Trải qua loạt cú sốc khi mang thai, người mẹ nhắn nhủ lời gan ruột
Bất ngờ mắc bệnh trong lúc mang thai và điều trị không đúng cách, mẹ bầu trải qua thai kỳ vất vả, nhiều lo lắng.
Thai kỳ mệt mỏi
Kết hôn muộn, vợ chồng chị Huyền Trang (SN 1987) vẫn không muốn sinh con sớm. Thế nên khi mang thai, chị không hề hay biết.
Một hôm, khi làm việc, chị cảm thấy lạ vì không nhớ được mật khẩu của các ứng dụng mình thường sử dụng. Sau đó, chị thấy cơ thể mệt mỏi bất thường.
Lo lắng, chị đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện mình mang thai 5 tuần. Biết tin, tâm trạng chị rối bời. Chị vui mừng nhưng cũng lo lắng vì chưa chuẩn bị tâm lý.
Vợ chồng chị bắt đầu thai kỳ bằng việc chăm lo, để ý hơn đến việc ăn uống để em bé đủ dinh dưỡng. Ít hôm sau, chị Trang bị ho kéo dài.

Chị Trang chia sẻ thai kỳ mệt mỏi và giai đoạn làm mẹ bỉm sữa nhiều căng thẳng của mình. Ảnh: Tâm sự mẹ bỉm sữa
Sợ vợ uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến em bé trong bụng, chồng chị Trang đề nghị chị tự điều trị ở nhà. Anh giã một số loại lá rồi vắt nước cho chị uống.
Nhưng dù đã uống nhiều ngày, cơn ho của chị không thuyên giảm thậm chí còn nặng hơn. Sau cùng, anh đưa chị Trang vào bệnh viện khám.
Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết vì ho quá lâu, chị bị viêm phổi, cần nhập viện điều trị. Tại chương trình Tâm sự mẹ bỉm sữa tập 278, chị Trang kể: “Bác sĩ nói tôi phải sử dụng kháng sinh. Họ sẽ tính toán liều lượng phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi và em bé. Nếu không, rất có thể chỉ giúp được mẹ và không giữ được em bé.
Nghe vậy, vợ chồng tôi sợ lắm. Chúng tôi thông báo cho người thân trong nước mắt”.
Sau thời gian nằm viện điều trị, chị Trang được về nhà dù cơn ho vẫn chưa dứt hẳn. Tại nhà, chị tập trung ăn uống, tẩm bổ.
Để em bé trong bụng lấy lại cân nặng, phát triển tốt, chị Trang cố gắng ăn những thực phẩm bổ dưỡng, thậm chí cả những món trước đó chị chưa từng ăn hoặc không muốn ăn.
Dù vậy, mỗi lần đi khám thai, chị đều nghe các bác sĩ nói em bé không phát triển. Mang thai tháng thứ 7, chị Trang thường xuyên xuất hiện các cơn gò.
Cơn gò xuất hiện thường xuyên, liên tục đến mức bác sĩ cho biết có thể sẽ phải đưa bé ra ngoài để chăm sóc. Bởi ở trong bụng mẹ, bé không phát triển. Tháng thứ 8, chị Trang được bác sĩ yêu cầu nhập viện để đưa em bé ra ngoài.
“Tôi được gây mê khi sinh mổ. Tỉnh lại, tôi đã thấy con nằm trên ngực mình. Con nặng 2,5kg, cao 40cm đủ tiêu chuẩn để không phải nằm lồng”, chị kể thêm.
Trầm cảm
Chị Trang gặp nhiều khó khăn trong việc làm mẹ. Sinh xong, sữa chưa về, chị chuyển từ lo lắng sang tự ti, căng thẳng.
Vì chồng bận công tác, mẹ bỉm đưa con về quê ở Bình Phước chăm sóc. Dù vậy, bố mẹ ở quê đã có tuổi nên suốt thời gian này, gần như chỉ có một mình chị Trang chăm con nhỏ.
Chị mất ngủ, không thể ăn uống và căng thẳng đến mức bị trầm cảm. Chị tâm sự: “Lần đầu làm mẹ, tôi có nhiều bỡ ngỡ. Mỗi khi gặp tình huống gì đó với con, tôi đều phải lục tìm thông tin để giải quyết.

Hiện nay, con chị Trang đã hơn 6 tuổi. Ảnh: Tâm sự mẹ bỉm sữa
Có những đêm chỉ có mình tôi chăm lo cho con. Điều đó khiến tôi mệt mỏi, tức giận đến mất kiểm soát cảm xúc.
Tôi la con lớn đến mức bé giật mình. Sau này, tôi mới nhận ra những lúc như thế, mình cần phải bình tĩnh hơn”.
Con được 1 tháng tuổi, chị Trang tiếp tục đón nhận “cơn khủng hoảng” trong hành trình làm mẹ bỉm sữa. Bé bị ho nhưng chị không có kinh nghiệm điều trị.
Chị cho bé uống thuốc chưng từ các loại lá cây. Khi thấy con không khỏi, còn ho nặng hơn, chị mới đưa vào bệnh viện điều trị.
Dù vậy, sau 1 tuần uống thuốc, bé vẫn không dứt ho. Đến đêm, bé ho sặc sụa khiến ai cũng xót xa. Thấy bé ho nhiều, gầy ốm, mẹ chị đau lòng đến rơi nước mắt.
“Lúc đó, bản năng của người mẹ mách bảo tôi phải kiên cường. Tôi lấy rau tần dày lá chưng với đường phèn cho bé uống. Tôi cho bé uống 2 lần/ngày trong 10 ngày liên tục.
Đến ngày thứ 10, bé dứt ho hoàn toàn. Vượt qua được lần ấy, gia đình tôi như có thêm một bài học trong việc chăm con nhỏ.
Từ đó, tôi chăm bé tốt hơn. Hiện, bé đã hơn 6 tuổi, mọi chỉ số đều vượt chuẩn”, chị Trang chia sẻ.
Chị Trang cho rằng, trong quá trình mang thai, người phụ nữ phải tìm hiểu, học kinh nghiệm từ người đi trước, chuyên gia, bác sĩ để có kiến thức.
Đặc biệt, trong quá trình chăm con nhỏ, nếu gặp những tình huống không mong muốn hãy xử lý bằng một cái đầu lạnh, một trái tim nóng của một người mẹ dành cho con.
“Nếu căng thẳng, mẹ bỉm có thể trò chuyện, chia sẻ với người thân, bạn bè, bác sĩ để có những câu trả lời mang lại sự tích cực. Làm mẹ quan trọng nhất là phải tích cực, hài hòa mọi vấn đề. Mình tốt, con mới tốt được”, chị đúc kết.