Trăn trở quản lý xe hợp đồng, tránh tình trạng 'không quản được thì cấm'

Xe hợp đồng đem lại nhiều lợi ích và được người dân ưa chuộng song còn nhiều trăn trở bởi quản lý chưa theo kịp sự 'nở rộ' của xe hợp đồng. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm tính toán cách quản lý xe hợp đồng hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên hành khách, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng 'không quản được thì cấm'...

Xe hợp đồng hiện không vào bến và không xuất vé, gây khó cho quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và quản lý thuế.

Xe hợp đồng hiện không vào bến và không xuất vé, gây khó cho quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và quản lý thuế.

Theo thông tin từ tọa đàm "Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?" do Báo Giao thông tổ chức chiều ngày 13/6, trong số 331.914 xe khách hiện có 17.537 xe tuyến cố định, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển; riêng số xe hợp đồng lên tới 225.264, chiếm áp đảo gần 70% tổng số xe khách.

KHÔNG TRÓI BUỘC, BẮT XE HỢP ĐỒNG VÀO BẾN

Ý kiến từ tọa đàm cho thấy loại hình vận tải này đang đóng vai trò rất lớn trong vận chuyển, luân chuyển hành khách và được nhiều người dân ưa chuộng vì sự tiện nghi và tính tiện lợi. Tuy nhiên, hiện còn nhiều tranh cãi về khái niệm, quy định pháp lý khiến lượng lớn xe hợp đồng đang hoạt động trá hình tuyến cố định, gây khó khăn trong quản lý vận tải và thất thu thuế.

Lý giải nguyên nhân loại hình dịch vụ này phát triển bùng nổ trong thời gian ngắn, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng điều dễ hiểu là nhờ sự đón nhận rộng rãi của người sử dụng dịch vụ.

Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước nên nghiên cứu để định danh cho hình thức kinh doanh này và đưa vào khuôn khổ pháp lý để quản lý, tạo điều kiện cho ngành vận tải phát triển theo hướng ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ.

"Trong khi quản lý tuyến cố định quá chặt trong khi quản lý với xe hợp đồng còn quá lỏng lẻo, chưa thực sự bình đẳng. Ngoài ra, một số người cũng lo ngại liệu những người hoạt động theo xe hợp đồng đã đóng thuế như thế nào".

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Theo ông Quyền, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều trăn trở với loại hình này, đó là là công tác đảm bảo điều kiện kinh doanh của người làm vận tải như thế nào?

Bên cạnh đó, vấn đề tính bình đẳng trong cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định và kinh doanh theo tuyến xe hợp đồng chưa được định danh rõ.

Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng cần phải động viên, biểu dương các doanh nghiệp làm tốt công tác vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo giá thành tốt để phục vụ người dân.

Khi doanh nghiệp đầu tư phương tiện tốt, kết nối với khách hàng bằng công nghệ, chi phí sẽ được tiết giảm, khách hàng sẽ được hưởng lợi trực tiếp ở giá vé di chuyển.

"Chúng ta cần để cho khách hàng được chủ động lựa chọn và được hưởng quyền lợi xứng đáng với chi phí bỏ ra. Các cơ quan quản lý cũng cần đưa ra các đánh giá cụ thể. Những cái gì chưa theo kịp sự phát triển thì nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, trên tinh thần quản, chứ không phải cấm để ủng hộ doanh nghiệp phát triển", ông Bằng kiến nghị.

Đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp bàn luận nhằm tìm ra một hướng đi rõ rệt hơn cho xe hợp đồng.

Đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp bàn luận nhằm tìm ra một hướng đi rõ rệt hơn cho xe hợp đồng.

Đại diện doanh nghiệp vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, cũng thấy rằng loại hình vận tải xe hợp đồng hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu của hành khách khi mô hình bến xe, xe khách tuyến cố định dần trở nên không phù hợp, cách quá xa trung tâm, thiếu điểm đón trả khách khu vực nội đô. Thậm chí, hành khách đi ngoại tỉnh cũng rất khó tìm thông tin lộ trình ở các bến xe.

"Với xe hợp đồng, nhờ công nghệ phát triển, người làm vận tải và hành khách có thể kết nối chỉ bằng click chuột. Xe hợp đồng cũng chưa bao giờ có chuyện bị chèo kéo, ép giá mỗi dịp lễ, Tết", ông Hải nêu rõ ưu thế.

Do đó, ông Hải cho rằng với một loại hình vận tải tốt như thế, chúng ta không nên tìm phương án để trói buộc lại như phải đưa vào bến để quản lý. Hơn nữa, hiện tại cũng chưa có thống kê nào đánh giá các bến xe có khả năng đáp ứng khi đưa xe hợp đồng vào bến hay không.

Nên chăng chúng ta cần có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý, để các doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng theo đúng mô hình?

Lãnh đạo Công ty Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng khẳng định thêm doanh nghiệp đang thực hiện rất tốt về nghĩa vụ đóng thuế. Chỉ có điều, cần nghiên cứu một hành pháp lý rõ ràng hơn để các cơ quan quản lý thuế ở địa phương quản lý tốt nhất và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tốt nhất.

CÒN "LỖ HỔNG" GÂY THẤT THU THUẾ

Về thực hiện nghĩa vụ thuế của xe hợp đồng, nhiều ý kiến cho rằng do không phát hành vé, không vào bến xe hợp đồng đang có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và không bình đẳng như những xe tuyến cố định.

Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH X.E Việt Nam, khẳng định điều này là không đúng, chỉ là ý kiến chủ quan của một số người. Mọi tổ chức hộ gia đình, kinh doanh, cá nhân đều có nghĩa vụ nộp thuế. Với vận tải hành khách chỉ có một số đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng, còn lại tất cả loại hình đều công bằng và như nhau với nghĩa vụ về thuế.

