Trạng thái đặc biệt của Hong Kong và 'con dao hai lưỡi' đối với Mỹ
Hồng Kông là thị trường lớn thứ ba của Mỹ về xuất khẩu rượu vang, thị trường lớn thứ tư cho thịt bò và lớn thứ bảy cho các sản phẩm nông nghiệp trong năm 2018.
Ngày 28/5 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã chính thức thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong – một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Với việc chiến tranh thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc ngày một leo thang, việc đưa ra đạo luật nhằm kiểm soát chặt chẽ khu vực này, trong đó có điều luật cấm can thiệp từ nước ngoài khiến cho Mỹ không hề hài lòng.
Kết quả là, chính quyền của tổng thống Donald Trump hôm 30/5 đã tuyên bố sẽ tiến hành hủy bỏ "trạng thái đặc biệt" đối với Hong Kong, trong đó xóa bỏ nhiều lợi ích về kinh tế mà Mỹ dành cho vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, liệu đây có phải là một bước đi đúng đắn của Hoa Kỳ?
Trạng thái đặc biệt là một trong những ưu đãi lớn mà Mỹ dành cho Hong Kong: đồng đô la Mỹ và đồng đô la Hong Kong được trao đổi tự do, giúp cho thành phố này trở nên đặc biệt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Mỹ. Khác với Trung Quốc bị áp mức thuế suất lên tới 25% cho nhiều loại hàng hóa giai đoạn cuối năm ngoái, Hong Kong vẫn tiếp tục được hưởng rất nhiều ưu đãi thương mại, mà thuế suất thấp (hoặc bằng không) là một ví dụ điển hình.
Người Mỹ tới Hong Kong được miễn thị thực, giúp cho các chủ doanh nghiệp có thể đi lại tương đối thoải mái giữa hai quốc gia. Những ưu đãi này chỉ tiếp tục được áp dụng nếu Hong Kong chứng minh được quyền tự chủ của thành phố, dù rằng đây vẫn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, mặc cho làn sóng biểu tình các dự luật của Trung Quốc bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay, Hong Kong đang ngày một gần hơn với Đại lục khi luật an ninh quốc gia được đưa ra. Vì vậy, Mỹ tuyên bố sẽ đưa Hong Kong ra khỏi danh sách được hưởng những ưu đãi đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến thương mại song phương giữa hai bên nếu thuế quan giống như dành cho Trung Quốc bị áp đặt.
Điều này đồng nghĩa Hong Kong sẽ trở thành một thành phố bình thường như bao nơi khác ở Trung Quốc. Họ sẽ bị áp mức thuế cao hơn, di chuyển giữa Hong Kong và Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn, các khoản đầu tư vào Hong Kong sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn... Nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ chọn rời Hong Kong tới những nơi khác để đầu tư, gây ra tổn thất không nhỏ cho vùng lãnh thổ này.
Một thực tế Mỹ cần nhìn vào đó là họ xuất khẩu nhiều hàng hóa vào Hong Kong hơn là nhập khẩu. Thương mại hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ với Hồng Kông đạt tổng cộng hơn 66 tỷ USD trong năm 2018, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Trong đó, Hoa Kỳ xuất khẩu sang Hồng Kông 50,1 tỷ USD và nhập khẩu 16,8 tỷ USD hàng hóa từ vùng lãnh thổ này; cho thấy Mỹ đang được hưởng lợi khá nhiều từ việc giao thương tại đây.
Hồng Kông là thị trường lớn thứ ba của Mỹ về xuất khẩu rượu vang, thị trường lớn thứ tư cho thịt bò và lớn thứ bảy cho các sản phẩm nông nghiệp trong năm 2018. Hơn nữa, có hơn 1.300 công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Hồng Kông cũng như 85.000 người Mỹ đang sống tại đây, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Như vậy có thể thấy, nếu hủy bỏ chế độ đặc biệt cho Hong Kong, họ sẽ mất đi một thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn của mình; đồng thời nhiều doanh nghiệp của Mỹ cũng mất đi một nơi làm ăn ổn định trong nhiều năm qua.
Có thể nói, quyền tự trị của Hong Kong với Trung Quốc trong "một quốc gia, hai chế độ" là một tài sản vô giá của thành phố này. Hong Kong được biết đến với việc thu từ nguồn vốn FDI lớn từ nhiều quốc gia trong nhiều năm qua, nhận được vô số lợi ích từ các công ty quốc tế đầu tư tại đây. Từ 2010 đến 2018, lượng vốn FDI quốc gia này nhận được liên tục tăng và đạt 16.469,27 tỷ đô la Hong Kong (tương đương khoảng 2,112 tỷ USD, bao gồm cả vốn FDI đầu tư trực tiếp – 115 tỷ USD và FDI thông qua cổ phiếu – 1,997 tỷ USD), cho thấy sức hấp dẫn khủng khiếp của thành phố này với các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên với những cuộc biểu tình liên miên trong khoảng 1 năm trở lại đây, cùng với việc Mỹ có thể bãi bỏ chế độ đặc biệt với quốc gia này khiến cho dòng vốn này có dấu hiệu chững lại và bắt đầu rời Hong Kong. Việc biểu tình diễn ra thường xuyên gây nhiều khó khăn cho các công ty làm ăn tại đây, cũng như các loại thuế và những điều khoản chặt chẽ có thể sẽ được áp dụng càng làm cản trở các nhà đầu tư hơn nữa.
Các cuộc điều tra gần đây được thực hiện bởi Phòng thương mại Hoa Kỳ cho thấy, nhiều công ty của Mỹ bắt đầu giảm các khoản đầu tư của họ vào Hong Kong. Theo dự báo của Trading Economics, trong năm 2020, dòng vốn FDI chảy vào Hong Kong sẽ giảm khoảng 2,000 tỷ đô la Hong Kong so với năm ngoái, chỉ còn 14,000 tỷ đô la Hong Kong. Đây thực sự là mất mát lớn đối với Hong Kong, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid – 19.
Có thể nói, nếu trạng thái đặc biệt của Hong Kong bị bãi bỏ, cả Mỹ và thành phố này đều sẽ gặp những khó khăn lớn. Mỹ sẽ mất đi một khu vực mà họ được hưởng lợi lớn từ việc xuất khẩu hàng hóa, trong khi đó Hong Kong bị "bay hơi" một lượng lớn nguồn vốn FDI. Về lâu dài, Hong Kong thậm chí sẽ mất nhiều hơn nữa nếu tình trạng biểu tình không được chấm dứt; các doanh nghiệp Mỹ mất đi một nơi đầu tư ổn định đã giúp họ thu được nhiều lợi ích trong những năm qua. Như vậy, nếu Mỹ thực sự tước đi trạng thái đặc biệt của Hong Kong, đây sẽ là con dao hai lưỡi mà cả hai đều sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề trong tương lai.