Trầm hùng nhạc ngũ âm của người Khmer

Tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I - năm 2024, Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings đã xác lập kỷ lục 'Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam'.

Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam

Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam

Trước đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thành công “Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam”.

Trong đêm diễn, tiếng nhạc trầm hùng tạo nên bởi sự hòa tấu giữa nhóm 5 loại nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Khmer đã làm không gian lễ hội thêm phần huyền diệu.

Ban tổ chức tặng hoa cho đại diện các đoàn nghệ nhân tham gia chương trình

Ban tổ chức tặng hoa cho đại diện các đoàn nghệ nhân tham gia chương trình

Theo Nhạc sĩ -Tiến sĩ Sơn Ngọc Hoàng về mặt truyền thống, nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer.

Chương trình thu hút các bạn trẻ tham gia trở thành nhạc công ngũ âm

Chương trình thu hút các bạn trẻ tham gia trở thành nhạc công ngũ âm

Loại hình âm nhạc này được xác định có ảnh hưởng xa xưa từ cung đình và tôn giáo của Ấn Độ cùng một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan... Sau đó, nhạc Ngũ âm được truyền vào nền văn hóa Khmer ngay từ thời tiền sử và tồn tại cho đến ngày nay.

Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.

Trải qua thời gian, bên cạnh những yếu tố ngoại sinh được tiếp thu và duy trì, người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng cũng đã có sự dung hòa, tiếp biến cho phù hợp với tính cách ứng xử và phong tục tập quán của mình. Một mặt tạo nên tính tương đồng trên nhiều khía cạnh của loại hình nhạc Ngũ âm với đặc điểm âm nhạc của một số quốc gia láng giềng, một số dân tộc anh em. Nhưng mặt khác, cũng luôn khẳng định được những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của con người và vùng đất mới cộng sinh nhiều dân tộc.

Dàn nhạc trung tâm có vai trò dẫn dắt các nhạc công cùng hòa tấu

Dàn nhạc trung tâm có vai trò dẫn dắt các nhạc công cùng hòa tấu

Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.

Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ âm truyền thống gồm 9 loại: Kèn Srolay Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).

Một thiếu nữ nhạc công cùng hòa tấu với đại dàn nhạc

Một thiếu nữ nhạc công cùng hòa tấu với đại dàn nhạc

Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của người Khmer Nam Bộ nói chung. Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã lưu giữ và thấm đẫm trong đó nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn và hết sức đặc biệt.

Với việc có mặt trong thiết chế tôn giáo và tham gia trình tấu tất cả các đại lễ và nghi lễ Phật giáo ở chùa cũng như của người dân trong cộng đồng, nhạc Ngũ âm đã trở thành một nét văn hóa gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức và đời sống sinh hoạt của mỗi người dân Khmer từ thuở nhỏ đến lúc cuối đời.

Ngũ âm là nhạc không thể thiếu các lễ nghi trong chùa Phật giáo Nam tông Khmer

Ngũ âm là nhạc không thể thiếu các lễ nghi trong chùa Phật giáo Nam tông Khmer

Đó là những âm thanh và giai điệu mang tính ký hiệu vừa thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi quen thuộc, thân thiết và giàu cảm xúc đối với từng cá nhân và cả cộng đồng trong suốt cuộc đời của họ.

Nhạc Ngũ âm của người Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng mang giá trị lịch sử-văn hóa, giá trị tâm linh, đạo đức, giá trị nghệ thuật - thẩm mỹ và sự gắn kết cộng đồng.

Khi nghe tiếng trống (Skô Voth) cùng với tiếng nhạc Ngũ âm vang lên tại các ngôi chùa Khmer thì người dân trong phum, sóc biết được đã đến ngày tổ chức các nghi lễ tôn giáo.

Thông qua âm nhạc này, mọi người được cùng hòa nguyện tâm hồn mình và tạo ra sự kết nối cộng đồng với nhau một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng lại hết sức bền chặt, sâu đậm.

Nhạc Ngũ âm của người Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng mang giá trị lịch sử-văn hóa, giá trị tâm linh, đạo đức, giá trị nghệ thuật - thẩm mỹ và sự gắn kết cộng đồng.

Tỉnh Sóc Trăng đón nhận Kỷ lục trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam

Tỉnh Sóc Trăng đón nhận Kỷ lục trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết, nhạc Ngũ âm, trước đây theo quy định cổ truyền chỉ được đem ra sử dụng cho các nghi lễ, sau đó được cất giữ lại tại chùa. Ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, dàn nhạc Ngũ âm cũng được mở rộng phạm vi hoạt động.

Nhạc Ngũ âm đã tham gia phục vụ trong các chương trình biểu diễn ca - múa - nhạc chuyên nghiệp, được kết hợp một số nhạc cụ khác để hòa âm phối khí âm nhạc, sử dụng trong các vở diễn sân khấu dù kê, trong các lễ hội truyền thống của dân tộc hay những sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật khác… trong cộng đồng người Khmer.

Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc. Đặc biệt là Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Từ đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư kinh phí mua sắm nhiều dàn ngũ âm hỗ trợ cho các câu lạc bộ, các chùa Khmer trong tỉnh, tổ chức mở nhiều lớp đào tạo, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp cho con em đồng bào dân tộc Khmer có thêm kiến thức cơ bản, hiểu biết hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Dàn nhạc Ngũ âm hợp tấu cho ca múa cộng đồng trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer.

Dàn nhạc Ngũ âm hợp tấu cho ca múa cộng đồng trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer.

“Để ghi nhận sự nỗ lực cố gắng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm, sau thời gian truyền dạy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập hợp, quy tụ hơn 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên tập luyện các tiết tấu, bài bản nâng cao để tiến hành xây dựng kịch bản chương trình trình biểu diễn với quy mô lớn nhất từ trước đến nay” - đồng chí Trần Minh Lý cho biết thêm.

Quá trình triển khai ôn luyện cùng với sự phối hợp hỗ trợ giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình các nhạc công đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, chương trình còn được sự ủng hộ của các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức và Ban quản trị các Chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh.

Nhạc Ngũ âm xứng đáng trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất quan trọng và tiêu biểu của cộng đồng người Khmer.

Trải qua thời gian, dòng chảy của di sản văn hóa này không ngừng được tiếp nối, bồi đắp và lan tỏa trong cộng đồng người Khmer qua các thế hệ.

Đến nay, dù đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhưng Nhạc Ngũ âm vẫn khẳng định và không ngừng thích nghi để tồn tại và phát triển cho phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh mới.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings đánh giá, “chương trình trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam” không chỉ tạo không khí lễ hội thêm phần hào hứng mà còn gây ấn tượng cho người xem bởi lối diễn xướng độc đáo của các nghệ nhân Khmer Sóc Trăng.

NGUYỄN PHONG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tram-hung-nhac-ngu-am-cua-nguoi-khmer-post853415.html