"Việc có phát hành vé hay không không phản ánh rằng doanh nghiệp có nộp thuế hay không. Doanh nghiệp kê khai trung thực, xuất hóa đơn, nộp đủ các khoản thuế thì không thể nói họ trốn thuế", ông Nam nhìn nhận.

Đây là ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, không phải là vấn đề loại hình xe này hay kia. Với năng lực của ngành thuế, cùng sự chuyển đổi số hiện nay, hay các công cụ giám sát hành trình, camera…, lãnh đạo Công ty TNHH X.E Việt Nam cho rằng doanh nghiệp muốn trốn thuế cũng không trốn được.

Về phía Tổng cục thuế, bà Lê Thu Mai, Phó vụ trưởng Vụ kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế), cho biết ngành thuế quản lý theo phương pháp người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tự giác tìm hiểu các quy định pháp luật về thuế.

Bên cạnh hỗ trợ, cơ quan thuế quản lý thuế theo hướng thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và quản lý theo rủi ro. Dựa trên dữ liệu thu thập được, cơ quan thuế phân tích, thanh tra kiểm tra và đối chiếu, đấu tranh để thu thuế đầy đủ, công bằng.

Câu hỏi đặt ra là nếu xe hợp đồng không vào bến, không xuất vé thì sao?

Theo bà Mai, doanh nghiệp xác định doanh thu sẽ kê khai nộp thuế theo mức thuế mà nhà nước điều tiết. Với việc không xuất vé, không vào bến, trên cơ sở giá trị hợp đồng, sau khi sử dụng dịch vụ sẽ xuất hóa đơn và kê khai thuế trên đó.

Nếu thực hiện đúng quy định này thì việc nộp thuế vẫn như các dịch vụ khác. Nguy cơ tránh thuế xảy ra khắp nơi, chỗ nào chưa quản lý chặt thì đều phát sinh.

"Về kết quả thanh kiểm tra với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, năm 2023, cơ quan thuế đã thực hiện kiểm tra 19 doanh nghiệp, phát hiện nhiều vi phạm, phạt và truy thu trên 4 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2024, đã kiểm tra 5 doanh nghiệp vận tải, truy thu hơn 500 triệu đồng".

Bà Lê Thu Mai, Phó vụ trưởng Vụ kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế).

"Ngoài ra, theo quy định hiện hành, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải cung cấp nội dung hợp đồng, có phần mềm theo dõi hợp đồng, có cơ sở để kiểm tra, giám sát ngay khi thực hiện dịch vụ", đại diện Tổng cục Thuế nêu rõ.

Hiện nay, xe vận tải đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình, xác định số km và giám sát điểm đầu điểm cuối của xe. Chúng tôi cần các thông tin trên để quản lý quãng đường xe chạy, từ đó “đấu tranh” để xác định đúng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

Đó là quy định song theo bà Mai, với doanh nghiệp chạy xe không hợp đồng không xuất hóa đơn là vi phạm quy định ngành giao thông vận tải và quy định về luật quản lý thuế. Nếu bị phát hiện sẽ xử phạt nghiêm theo quy định của luật thuế.

Ủng hộ chính sách tự kê khai, đòi hỏi ý thức tự giác của chủ doanh nghiệp, cá nhân song ông Đỗ Văn Bằng, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, lưu ý doanh nghiệp phải thay đổi suy nghĩ về kê khai thuế và xác định đây là nghĩa vụ, quyền lợi.

Với xe tuyến cố định, do xuất vé, đây là một hình thức phát hành hóa đơn nên dễ dàng kê khai thuế hơn.

Với xe hợp đồng, ông Bằng cho biết giá vé cấu thành trên các loại chi phí: xăng dầu, lệ phí, lái xe, vật tư cho loại hình phương tiện đó được cấu thành giá/km.

"Vì vậy việc quản lý xe hợp đồng rất dễ. Ví dụ, quy định xe 16 chỗ là 12.000 đồng/km, 16 đến dưới 30 chỗ cấu thành giá 18.000đ/km, xe 30-45 chỗ là 22.000đ/km. Như vậy, nếu xe di chuyển quãng đường bao nhiêu có thể dễ dàng tính ra giá vé, số thuế phải nộp", lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất phương thức quản lý thuế.

Ông Bằng cũng lưu ý thêm một vấn đề, từ ngày 1/6/2024, Nghị định 41/2024 ngày 16/04/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10/2020 quy định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô có hiệu lực, quy định báo cáo trước chuyến đi không còn mà doanh nghiệp chỉ tự lưu chuyến đi đó và thời hạn là 3 năm. Vấn đề lưu trữ và ai kiểm tra được thì chỉ doanh nghiệp mới là người biết và vấn đề chỉ nằm ở chỗ người kê khai số lượt, chuyến có trung thực không.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam.

“Trong quá trình xây dựng các văn bản, quy định, quan điểm của Cục Đường bộ Việt Nam đều hướng tới tăng cường quản lý chứ không cấm; luôn khuyến khích xe hợp đồng vận chuyển học sinh, công nhân, đám cưới… phát triển và kinh doanh đúng quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho ngưòi dân.

Sau khi Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn giao thông được thông qua, các quy định sẽ tiếp tục được thay đổi và điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các loại hình kinh doanh vận tải, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý trong quá trình kiểm tra vi phạm. Khi các văn bản có hiệu lực, chúng tôi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ứng dụng công nghệ để quản lý và xử lý các xe không tuân thủ quy định".

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tran-tro-quan-ly-xe-hop-dong-tranh-tinh-trang-khong-quan-duoc-thi-cam.htm