Trang phục truyền thống - nét đặc trưng văn hóa của quê hương Cao Bằng

Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng. Cùng với tiếng nói, chữ viết, lễ hội văn hóa, phong tục tập quán thì trang phục dân tộc truyền thống là dấu hiệu nhận diện và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét, tạo nên sự phong phú, đa dạng và tạo nên nét đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Độc đáo trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

Là tỉnh miền núi, biên giới với dân số là 530.341 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 95%: Dân tộc Tày chiếm 40,83%, Nùng 29,81%, Mông 11,65%, Dao 10,36%, Sán Chỉ 1,49%, Lô Lô 0,54% và 0,2% dân tộc khác. Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc có khác biệt nhau về kiểu dáng, loại hình, màu sắc và hoa văn trang trí.

Trước hết phải kể đến sự giản dị, nền nã nhưng hết sức tinh tế của trang phục dân tộc Tày. Về trang phục nam, thuở xưa đàn ông Tày mặc áo dài chớm qua đầu gối, áo cổ tròn, rộng vừa khổ người, tay áo dài đến cổ tay, cài khuy nách bên phải; bên trong là một chiếc áo cánh màu xanh hoặc tối màu, quần vải chàm ống rộng vừa tầm người dài đến chấm gót chân, thắt dải rút ngang hông; tiết trời lạnh giá thì mặc thêm áo cánh cho ấm người. Theo năm tháng, nam giới Tày bỏ dần chiếc khăn quấn trên đầu, đôi giày vải và các loại giày thô sơ cũng được thay bằng giày ba ta, giày tây... Trang phục nữ cũng không cầu kỳ so với một số dân tộc khác như tính cách của người phụ nữ Tày chân thành, trầm lắng và sâu sắc. Chiếc áo chàm dài xẻ tà, vạt áo tha thướt trùm đến khoeo chân, tay áo và thân áo bó vừa khít người, cổ áo tròn cao được cài khuy đồng ở nách bên phải. Chiếc quần vải chàm ống rộng vừa tầm người, có thắt dải rút khi mặc. Ngang lưng thắt dải chàm quấn thành vòng qua eo buộc thành hai dải buông xuống đằng sau. Nơi xẻ tà hai bên hông để lộ ra khoảng trắng của áo cánh màu trắng mặc bên trong, thêm phần yểu điệu duyên dáng. Trên đầu vấn tóc ngang, bên ngoài trùm khăn vuông hình mỏ quạ.

Người dân tộc Nùng với nhiều ngành nên trang phục khá phong phú, đa dạng, mỗi ngành có đặc điểm riêng của mình. Trang phục dân tộc Nùng đều được cắt, khâu từ vải đen nhuộm chàm, được thiết kế đơn giản. Trang phục nam giới các ngành Nùng giống nhau, áo ngắn xẻ ngực, cài khuy, ống tay rộng; quần chân què dài đến gót chân. Trang phục nữ thì đa dạng, người Nùng An, Nùng Inh được làm bằng vải chàm màu đen, gồm có khăn, áo, thắt lưng, tạp dề, quần. Áo có dáng dài quá mông, áo 4 thân, 4 cúc, cổ tròn có nẹp vải diềm trắng, hai bên áo xẻ tà nẹp vải trắng kẻ đen và một đoạn nẹp vải chàm. Thắt lưng được làm từ mảnh vải chàm dài khoảng hơn 1 m, hai đầu được thêu trang trí bằng chỉ màu. Tạp dề hình chữ nhật, làm bằng vải chàm, hai đầu có dây buộc, khi dùng họ buộc đè lên thắt lưng để bảo vệ cho quần áo khỏi bẩn khi lao động.

