Trân trọng với văn hóa dân gian
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tổ chức trao các quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ghi danh Mo Mường, nghề dệt lụa Vạn Phúc, hát Dô, múa rối nước Đào Thục và nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản của Hà Nội được vinh danh ở nội dung này là 27 di sản. Khác nhau về loại hình và cộng đồng sở hữu, song điểm chung của các loại hình văn hóa dân gian này là luôn được người dân địa phương gìn giữ, phát huy hiệu quả bằng tình yêu và sự trân trọng.
Bền bỉ giữ gìn di sản cha ông
Là một làng cổ thuộc xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh), Đào Thục được biết đến là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật múa rối nước, được lưu giữ, trao truyền qua hàng trăm năm. Vì vậy, khi được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tháng 3-2023), người dân nơi đây đã không giấu nổi niềm tự hào, hãnh diện. Ông Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường Múa rối nước Đào Thục nói: “Chúng tôi rất xúc động khi di sản rối nước của làng trở thành loại hình nghệ thuật rối nước đầu tiên trên đất Thăng Long - Hà Nội được vinh danh ở nội dung này. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng để lưu giữ di sản trong đời sống hôm nay”.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Nghị, văn hóa rối nước có ở làng đã hơn 300 năm. Đây là di sản chung của cả làng nên mọi người tại địa phương đều hiểu về lịch sử làng nghề và nghệ thuật diễn xướng. Với cơ chế giữ nghề đó, các thế hệ người dân nơi đây đã bền bỉ trao truyền di sản - sợi chỉ đỏ nối dài quá khứ tới hiện tại. “Đào Thục hôm nay đã chuyển mình với các hoạt động du lịch di sản ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp văn hóa chung của Thủ đô và đất nước. Trên chất liệu văn hóa dân gian, rối nước Đào Thục đang tích cực truyền tải hơi thở thời đại qua các tích trò sáng tạo, như: Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm..., đưa địa danh này trở thành điểm đến trải nghiệm văn hóa hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Thế Nghị tự hào cho biết thêm.
Giống với Đào Thục, làng Đại Phu (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) khác biệt với rất nhiều làng quê ven bờ sông Tích nhờ sự hiện diện của di sản hát Dô - một nghi thức dân gian độc đáo gắn với hội đền Khánh Xuân ở địa phương. Trước nguy cơ mai một, thất truyền di sản văn hóa phi vật thể này, từ năm 2020, chính quyền địa phương đã phối hợp với người dân tìm cách đưa hát Dô trở lại với đời sống đương đại. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam, huyện đã kiên trì tổ chức các lớp truyền dạy, vận động con em địa phương tham gia, đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội biên soạn sách về hát Dô. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản tại các sự kiện văn hóa của thành phố và cấp quốc gia…
Tiếp sức cộng đồng để phát huy di sản
Được mệnh danh là Thủ đô di sản, bên cạnh gần 6 nghìn di tích văn hóa - lịch sử, Hà Nội còn ghi nhận 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 27 di sản được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với con số này, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số di sản được ghi danh trong danh mục. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là thách thức không nhỏ với mục tiêu khơi dậy nguồn lực di sản phục vụ quá trình phát triển Thủ đô.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa, ngành Văn hóa Thủ đô hằng năm đều phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, như: Đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí truyền dạy; tổ chức liên hoan, trình diễn di sản văn hóa; kiểm kê, tư liệu hóa, biên soạn sách, ghi hình về thực hành di sản... Đến thời điểm này, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Hà Nội đều được bảo tồn hiệu quả, không ít địa phương sở hữu di sản đã trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn của Thủ đô.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Mỹ Hoa cũng lưu ý, các địa phương cần xây dựng và triển khai tốt kế hoạch bảo vệ di sản hằng năm, dài kỳ, nhằm có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị phù hợp, kịp thời. Bởi, di sản văn hóa phi vật thể là những di sản “sống”, luôn tiềm ẩn nguy cơ biến đổi, mai một. “Cách làm là bảo vệ có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, coi trọng tính đặc thù, đặc sắc của di sản; loại bỏ các yếu tố lạc hậu cũng như xây dựng, bổ sung thêm các tiêu chí văn hóa mới phù hợp, làm giàu cho di sản; chú trọng vai trò của cộng đồng nắm giữ di sản bằng việc khen thưởng, vinh danh xứng đáng, kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản..., từ đó nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong bảo tồn văn hóa dân gian”, bà Phạm Thị Mỹ Hoa nói.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1064567/tran-trong-voi-van-hoa-dan-gian