Trân quý và gìn giữ giá trị của hòa bình!
Mùa thu là mùa của những xúc cảm sâu lắng, của trí tuệ hàm súc và hơn hết là mùa gặt hái thành quả. Với dân tộc Việt Nam, mùa thu càng có ý nghĩa đặc biệt khi gắn liền, thậm chí đã trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình trên xứ sở này: Mùa thu độc lập 1945.
Mùa thu độc lập đầu tiên ngập trong nắng vàng Ba Đình, giữa thủ đô linh thiêng và hào hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; cũng đồng thời tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”! Lời tuyên ngôn cũng chính là sự khẳng định đanh thép cho ý chí và khí phách dân tộc Việt Nam, là lời hiệu triệu non sông hào sảng và mạnh mẽ, đã dẫn dắt dân tộc ta đi qua 77 năm gian khổ và hào hùng, để tạo dựng nên cơ đồ và vị thế quốc gia - dân tộc rạng rỡ hôm nay.
Việt Nam, dải đất nhỏ hẹp nằm chênh vênh bên bờ biển Đông và dường như cái vị trí ấy cũng chính là sự mặc định của thiên tạo rằng, dân tộc này muốn vươn lên để giữ gìn cương thổ và gây dựng cơ đồ, thì chắc chắn phải đối diện với muôn trùng giông bão. Và sự thực là vậy. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước cũng là lịch sử của những cuộc tranh đấu với thiên nhiên để giành giật và bảo vệ cuộc sống, với ngoại xâm để giành, giữ nền độc lập. Trải qua nghìn năm Bắc thuộc, đến thời đại quân chủ từ Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn và sang thời đại Hồ Chí Minh cho đến ngày nay, cuộc tranh đấu cho quyền tự quyết, vì nền hòa bình của dân tộc và tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vẫn chưa khi nào ngơi nghỉ.
Từ một dân tộc nhược tiểu bị tròng lên mấy tầng gông cùm áp bức dã man của thực dân Pháp: “Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. Từ buổi đầu mờ mịt về đường hướng, khi các cuộc tranh đấu cho quyền dân sinh, dân chủ, quyền tự do, tự quyết dân tộc đều nhuộm máu những người Việt Nam yêu nước. Phải đến khi Nguyễn Ái Quốc - người con ưu tú nhất của dân tộc - đã tìm ra ánh sáng lý tưởng và con đường cách mạng đúng đắn nhất, phù hợp nhất cho dân tộc; thì khi ấy, cuộc đấu tranh đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm mới có được hồi kết viên mãn với cuộc cách mạng mùa thu tháng Tám.
Như câu đúc kết ngắn gọn nhưng đầy hàm súc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn lịch sử: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Song, để “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, cả dân tộc đã bước trên hành trình tranh đấu đầy gian khổ, với vô vàn hy sinh. Để rồi, thành quả gặt hái được từ mùa thu tháng Tám là đánh đổ chế độ thực dân đã “ăn bám” trên mảnh đất này ngót một thế kỷ để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập; cũng đồng thời đánh đổ chế độ quân chủ đã tồn tại suốt mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sự thật lịch sử ấy đã trở thành chân lý của thời đại, khi “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Hòa bình và độc lập đã trở thành nền tảng căn bản nhất để dựng xây và phát triển đất nước; cũng đồng thời là cơ sở để xây dựng “lòng tin chiến lược” - vừa là phương châm vừa là mục tiêu mà Việt Nam đã và đang theo đuổi như là khởi nguồn cho mọi mối quan hệ hữu nghị trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng các quyền cơ bản của các quốc gia, dân tộc. Bởi, khi sống ngay “vùng rốn bão”, dân tộc Việt Nam chỉ có lựa chọn duy nhất đúng là đấu tranh với nghịch cảnh, đối diện với cuồng phong bằng tâm thế sẵn sàng, bằng sự kiên cường, tự cường, tự tôn và tự hào dân tộc. Tổ quốc nhìn từ biển để thấy mỗi khi “biển Đông dậy sóng”, thì cái dáng hình mảnh mai bỗng biến hóa thành con đê vĩ đại, với nền móng tinh thần quật cường dân tộc và kim chỉ nam “dĩ bất biến” là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Có lẽ, chỉ khi đã đi qua những tháng ngày giông bão, tăm tối nhất của chiến tranh tàn khốc, người ta mới cảm nhận được ân huệ và ánh sáng diệu kỳ của hòa bình. Tròn 77 năm kể từ mùa thu độc lập đầu tiên, khi dân tộc Việt Nam đã khảng khái định lại chủ quyền thiêng liêng bằng bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ. Thời gian và những thăng trầm lịch sử đã phủ một lớp sơn lấp lánh lên sự kiện năm ấy, để những bài học lớn vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, để mãi nhắc nhở Nhân dân ta về giá trị của độc lập, về lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng hy sinh khi “Tổ quốc gọi tên mình”.
Từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ, Việt Nam đang vươn dậy mạnh mẽ và đóng góp ngày càng quan trọng vào nhiệm vụ quốc tế để khẳng định vai trò, vị thế quốc gia và cũng là để thực hiện tâm nguyện của Bác - người cộng sản quốc tế lỗi lạc - từng căn dặn lúc sinh thời. Để rồi, ngày nay khi nói về Việt Nam, người ta không chỉ nhắc đến một đất nước đã đi qua những cuộc chiến tàn khốc nhất, một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường bậc nhất; mà hơn hết Việt Nam đang trở thành một điểm đến của hòa bình. Một xứ sở yêu chuộng hòa bình và đang làm tất cả những gì có thể để duy trì nền hòa bình quý giá, bằng quyết tâm sắt đá: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”!
“Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, những từ ngữ hết sức cô đọng song lại hàm chứa sâu bên trong những thông điệp lịch sử và giá trị thời đại vô cùng lớn lao. Đó cũng là thành quả từ mùa xuân gieo hạt - 1930, đến mùa thu gặt hái - 1945. Để rồi, tròn 77 năm trôi qua kể từ mùa thu độc lập đầu tiên 2-9-1945, lời hiệu triệu non sông “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” khởi nguồn từ thẳm sâu của lòng yêu nước nồng nàn, của tinh thần tự hào, tự tôn, tự lực, tự cường dân tộc vẫn thao thiết chảy qua hàng thiên niên kỷ, với vô vàn thác ghềnh của đau thương chiến tranh và qua những thênh thang bãi bờ của chiến công kỳ vĩ để thấm vào tận cùng tâm linh mỗi người và kết thành hào khí dân tộc. Đó là một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng hòa hiếu và chân thành đúng như bản chất nhân văn và truyền thống văn hóa “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” của dân tộc. Song, đó cũng là một dân tộc đầy khí phách, can trường, với tinh thần sẵn sàng xả thân cho đại nghĩa là độc lập của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân.
Đất nước đang sống trong bầu không khí hân hoan, rạo rực của những Ngày Quốc khánh 2-9. Để rồi, giữa những rối ren, xung đột, bất ổn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, mới càng thấy thấm thía và hàm ơn mỗi thời khắc của hòa bình. Và hơn hết là để thấy rằng, hòa bình với dân tộc Việt Nam luôn luôn và mãi mãi là bức họa tươi đẹp nhất, rạng rỡ nhất, tin yêu nhất; cũng là khát vọng lớn lao nhất, mãnh liệt nhất, trường tồn nhất. Bởi, hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam đã phải đánh đổi vô vàn máu xương của biết mấy thế hệ người, để nhuộm đỏ lá Quốc kỳ thiêng liêng đang hằng ngày tung bay trên Quảng trường Ba Đình. Để bản Quốc ca trở thành giai điệu hào sảng nhất mãi được cất lên dưới bầu trời tự do. Để cho mỗi chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được “khắc” dưới Quốc hiệu sẽ mãi là lời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về sự trân quý và trách nhiệm gìn giữ giá trị của hòa bình!
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tran-quy-va-gin-giu-gia-tri-cua-hoa-binh/167008.htm