Dân tộc Mông ở Cao Bằng có 3 ngành: Mông Trắng (Mông Đâư), Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Đen (Mông Đú). Địa bàn cư trú của người Mông sinh sống tập trung ở các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Nguyên Bình. Trang phục nam của cả 3 nhóm Mông đều có nét tương đồng, một bộ trang phục bao gồm khăn, áo, quần. Nam giới đội khăn làm bằng vải chàm, quấn khăn như khăn xếp. Áo là loại áo tứ thân có bốn túi, hai túi trên, hai túi dưới, xẻ ngực, cúc vải đính theo nẹp ngực. Cổ áo đứng có viền chỉ màu xung quanh. Quần cắt kiểu chân què, ống rộng, đũng quần thấp, khi mặc cạp hất chéo hai bên dắt vào bên trong rồi dùng dây buộc chặt bên ngoài. Trang phục của phụ nữ Mông cơ bản đều gồm có khăn quấn đầu, áo, yếm, váy, thắt lưng, tạp dề, xà cạp, tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt rõ ràng thể hiện qua các họa tiết trang trí hoa văn, cách phối màu của mỗi nhóm. Người Mông có trang sức bạc với các loại như vòng cổ, vòng tay, hoa tai... Họ quan niệm đồ trang sức sẽ làm cho con người đẹp, rực rỡ hơn khi sử dụng và còn thể hiện khả năng kinh tế của mỗi gia đình. Khi đi lấy chồng, các cô gái Mông thường được bố mẹ cho chiếc vòng cổ để làm vật kỷ niệm phải giữ suốt đời, không được bán hoặc tặng cho ai.

Trang phục dân tộc Dao Tiền.

Trang phục dân tộc Dao Tiền.

Dân tộc Dao có 2 nhóm: Dao Đỏ và Dao Tiền. Người Dao Đỏ chủ yếu sử dụng hai gam màu chính là đen và đỏ với 2 chuỗi bông đỏ được gắn trên áo của phụ nữ. Hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ rất đặc sắc, phong phú và thể hiện những hình ảnh thiên nhiên gần gũi với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ như hình hoa lá, cỏ cây, con vật, tín ngưỡng. Ngoài những hoa văn đa dạng, trang phục phụ nữ còn được trang trí bằng những bông hoa bằng bạc tám cánh được đính trên thân trước và thân sau áo, những bộ y phục rực rỡ sắc màu, hoa văn phong phú, đa dạng, độc đáo, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Khác biệt so với các dân tộc khác, trang phục người Dao Tiền màu sắc chủ đạo trong trang phục là sắc chàm và màu trắng cùng với các họa tiết hoa văn trang trí đa dạng. Ngoài các chi tiết chính trên bộ trang phục, phụ nữ Dao Tiền còn tạo thêm điểm nhấn bằng các loại trang sức bạc, như: vòng cổ, vòng tay, khuy áo... Nét đặc sắc, độc đáo nhất của trang phục người Dao Tiền là họa tiết hoa văn trang trí dựa trên sự kết hợp nghệ thuật in sáp ong. Có thể ví trang phục của người Dao Tiền là một tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.

Người Lô Lô ở Cao Bằng thuộc nhóm Lô Lô Đen, sinh sống chủ yếu tại 2 huyện: Bảo Lạc và Bảo Lâm. Trang phục của người Lô Lô Đen lấy màu đen làm chủ đạo với khăn đội đầu, áo, quần, túi đựng trầu, vòng cổ, xà cạp, nón đội đầu. Phụ nữ thường mặc áo ngắn, màu chàm; hai ống tay hẹp nối từ bả vai xuống cổ tay bằng những khoanh vải màu xanh lá, đỏ, tím, vàng (thường là chín vòng màu khác nhau). Hai vạt áo trước được trang trí bởi một diềm vải hoa đỏ, khuy áo bằng vải, hoặc cúc bằng đồng hình tròn, tay áo trang trí hoa văn theo lối ghép vải bằng những khoanh vải màu; phía sau lưng áo được chắp ghép những miếng vải màu hình tam giác tạo thành các ô vuông với những hoa văn trang trí hoa văn hình răng cưa kiểu bông lúa, hình sóng nước, mạng nhện; gấu áo được trang trí bằng diềm hoa đỏ. Họ mặc quần ống rộng, phía ngoài quần được choàng một tấm vải từ phía sau ra đằng trước mặt và cuộn chặt trước bụng, tạo cho dáng của người phụ nữ đẹp hơn. Thắt lưng được trang trí khá cầu kỳ, phía trước được treo trang trí gồm nhiều đồng xu và chìa khóa làm bằng nhôm, đằng sau có treo 1 túi trầu được bọc bằng tấm vải nhỏ màu xanh.

