Trang báo đọng đầy chất lính

Trang 3 trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần-chuyên trang 'chân dung người lính' được cán bộ, chiến sĩ trong quân ngũ, các cựu chiến binh (CCB) và đông đảo bạn đọc trong cả nước yêu mến, đón nhận bởi cách tiếp cận trực tiếp, gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ, dễ thấu cảm; giàu chất lính và luôn ăm ắp, trẻ trung, sôi nổi, khơi gợi nhiệt huyết cống hiến và tôn vinh giá trị của những người lính. Dưới đây là một vài những dòng tâm huyết của bạn đọc dành cho trang báo này.

Đại tá, nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN: Cần rõ nét “chân dung” hơn nữa

Tôi là bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân (QĐND) thứ bảy nay là Báo QĐND Cuối tuần ngay từ số đầu tiên ra mắt bạn đọc vào năm 1990. Lúc ấy, theo ý hiểu của tôi, đây là tờ báo của Bội đội Cụ Hồ “mặc thường phục”. “Thường phục” ở đây được hiểu là phản ánh về người lính trong dòng chảy đời thường.

Từ tiêu chí khởi đầu ấy, Ban biên tập và tập thể những người làm Báo QĐND Cuối tuần qua các thế hệ đã không ngừng cải tiến, đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của quân đội và đất nước; phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại.

Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển. Ảnh: HÀ THU

Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển. Ảnh: HÀ THU

Một trong những trang trên Báo QĐND Cuối tuần mà tôi ưa thích đó là “Chân dung người lính” ở trang 3. Trước hết, qua trang này, tôi và bạn đọc phần nào hiểu được “chân dung người lính - Bộ đội Cụ Hồ” thời nay trong các công việc huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, hội thi, hội thao, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Đối tượng phản ánh là tập thể và các cá nhân, trong đó có các bài mà tôi khá tâm đắc: “Thao trường nở hoa”, “Bộ đội Trường Sơn trên đại công trường Long Thành”, “Từ nhà trường ra chiến trường”, “Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp nghĩa tình nồng ấm”...

Song, ngày nay khi công nghệ thông tin đa phương tiện phát triển đi đôi với tính cạnh tranh báo chí quyết liệt, nhu cầu của bạn đọc ngày càng cao. Tôi nghĩ, Báo QĐND Cuối tuần nên tiếp tục đổi mới cả nội dung, hình thức các ấn phẩm, trong đó có chuyên trang “Chân dung người lính”.

Ví dụ, ngoài khắc họa chân dung tập thể thì chuyên trang “Chân dung người lính” cũng cần khắc họa những đường nét và tính cách riêng biệt của người lính trong các hoạt động, trong các nhiệm vụ và cả trong cuộc sống đời thường nhiều hơn. Nên cải tiến theo hướng khắc họa rõ cá nhân chân dung nhân vật điển hình với cách viết mượt mà, uyển chuyển, đúng tiêu chí “người lính mặc thường phục”, thay vì khắc họa chân dung của tập thể hoặc là khối ảnh về một đơn vị.

-----------

VŨ QUANG ĐỒNG, nguyên Phó tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc: Ứng dụng yếu tố “5I” làm rõ chất lính

Trưởng thành từ quân ngũ, lại qua kháng chiến gian khổ, nên tôi luôn dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam tình yêu mến đặc biệt. Dù còn làm báo hay đã nghỉ hưu, tôi luôn luôn theo dõi và đọc Báo QĐND, trong đó tôi chú trọng nhiều đến Báo QĐND Cuối tuần bản PDF trên Báo QĐND Điện tử. Đọc nội dung trong báo này phải có thời gian ngẫm nghĩ vì các bài viết cơ bản là chuyển tải nhiều thông tin đa dạng và có chiều sâu. Trong đó, những bài viết ở trang 3 “Chân dung người lính” khiến tôi thích thú. Đây cũng là kênh thông tin để tôi nắm được người lính thời bình nghĩ gì, huấn luyện, SSCĐ và thực hiện các nhiệm vụ ra sao.

Quá trình đọc, tiếp nhận thông tin, tôi thấy rằng Ban biên tập luôn có sự đổi mới. Các bài viết đã hướng tới các yếu tố của báo chí hiện đại “5I”: Informed (am hiểu), intelligent (thông minh), interesting (thú vị), insightful (sâu sắc) và interpretation (sáng tỏ). Hoặc: Informed (thông tin); intelligent (trí tuệ); interesting (thú vị); insightful (thấu hiểu); interpretive (diễn giải)...

Tuy nhiên, tôi thấy rằng việc phác họa thông tin tập thể điển hình trong Quân đội thì nhiều nhưng trong LLVT địa phương thì chưa nhiều. Rất ít khi có một bài viết về dân quân, tự vệ các địa phương, các cơ quan trên trang này, mà chủ yếu là bộ đội chủ lực các quân, binh, chủng, học viện, nhà trường... Hai là, số lượng các bài viết về binh nhất, binh nhì điền hình hoặc các trung đội trưởng có thành tích xuất sắc còn khiêm tốn.

