Trái phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường, kỳ vọng huy động vượt nửa triệu tỷ đồng
Điểm tin trái phiếu tháng 6/2025 vừa được FiinRatings công bố cho thấy thị trường tiếp tục sôi động với lực đẩy đến từ khối ngân hàng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng mạnh và lãi suất duy trì thấp. Quy mô phát hành tăng vọt, tỷ trọng trái phiếu ngân hàng chiếm ưu thế tuyệt đối, phản ánh nhu cầu cấp bách về vốn cấp 2.
Báo cáo chuyên đề "Tâm điểm Trái phiếu tháng 6/2025" của FiinRatings vừa phân tích toàn diện các xu hướng phát hành và diễn biến nổi bật trong nửa đầu năm. Một trong những điểm sáng là đà dẫn dắt của nhóm trái phiếu ngân hàng, chiếm tới 76,3% tổng giá trị phát hành, tương đương 189,7 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng cao, ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu
Theo báo cáo, tín dụng tăng trưởng tới 9,9% trong 6 tháng đầu năm, bỏ xa tốc độ tăng trưởng huy động vốn khiến các ngân hàng buộc phải tăng cường phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2, bảo đảm các chỉ số an toàn tài chính. Đây là động lực chính thúc đẩy thị trường sơ cấp sôi động, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục được duy trì ở mức thấp.
Tổng giá trị phát hành trái phiếu trong tháng 6 đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, tăng 52,4% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng trái phiếu phát hành đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, tăng tới 71,2% so với cùng kỳ 2024. Nếu duy trì tốc độ này, quy mô huy động cả năm 2025 qua kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có thể vượt mốc nửa triệu tỷ đồng – chỉ đứng sau kỷ lục năm 2021.
Luật mới siết phát hành, thị trường hướng tới chất lượng
Từ ngày 1/7/2025, Luật Doanh nghiệp sửa đổi chính thức có hiệu lực, đặt ra giới hạn mới về hệ số nợ/VCSH (không quá 5 lần, bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành). Quy định này được kỳ vọng giúp sàng lọc và nâng cao chất lượng hàng hóa trái phiếu, hạn chế các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao tham gia thị trường.

Trái phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường, kỳ vọng huy động vượt nửa triệu tỷ đồng
Ngoài ra, một số tổ chức phát hành cũng đang chuyển hướng sang hình thức chào bán công khai. Tổng giá trị trái phiếu chào bán ra công chúng trong 6 tháng đầu năm đạt 27,9 nghìn tỷ đồng – bằng 76,8% tổng giá trị cả năm 2024.
Thanh khoản trên thị trường thứ cấp tháng 6 ghi nhận gần 137,1 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 6,53 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với tháng trước. Nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm gần 71% tổng giao dịch.
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận các giao dịch bất thường với tỷ suất lợi tức (YTM) cao đột biến, lên tới 519% đối với một số trái phiếu sắp đến hạn của doanh nghiệp chậm trả nợ. Đây là tín hiệu cảnh báo về rủi ro tín dụng còn tiềm ẩn trên thị trường.
Trong tháng 6, thêm 4.500 tỷ đồng trái phiếu được xác định là có vấn đề, nâng tổng giá trị nợ xấu TPDN 6 tháng đầu năm lên 23.000 tỷ đồng – giảm 31% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 45,8%, tiếp theo là sản xuất (16,4%), xây dựng (8,7%) và các ngành khác.
Dù vậy, dòng vốn đã dần quay lại với nhóm bất động sản, đặc biệt sau các chính sách tháo gỡ pháp lý. Trái phiếu bất động sản trong 6 tháng đầu năm đạt 39,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 68% nhóm phi tài chính – tín hiệu tích cực cho khả năng phục hồi của ngành và giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng.
Mặc dù thị trường trái phiếu Việt Nam đã đạt quy mô khoảng 140 tỷ USD, trái phiếu xanh hiện vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ – dưới 1%. Báo cáo kêu gọi cần có các giải pháp phối hợp đa tầng, cụ thể hóa chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn cho các dự án phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.