Việt Nam đặt mục tiêu bứt phá: Đã đến lúc thay đổi mô hình tăng trưởng
Chuyển dịch mô hình tăng trưởng không chỉ mở rộng dư địa phát triển và thu hút dòng vốn chất lượng cao, mà còn là cơ hội kết nối các vùng kinh tế, đẩy mạnh quá trình số hóa, tự động hóa.
Cần giải pháp đột phá cho mô hình tăng trưởng
Ngày 15/7, phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho biết trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đạt mức hai con số, phấn đấu trở thành nền kinh tế nổi bật trong khu vực, giai đoạn 2025–2030 được Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) xác định là thời kỳ then chốt.
Theo đó, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo rõ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc vào vốn, năng suất, lao động giá rẻ sang dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương (Ảnh: Đức Bách).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ông Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những "điểm nghẽn" và hạn chế. Tốc độ đổi mới mô hình tăng trưởng chưa thực sự nhanh và mạnh mẽ như kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, năng suất lao động dù cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực.
"Nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và lao động giá rẻ. Tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng chưa cao, và năng lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế", ông Sơn nhận định.
Đặc biệt, năng lực công nghệ nội sinh còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế mới, công nghệ cao. Những thách thức này đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ hơn, một tư duy mới và những giải pháp đột phá để tạo ra mô hình tăng trưởng thực sự hiệu quả và bền vững cho tương lai.
Vì vậy, sự chuyển dịch mô hình tăng trưởng không chỉ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam mở rộng dư địa phát triển và thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, mà còn là cơ hội để kết nối các vùng kinh tế, đẩy mạnh quá trình số hóa, tự động hóa nền kinh tế.
Đổi mới sáng tạo dẫn đường tăng trưởng
Chia sẻ quá trình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 1990-6/2025,TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cho biết Việt Nam đạt mức tương đối cao và tương đối ổn định từ 1986 đến nay. Tuy nhiên, con số tăng trưởng chưa bao giờ đạt mức 10%/năm.
Mức tăng trưởng trung bình 5 năm đã dần giảm nhẹ 2001-2015, và tăng dần trở lại giai đoạn 2016-6/2025. Giai đoạn 2020-2025, Việt Nam và nhiều nước phải đối diện với nhiều cú sốc đồng thời lớn trong lịch sử: Đại dịch covid, Chiến tranh Nga – Ukraina, bất ổn Trung Đông, Mỹ thắt chặt tiền tệ, suy giảm tang trưởng/suy thoái ở nhiều nước là đối tác Việt Nam.
"Trong giai đoạn đó, Việt Nam vẫn đạt được mức tang trưởng cao thế hiện sức chống chịu phục hồi cao", TS. Lê Xuân Sang nhận định.

TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Ảnh: Đức Bách).
Trong khoảng 5 năm tới, ông Sang cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và tăng hiệu quả, chuyển đầu tư từ lượng sang chất, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời xây dựng và ban hành, chỉnh sửa hệ thống động lực mới. Triển khai các giải pháp khác để tăng chất lượng thể chế, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước tiệm cận dần vào ngưỡng thu nhập cao. Đặc biệt cũng cần tính đến những bất trắc mới, nhất là bất ổn vĩ mô.
Lấy ví dụ về kinh nghiệm ở một số nước Đông Á điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh đến mô hình tăng trưởng của Hàn Quốc và Đài Loan.
Điểm chung của mô hình tăng trưởng ở 2 quốc gia này là sự hỗ trợ, vai trò mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu như Hàn Quốc chọn các doanh nghiệp tư nhân lớn (chaebols) đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ đóng vai trò phụ trợ cho doanh nghiệp lớn (tương tự Nhật Bản); thì tại Đài Loan, doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ chốt trong phát triển và phổ cập khoa học công nghệ. Doanh nghiệp tư nhân lớn không được ưu ái, tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cả trong nước và xuất khẩu.

TS. Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam (Ảnh: Đức Bách).
Từ đây, ông Nguyễn Bá Hùng đưa ra những gợi ý cho mô hình của Việt Nam. Cụ thể, cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho phát triển các thành phần rộng rãi. Nhận diện và quản lý ảnh hưởng của doanh nghiệp lớn lên chính sách.
Từ đó, thực hiện các chương trình hỗ trợ theo kết quả đạt được (performance-based), tập trung vào nghiên cứu phát triển, không phân biệt loại hình doanh nghiệp. Thúc đẩy cơ chế khởi nghiệp, không lựa chọn ngành nghề, để mở rộng sự đa dạng kinh tế
"Nâng cao sức cạnh tranh quốc tế qua tiếp thu công nghệ, đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân theo mạng lưới cung cấp/ phân phối", ông Hùng đề xuất.
Đặc biệt, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của các ngành dịch vụ, thúc đẩy bởi công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từng bước thúc đẩy nghiên cứu cơ bản khi tiệm cận giới hạn công nghệ toàn cầu.