Đồng chí Vũ Quang Đồng (bên phải), nguyên Phó tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc. Ảnh: ĐỨC TÂM

Đồng chí Vũ Quang Đồng (bên phải), nguyên Phó tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc. Ảnh: ĐỨC TÂM

Theo tôi, Báo QĐND Cuối tuần nên tăng cường các bài viết sâu, ký sự, ghi chép về các cơ quan, đơn vị quân đội để làm rõ tinh thần cống hiến, hy sinh và đời sống tinh thần của bộ đội, nhất là những lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt. Trong bài viết cần kể câu chuyện các chiến sĩ, tiểu đội, trung đội, đại đội trong các nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, lao động sản xuất, giúp đỡ dân và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai…

------------

Thiếu tá ĐẶNG VĂN ĐỒNG, Chính trị viên phó Tàu 18, Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân: Học được chất lính

Tháng 9-2010, sau khi rời ghế phổ thông trung học, tôi nhập ngũ vào Học viện Hải quân và huấn luyện nguồn tại Cam Ranh. Chúng tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống quân ngũ bằng hệ thống Điều lệnh và các nội dung huấn luyện mà chưa hiểu gì sâu sắc. Lúc này, chúng tôi cũng bắt đầu làm quen với các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân (QĐND), trong đó có Báo QĐND Cuối tuần.

Hồi đó, chiến sĩ mới chúng tôi chưa ai có điện thoại và được sử dụng internet cũng là chuyện xa vời. Thứ duy nhất khiến anh em mong chờ trong giờ giải lao, giờ huấn luyện không phải là nước mát hay bánh kẹo, mà là tờ Báo QĐND, trong đó có Báo QĐND Cuối tuần. Dưới bóng cây, chúng tôi truyền tay nhau để đọc. Mỗi người chỉ được đọc một trang rồi đưa cho người kế tiếp. Ai cũng đọc rất chậm, như sợ trôi mất chữ. Tôi nhớ như in tờ báo có giấy in hơi thô, còn vương chút mực chì, loang lổ đôi chút nước chè, góc báo bị gió quật rách một đường nhỏ. Vậy mà quý như vàng. Đến nay, cảm giác thô ráp nơi đầu ngón tay như vẫn còn vương vấn đâu đây. Và câu chuyện trên số báo đó vẫn còn đọng trong tâm trí tôi chẳng thể nào xóa nhòa.

 Bộ đội Vùng 2 Hải quân đọc Báo QĐND Cuối tuần. Ảnh: ĐỨC HUY

Bộ đội Vùng 2 Hải quân đọc Báo QĐND Cuối tuần. Ảnh: ĐỨC HUY

Bài báo viết về chuyện Bộ đội Hải quân ở Nhà giàn DK1 bằng giọng văn nhẹ tênh mà sâu lắng. Chỉ là những dòng kể bình dị, nhưng đọc tới đâu như thấy gió biển, thấy sóng, thấy ánh mắt của nhân vật ẩn hiện ở trong đó. Lúc ấy, dù mồ hôi trên người tuôn chảy vì cái nắng như đổ lửa, nhưng trong lòng tôi lại mát rượi. Cái mệt cũng dịu đi, nhường chỗ cho cảm giác rất khó tả, đó là ngưỡng mộ tinh thần cống hiến một phần thanh xuân cho biển, đảo nước nhà của người lính kia. Từ đó, tôi luôn tìm đọc Báo QĐND Cuối tuần.

Cho tới nay thì đọc ấn phẩm này là một thói quen khó bỏ của tôi. Đi đâu cũng canh ngày cuối tuần chờ báo đến để xem. Những lúc bám biển dài ngày, không có điều kiện đọc Báo QĐND Cuối tuần, tôi cảm thấy như thiếu một cái gì đó. Chúng tôi đành lấy báo cũ ra xem cho đỡ nhớ. Có những hôm mưa gió, tàu lắc lư giữa biển đêm, anh em chụm đầu bên câu lạc bộ chiến sĩ cùng nhau xem lại tờ báo đã hơi nhàu để đọc. Chúng tôi như thấy mình đang theo chân các phóng viên đến thăm từng nhân vật trong từng câu chuyện, cuốn theo từng tình tiết chẳng nỡ dứt ra. Báo QĐND Cuối tuần có cái lối viết rất đời. Viết chuyện chính trị, quân sự mà không hề giáo điều, khô cứng. Viết chuyện người lính không nhàm chán, khô khan. Có lúc đọc đến đoạn cuối, tôi bỗng thốt lên trong ngỡ ngàng vì bài viết rất thật, hiểu lính, gần gũi với đời lính.

Ngày nay, thông tin và mạng xã hội tràn lan quay cuồng thật giả lẫn lộn, chính tờ Báo QĐND Cuối tuần là kênh thông tin chúng tôi tin tưởng và thích thú. Khi làm công tác tuyên huấn, tôi vẫn thường nói với mọi người, thông tin thì nhiều nhưng phải biết chọn lọc. Các anh cứ chọn những báo chính thống mà đọc, đặc biệt như Báo Nhân Dân, Báo QĐND. Riêng Báo QĐND Cuối tuần thì lại càng quý, có nhiều bài hay đậm chất văn, hiểu lính, gần lính chúng ta hơn.

Giờ đây, khi biết tin Báo QĐND Cuối tuần tròn 35 năm tuổi, tôi chợt nghĩ về cái buổi trưa đầu tiên nơi thao trường nắng gắt, nơi tôi lần đầu cầm tờ báo mà thấy nhẹ lòng giữa những ngày huấn luyện mệt mỏi. Và tôi thầm cảm ơn những người lính cầm bút đã đi cùng, sống cùng và gìn giữ “hơi thở lính”, “tình quân dân” trong từng con chữ.

Mong rằng, dù thời gian có trôi, tờ báo ấy vẫn mãi là người bạn thủy chung của những người từng mặc áo lính, đặc biệt là những người lính biển quanh năm chỉ biết làm bạn với sóng, với những tờ báo nhàu nát đọc đi đọc lại nhiều lần như tôi.

ĐỨC TÂM (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/trang-bao-dong-day-chat-linh-835569