất nhỏ, chỉ khoảng 11% GDP trong khi so sánh các nước trong khu vực khoảng 30-40% GDP. Tôi tin rằng thị trường đã qua giai đoạn khủng hoảng và đi vào giai đoạn khôi phục dần dần”, bà Giao nói.
Trong giai đoạn thị trường TPDN bị khủng hoảng, hiện tượng “fund run” (yêu cầu quỹ đầu tư thanh toán tiền mua chứng chỉ quỹ) đã xảy ra. Tuy nhiên, hiện thị trường đã hồi phục, bằng chứng là các quỹ đầu tư trái phiếu đã mở trở lại, đến nay lượng mua vào TPDN đã hồi phục về mức bình thường, cho thấy niềm tin đã quay trở lại.
Giới chuyên gia cũng đưa lời khuyên cho nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư cá nhân không có đủ kiến thức để đầu tư TPDN nên thông qua các cố vấn tài chính hoặc các quỹ chuyên nghiệp. Nếu có kiến thức chuyên nghiệp phải tìm hiểu thông tin cẩn thận, đầy đủ, tham khảo kết quả xếp hạng tín nhiệm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-lang-song-5739224.html