Trăm năm nghề truyền thống (Kỳ 2)
Trong sự hối hả của nhịp sống hiện đại, vẫn có những người âm thầm giữ nghề truyền thống. Với họ, đó không chỉ là mưu sinh mà còn là những gì thân thuộc nên đôi ba lần định bỏ nhưng rồi vẫn giữ lấy nghề.
Kỳ 2: “Ghe anh đi cá trảng lườn”
Nghề đóng ghe, xuồng gỗ từng có một thời rất thịnh. Mấy chục năm trước, nhắc đến nghề đóng ghe, người ta thường kể về làng nghề Tân Chánh (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc). Ghe, xuồng ở đây nổi tiếng không chỉ vì tay nghề của thợ, nguyên liệu chất lượng mà còn bởi nhiều người tin rằng đóng ghe ở Tân Chánh, Đông Thạnh,... việc làm ăn sẽ thuận lợi hơn, đánh bắt được nhiều cá hơn. Theo thời gian, làng nghề không còn như trước, chỉ một vài hộ giữ nghề.
Khoảng 100 năm trước, Tân Chánh từng nức tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh với nghề đóng ghe gỗ. Giờ thì người ta dùng xà lan, ghe sắt nên nghề đóng ghe gỗ mai một dần. Thời hoàng kim, vùng Tân Chánh có trên 10 trại ghe hoạt động xuyên suốt, giờ chỉ còn 2 cơ sở mà chủ yếu là sửa chữa chứ ít khi có đơn hàng đóng ghe mới. Anh Phạm Văn Dũng (Công ty TNHH Phạm Hữu Bằng) cho biết: Công ty là 1 trong 2 cơ sở đóng ghe còn lại của xã nhưng chủ yếu là sửa chữa ghe sắt, thỉnh thoảng mới có ghe gỗ đến sửa.
Anh Dũng nhớ lại: Giai đoạn 1980-1997, nghề đóng ghe “ăn nên làm ra”. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người ở tận các tỉnh miền Trung hay tỉnh Kiên Giang, Cà Mau cũng đến đặt đóng ghe, có khi họ ở lại cả mấy tháng trời. Mấy năm đó, ban ngày cũng như ban đêm, tiếng đục đẽo, tiếng búa cứ chan chát suốt.
Ghe Tân Chánh thời đó được ưa chuộng bởi được sử dụng từ loại gỗ tốt, ngâm nước trong một thời gian nhất định để có độ dẻo, không bị vỡ khi có lực va chạm mạnh. Giờ thì tiếng búa, tiếng đe và sự nhộn nhịp của ngày xưa không còn. Cơ sở này chỉ còn trên chục công nhân lành nghề nhận sửa chữa ghe, chủ yếu là thợ sửa ghe sắt.
Anh Trần Văn Điệp (thợ chính tại xưởng) quệt vội mồ hôi, hối anh em nhanh tay để kịp giao ghe cho khách. Chiếc ghe sắt đang được sửa chữa có tải trọng khoảng 1.200 tấn. 6-7 thợ đang tất bật sửa. Anh Điệp hối: “Lẹ lẹ, làm chiếc này cho xong còn qua chiếc kia!”. Rồi anh kể, chủ ghe này có hơn 20 chiếc, trước kia cũng xài ghe gỗ, sau này chuyển hết qua xà lan, ghe sắt. Những người làm ở đây ai cũng gắn bó với xưởng trên 20 năm, có ghe thì tới sửa, còn không thì ở nhà lo việc nhà.
“Nghề nào cũng cực nhưng giờ có việc làm, thu nhập là mừng rồi. Như mấy chị này nè, có ai sửa ghe gỗ thì mấy chị đến trét chai cho ghe, không thì ở nhà giữ cháu. Nói vậy thôi chứ công việc cũng đều đều, đàn ông thì được 400.000-500.000 đồng/ngày, đàn bà thì 300.000 đồng. Ở vùng quê này, kiếm được nhiêu đó tiền cũng khá rồi!” - anh Điệp cười rồi tiếp tục công việc.
Cách đó không xa là trại ghe của anh Phạm Tấn Đạt. Anh Đạt tiếp nối nghề đóng ghe từ cha anh - ông Phạm Tấn Vinh. Thời còn trẻ, ông Vinh từng đi làm thuê cho trại ghe mà ngày đó, thanh niên trong xóm hầu hết đều theo nghề đóng ghe. Nghề dạy nghề, ông thành thợ chính rồi mở trại đóng ghe riêng.
Ông Vinh có 6 người con nhưng chỉ có anh Đạt có khiếu và thích nghề nên theo đến giờ. Anh Đạt kể, cha anh rất kỹ tính. Những ngày ông còn trực tiếp đóng ghe, phải tìm được nguồn gỗ ưng ý thì mới nhận đóng, có khi ông phải ra tận tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận để tìm mua gỗ. Ngoài những yếu tố gỗ, kỹ thuật đóng thì người đóng ghe và cả chủ ghe đều đặc biệt quan tâm đến cặp mắt của ghe (mắt đảo mèo).
Người đi sông, đi biển luôn xem ghe là linh hồn sống và mắt ghe đã gắn liền với đời sống tâm linh của dân chài, lâu dần trở thành một tục lệ,... Đôi mắt được xem là “linh hồn” của chiếc ghe nên được chăm chút. Cũng như bao vùng khác ở Nam bộ, mắt ghe ở Tân Chánh tròng đen, tròng trắng được vẽ tròn hoặc ô van. Nhìn thẳng, tròng đen to, trông hiền hòa như tính cách của người dân Nam bộ.
Kiểm tra lại một số bộ phận của ghe, anh Trần Văn Thạnh (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: “Gần 30 năm theo nghề đi ghe biển, lần nào cần sửa chữa, tôi cũng kéo ghe về trại của anh Đạt”.
“Quen rồi, chỗ khác sửa không hợp ý mình. Nghề đi biển thì cũng hơi tâm linh, tui thấy sửa ở chỗ anh Đạt xong là đi trúng mẻ cá” - anh Thạnh cười tươi rồi tiếp tục công việc. Cạnh chiếc ghe của anh Thạnh đang được sửa chữa là chiếc tàu gỗ mà anh Đạt nhận đóng cho công ty du lịch. Để hoàn thành chiếc tàu du lịch như thế cần 4-5 thợ lành nghề làm trong 3 tháng. Anh Đạt chia sẻ: “Giờ ít ai đóng ghe gỗ đi biển, còn tàu du lịch như vầy thì đóng đều đều”.
Cách Tân Chánh không xa, ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc cũng có làng nghề đóng ghe tồn tại cả trăm năm nay. Thời hưng thịnh nhất của làng ghe Đông Thạnh là những năm 1950. Trước kia, làng ghe Đông Thạnh nổi tiếng với các loại ghe bầu, ghe chài, ghe đóng đáy, ghe kéo, xuồng tam bản, xuồng ba lá,...
Để làm ra một chiếc ghe, phải trải qua nhiều công đoạn: Đốt be tạo dáng, lên be, áp khẩu, làm mui, trét chai, hạ thủy,... Cũng như nghề đóng ghe ở Tân Chánh, làng nghề của Đông Thạnh cũng có nguy cơ mai một bởi hiện nay, số người sử dụng ghe gỗ không nhiều. Làng nghề nhộn nhịp ngày nào giờ thưa dần tiếng đục, tiếng cưa,... mà chủ yếu vẫn là sửa chữa ghe./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tram-nam-nghe-truyen-thong-ky-2--a167103.html