Trạm Tấu phát huy hiệu quả Đề án 938
Trong những năm qua, Đề án 'Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ' giai đoạn 2017 - 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 938/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 938) đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Trạm Tấu triển khai, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hội LHPN huyện Trạm Tấu tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới.
Chị Hảng Thị Dông - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trạm Tấu cho biết: "Hội đã tổ chức 168 cuộc tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Đề án cho Ban Chấp hành Hội LHPN huyện, chủ tịch, phó chủ tịch hội LHPN và các chi hội trưởng, chi hội phó các xã, thị trấn với 1.680 lượt người tham dự; phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn cho 720 lượt cán bộ Hội tham gia thực hiện Đề án”.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Đề án, Hội LHPN huyện đã tổ chức 127 cuộc tọa đàm, truyền thông; các hội cơ sở phối hợp tuyên truyền trên 250 cuộc với các nội dung: chăm sóc bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em; hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; an toàn vệ sinh thực phẩm; phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và đặc biệt là về phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH, HNCHT), phòng chống mua bán người…
Cùng đó, các cấp Hội LHPN phối hợp với Phòng Tư pháp huyện, cán bộ tư pháp xã tổ chức 85 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho trên 5.100 người tại các xã, thị trấn. Các cấp hội cũng đã xây dựng 12 mô hình phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống TH,HNCHT với 216 thành viên; xây dựng 32 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc” với 649 thành viên.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Trạm Tấu chia sẻ thêm: "Do đặc thù ở huyện vùng cao nên nhìn chung nhận thức của một bộ phận hội viên phụ nữ và người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật PCBLGĐ cũng như hệ lụy của TH,HNCHT, sinh nhiều con vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, trong khuôn khổ Đề án 938, các cấp Hội tập trung nhiều vào việc tuyên truyền PCBLGĐ, phòng chống TH,HNCHT, hệ lụy sinh nhiều con. Các hoạt động tuyên truyền, truyền thông phong phú, đa dạng, như: lồng ghép trong sinh hoạt Hội, trong họp thôn, bản hay tổ chức các cuộc thi, tọa đàm… Trong đó, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tới hệ lụy và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với các trường hợp TH,HNCHT, mua bán người”.
Chị Lý Thị Cầu - Chủ tịch Hội LHPN xã Túc Đán cụ thể hóa về kết quả thực hiện: Đến nay, Hội LHPN xã Túc Đán đã tổ chức 24 buổi truyền thông về bình đẳng giới, PCBLGĐ, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, thu hút gần 1.600 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Hội cũng phối hợp với xã tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ năng bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em; tổ chức 8 hội thi về PCBLGĐ, 1 hội thi về phòng, chống xâm hại trẻ em; 8 lớp quản lý cảm xúc trong hôn nhân và gia đình với sự tham gia của 256 cặp vợ chồng. Hội còn tổ chức các buổi nói chuyện cung cấp các kiến thức về vai trò của cha mẹ trong PCBLGĐ cho nhiều phụ nữ tham gia”.
Các hoạt động của Đề án, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền, vận động đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, hành động liên quan đến các vấn đề xã hội của chị em phụ nữ và người dân, nhất là các vấn đề xã hội nổi cộm ở địa bàn vùng cao như TH, HNCHT, mua bán người, sinh con thứ 3 trở lên... Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng TH,HNCHT, sinh con thứ ba… trên địa bàn huyện. Nếu như năm 2017, 2018 toàn huyện có 74 trường hợp tảo hôn, 3 trường hợp HNCHT, 206 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên thì đến năm 2024 còn 13 trường hợp tảo hôn, không có trường hợp HNCHT và 138 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/350005/tram-tau-phat-huy-hieu-qua-de-an-938.aspx