Trang phục dân tộc truyền thống của người Sán Chỉ được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo. Phụ nữ mặc áo chàm dài quá gối, áo 2 tà, vạt trước được dắt lên tạo thành tà lệch, mép áo được viền vải đỏ. Cổ áo và thắt lưng gắn những đồng xu và bông hoa tám cánh bằng bạc. Đầu đội khăn chàm vuông viền vải đỏ hoặc cuốn tóc vòng trong bằng những chiếc kẹp ba lá, cài trâm và kèm theo các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Trang phục nam khá đơn giản nhưng lại toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, với màu áo chàm được may hơi rộng, có hai túi; quần dài, cạp chun, ống quần rộng.

Trang phục dân tộc truyền thống đang dần bị mai một

Do tác động của cơ chế thị trường, xã hội ngày càng phát triển, nhưng thực tế đáng lo ngại là một số nét văn hóa truyền thống cũng như trang phục và nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục dân tộctruyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Nếu như trước đây, đồng bào dân tộc thường hay sử dụng trang phục dân tộc truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày, các dịp sinh hoạt chung của cộng đồng. Hiện nay, ở không ít xóm làng, đồng bào không còn thường xuyên sử dụng trang phục dân tộc truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong các dịp lễ, tết, đám cưới và lao động sản xuất mà chỉ sử dụng trang phục dân tộc truyền thống trong các dịp lễ, sự kiện, giao lưu, trình diễn văn nghệ trên sân khấu. Đối tượng sử dụng trang phục dân tộc truyền thống chủ yếu là phụ nữ độ tuổi từ 40, 50 tuổi trở lên; nhiều thanh niên DTTS còn ngại, thiếu tự tin khi mặc trang phục của mình trước đám đông, đặc biệt là những thanh niên đi học tập ở các đô thị. Hoặc họ sẽ sử dụng trang phục mua ở ngoài chợ đã được cách tân vì có nhiều mẫu mã đẹp, gọn, giá thành rẻ, chất liệu nhẹ, thoáng, thuận tiện trong sinh hoạt.

Trang phục dân tộc Nùng An (Quảng Hòa) luôn được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Trang phục dân tộc Nùng An (Quảng Hòa) luôn được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Bên cạnh đó, việc cắt, khâu, thêu hoa văn trang trí trên trang phục vẫn duy trì, nhưng số người biết làm và đam mê theo nghề cũng còn ít, chủ yếu đã cao tuổi. Giới trẻ hiện nay ít thực hành và không mặn mà với nghệ thuật trang trí trang phục dân tộc truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, nghề trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm, nhuộm chỉ màu không còn được duy trì thực hiện như trước, nguyên liệu để làm trang phục đã được thay thế bằng các nguyên liệu có bán sẵn trên thị trường; trang sức bằng bạc trang trí trên trang phục được thay bằng kim loại khác như nhôm, mạ bạc, đồng…

Trang phục các dân tộc là sản phẩm của lịch sử, được chế tác bởi nhu cầu đời sống của người lao động trong không gian, môi trường văn hóa thích ứng với điều kiện tự nhiên và xã hội qua từng thời kỳ. Do điều kiện khách quan, chủ quan của các tộc người và các vùng miền, trang phục các dân tộc thiểu số nói chung tuy có bộ phận được cải tiến nhất định, nhưng còn ít và chậm theo hướng thời trang, đang có xu hướng không được coi trọng trong đời sống hằng ngày; một bộ phận có nguy cơ bị lãng quên, mất hẳn trong cuộc sống thời hiện đại.

Nguyên nhân thực trạng trên chủ yếu là do có quá nhiều yếu tố bên ngoài tác động làm thay đổi thị hiếu, nhu cầu sử dụng trang phục truyền thống của đại bộ phận người dân. Và với xã hội hiện đại ngày nay, những phong tục tập quán, quan niệm cái đẹp xưa, chưa đủ bản lĩnh để đứng vững trước sự giao thoa của nhiều nền văn hóa ngoại lai từ bên ngoài du nhập vào. Khiến cho thị hiếu thay đổi, quan niệm về cái đẹp cũng thay đổi.

