Trang bị kiến thức, năng lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, cùng với công tác tuyên truyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh còn giúp nhiều chị em về kiến thức, thể hiện năng lực bản thân trong các lĩnh vực kinh doanh.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm kỹ năng kinh doanh, khởi nghiệp.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm kỹ năng kinh doanh, khởi nghiệp.

“Kinh doanh là gì? Tại sao lại khởi sự kinh doanh? Những lý do kinh doanh có thể bị thất bại khi làm chủ; những đặc tính cơ bản của chủ doanh nghiệp thành đạt…”. Đó là các nội dung được bàn luận sôi nổi tại buổi tập huấn hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh cho phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 mà Hội LHPN tỉnh mở lớp tại TP. Phan Thiết vào tháng 7/2024. Tinh thần cởi mở, trao đổi giữa những học viên là hội viên, phụ nữ đăng ký dự thi phụ nữ khởi nghiệp các cấp trong năm nay với các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh cho thấy sự tự tin và khát khao thay đổi bản thân của những người phụ nữ nông thôn, vốn được cho chỉ phù hợp với công việc bếp núc, ruộng vườn, chăm sóc con cái.

Hội viên, phụ nữ tham dự lớp tập huấn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Hội viên, phụ nữ tham dự lớp tập huấn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Theo đánh giá của các giảng viên, đa số những chia sẻ khởi sự kinh doanh đều là những cái chị em có đam mê. Thế nhưng, từ biết, đam mê đến việc xây dựng thành công thương hiệu, được thị trường chấp nhận là một câu chuyện khác. Bởi sản phẩm sắp ra đời có gì đặc biệt hơn các sản phẩm khác, có sáng tạo, mới, độc đáo hơn và làm cách nào để tiếp cận, mở rộng, đó mới là yếu tố quan trọng. Đặc biệt, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, biết tận dụng ưu thế này cũng là cách xây dựng và phát triển sản phẩm mang lại lợi nhuận cao...

Các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ phần lớn là phát triển kinh tế tại gia, bắt đầu từ kiến thức tích lũy của bản thân, nên những kiến thức học được từ những chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nữ tại các lớp tập huấn khiến nhiều chị em vỡ òa. Chị Phan Cao Hồng Cẩm (thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình) chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp bằng việc trồng măng tre tứ quý 3 năm nay và chủ yếu bán sản phẩm qua kênh thương lái, người quen. Vì luôn có đơn hàng ngày, hàng tuần nên tôi ít chú ý đến hình ảnh, quảng bá sản phẩm. Hóa ra đó cũng là điểm yếu trong xu hướng cạnh tranh sản phẩm, giá cả hiện nay. Đây sẽ là kinh nghiệm quý để mình “bỏ túi” nếu muốn đi xa và giữ vững thị trường trong thời gian tới”.

Với mong muốn trao quyền cho phụ nữ phát triển kinh doanh, thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, đến cuối năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã mở 107 lớp đào tạo, dạy nghề cho gần 6.000 chị; hỗ trợ ứng dụng công nghệ, sở hữu trí tuệ cho 66 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và gần 600 hội viên, phụ nữ làm chủ. Bằng kiến thức tích lũy được như kỹ năng quản lý, điều hành doanh nghiệp, bán hàng online, nhận diện thương hiệu, hướng dẫn quy trình đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, an toàn thực phẩm… đã giúp hội viên, phụ nữ nâng cao bản lĩnh, tự tin, tích cực tham gia hoạt động khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, Hội đã hỗ trợ cho 1.514 phụ nữ vay với số tiền gần 66 tỷ đồng để khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công.

Việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh đã góp phần làm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Đồng thời hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của phụ nữ thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên lĩnh vực kinh tế.

THÙY LINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/trang-bi-kien-thuc-nang-luc-ho-tro-phu-nu-khoi-nghiep-122963.html