Cần bảo tồn, phát huy giá trị trang phục dân tộc

Mỗi bộ trang phục dân tộc truyền thống không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng và khát vọng cao đẹp của từng dân tộc. Để đưa trang phục dân tộc truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức, trách nhiệm, bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc truyền thống các dân tộc trên địa bàn, ngày 4/11/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2712/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2030. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm kê, điều tra thực tế tại địa phương, kiểm kê thực trạng trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ trên địa bàn toàn tỉnh để nghiên cứu, sưu tầm thông tin tư liệu, tìm hiểu về văn hóa trang phục truyền thống.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các DTTS; lựa chọn và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến trang phục truyền thống tiêu biểu của tỉnh đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Xây dựng cơ sở dữ liệu về trang phục dân tộc truyền thống là một giải pháp phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị trang phục tuyền thống. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục dân tộc truyền thống, lòng tự hào dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cổ động trực quan, lồng ghép thông qua các ấn phẩm sách, phim, triển lãm ảnh hoặc clip quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương. Đặc biệt chú trọng đến thế hệ trẻ, tổ chức triển khai cho học sinh là người DTTS mặc trang phục truyền thống tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội; khuyến khích học sinh thuộc các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, hội và các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

Trang phục dân tộc được học sinh các trường nội trú mặc trong các ngày kỷ niệm, hoạt động của nhà trường.

Trang phục dân tộc được học sinh các trường nội trú mặc trong các ngày kỷ niệm, hoạt động của nhà trường.

Thầy giáo Hà Văn Công, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thành Công (Nguyên Bình) cho biết: Trường có 198 học sinh, đa phần các em đều là con em DTTS. Nhà trường luôn khuyến khích học sinh có ít nhất một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ Hai hằng tuần, những ngày lễ, sự kiện quan trọng của trường, của địa phương. Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu của các em đối với trang phục của dân tộc, của quê hương, đất nước, là động lực để các em học tập tốt, rèn luyện tốt, đóng góp công sức xây dựng quê hương cội nguồn cách mạng.

Tại Ngày hội dân tộc Mông huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, anh Hoàng Văn Quyết, xã Cao Chương (Trùng Khánh) cho biết: Trong ngày hội, những chàng trai, cô gái có cơ hội được mặc lên trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất của dân tộc mình; được đắm say trong những lời ca, tiếng hát, điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo... Bản thân mình thấy càng thêm yêu quê hương, đất nước và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Ngày hội đã đem đến những giá trị tinh thần to lớn, lan tỏa thông điệp tích cực, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; là dịp để đồng bào dân tộc Mông gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc.

Chị Xuân Quỳnh (Thành phố), thiết kế và sản xuất các sản phẩm lưu niệm từ trang phục truyền thống của các DTTS để giới thiệu và bán cho khách du lịch được nhiều cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn khởi nghiệp, chị chia sẻ: Với mong muốn đưa văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế; giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, vừa gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, Dự án “Sắc màu thổ cẩm miền Non nước”, chị vinh dự đạt giải khuyến khích cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh lần thứ nhất năm 2024” - Suối nguồn sáng tạo - Khát vọng non sông, được đánh giá có tính bảo tồn văn hóa do Công ty cổ phần hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI trao tặng. Dự án ngày càng mở rộng, phong phú sản phẩm, không chỉ mô hình búp bê mà còn có thêm nhiều sản phẩm như túi xách thổ cẩm, khăn quàng thổ cẩm, tranh treo thổ cẩm...

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu”, góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các DTTS Việt Nam, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.

Trang phục dân tộc truyền thống là cốt cách, linh hồn của từng dân tộc, là nét đặc trưng riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống của các dân tộc Cao Bằng không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, là thông điệp của quá khứ để lại cho hiện tại và mai sau.

Nguyễn Thị Oanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/trang-phuc-truyen-thong-net-dac-trung-van-hoa-cua-que-huong-cao-bang-3173871.html