Tranh cãi khen thưởng học sinh theo Thông tư 27: Tiêu chuẩn quá 'siêu nhân'?

Học sinh vừa học giỏi tất cả các môn văn hóa, vừa thật xuất sắc tất các phẩm chất, năng lực, lại hát hay, múa dẻo, vẽ đẹp, hay vận động khéo thì vô cùng khó.

Ở bậc tiểu học hiện nay, học sinh khối 1, 2, 3 hiện được đánh giá theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT, còn học sinh khối 4 và 5 vẫn đánh giá theo Thông tư số: 22/2016/TT-BGDĐT. Việc đánh thường xuyên và đánh giá định kỳ học sinh theo 2 Thông tư này, xét về cơ bản cũng giống nhau cả về nội dung và phương pháp đánh giá.

Đánh giá theo Thông tư 27, học sinh được khen thưởng về một mặt thì điểm số và 13 phẩm chất, năng lực cũng phải đạt tốt. (Ảnh minh họa tác giả)

Đánh giá theo Thông tư 27, học sinh được khen thưởng về một mặt thì điểm số và 13 phẩm chất, năng lực cũng phải đạt tốt. (Ảnh minh họa tác giả)

Đó là, đánh giá cả quá trình học tập, về sự tiến bộ của học sinh mà không căn cứ vào điểm số đạt được ở thời điểm đó. Phương pháp đánh giá chủ yếu được dùng như phương pháp quan sát; vấn đáp; đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh;

Điểm khác biệt lớn nhất của 2 Thông tư chính là phần khen thưởng học sinh. Do sự khác biệt lớn về quy định khen thưởng nên ở nhiều trường học hiện nay, đã xảy ra không ít chuyện khó xử giữa một số giáo viên với nhau, giữa giáo viên với ban giám hiệu nhà trường, giữa phụ huynh học sinh và một số thầy cô trong quá trình đánh giá.

Điểm khác biệt giữa 2 Thông tư trong quy định khen thưởng

Điểm a, Khoản 1, Điều 16 Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT quy định:

1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:

a) Khen thưởng cuối năm học:

- Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận;

Nghĩa là, sẽ có 2 nhóm học sinh được khen thưởng. Một là, những học sinh xuất sắc khi có tất cả các năng lực, phẩm chất đều đạt tốt và các môn học đánh giá bằng điểm số như Toán, tiếng Việt, Anh văn, Tin học có bài kiểm tra định kì cuối năm học đạt 9 điểm trở lên;

Hai là, nhóm học sinh được khen nổi trội về một mặt nào đó như khen nổi trội môn Toán, tiếng Việt, Anh văn…hay khen về năng lực, phẩm chất tốt…

Điểm a, Khoản 1, Điều 13 Thông tư 27 khen thưởng học sinh xuất sắc cũng giống như Thông tư 22.

“Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc”; Tuy nhiên, khen thưởng danh hiệu Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện (giống học sinh có thành tích vượt trội ở Thông tư 22), yêu cầu đạt được lại cao hơn nhiều so với Thông tư 22.

Đó là, học sinh phải được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Một số bất cập xảy ra

Nếu một học sinh được khen thưởng về một mặt nào đó xét ở Thông tư 22 thì ngoài những môn đánh giá bằng điểm số đạt từ 9 điểm trở lên cũng không cần tất cả năng lực phẩm chất phải xếp tốt.

Thế nhưng, trong Thông tư 27 chỉ cần 1 trong 13 phẩm chất và năng lực cốt lõi xếp hoàn thành dù các môn đánh giá bằng nhận xét học sinh ấy đều đạt điểm cao tuyệt đối thì giáo viên cũng không thể đề xuất khen học sinh này một môn học nào cũng như một mặt nổi trội về phẩm chất hay năng lực cốt lõi nào.

Đánh giá theo Thông tư 27 học sinh khen về một mặt (gọi là học sinh tiêu biểu) cũng phải có kết quả gần như ngang với học sinh xuất sắc.

Ví như học sinh A, điểm kiểm tra định kỳ đạt toàn điểm 9, 10 thậm chí chỉ đạt điểm 10 nhưng có môn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật hay Thể dục bị xếp hoàn thành là không được khen thưởng.

Thế nên mới xảy ra tình trạng một số học sinh có lực học xuất sắc ở tất cả các môn, được đánh giá tốt về 13 phẩm chất, năng lực cốt lõi nhưng bị khống chế ở môn nghệ thuật, không chỉ mất danh hiệu học sinh xuất sắc cũng không thể được khen thưởng nổi trội về một môn học hay một phẩm chất năng lực nào đó.

Và, đã có những lớp, không có một học sinh nào được khen thưởng về học tập cũng như rèn luyện dù có những môn em học rất xuất sắc.

Vì chuyện này, đã xảy ra tình trạng, mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường do giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy một số môn học khác như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục vì không cùng tiếng nói chung.

Có những trường, giữa ban giám hiệu và giáo viên đánh giá nhận xét cũng xảy ra một số khúc mắc khi ban giám hiệu chỉ đạo quá sâu vào việc đánh giá xếp loại của giáo viên. Người vì sợ, phải hậm hực làm theo, người không nghe và cương quyết phản đối.

Thậm chí lại có trường, phụ huynh học sinh vì đòi hỏi quyền lợi cho mình đã tìm nhiều cách gây áp lực cho giáo viên trong việc đánh giá học sinh, tạo cho giáo viên sự mệt mỏi và căng thẳng.

Cái lý của người đánh giá

Có giáo viên Thể dục đưa ra lý do không thể đánh giá học sinh A hoàn thành tốt (dù các môn học và các năng lực phẩm chất cốt lõi của em xuất sắc) là do em lười vận động, động tác thể hiện chưa đẹp, kĩ năng tương tác với bạn còn thấp…

Hay giáo viên Mỹ thuật nhận xét, em B. không thể xếp hoàn thành tốt do vẽ chưa đẹp, cách tô màu, phối màu chưa hiệu quả…hay em C. chưa nắm vững nhạc lý, không thể lên cao độ, hát chưa tròn vành, rõ tiếng…

Giáo viên chủ nhiệm thì cho rằng, em học tốt tất cả các môn. Môn Mỹ thuật thuộc môn năng khiếu nên không thể đòi hỏi em phải vẽ được bức tranh đẹp, xuất sắc như yêu cầu. Nếu trong tiết học, em tập trung nghe giảng, năng nổ phát biểu, hoàn thành sản phẩm giáo viên yêu cầu thì việc em tô màu, phối màu chưa đẹp, hay bố cục chưa hài hòa cũng có thể châm chước được.

Hay như em C vốn dĩ không có năng khiếu ca hát nên không thể hát hay. Tuy thế trong giờ học, em tập trung nghe giảng, biết hợp tác với bạn, thuộc lời ca, biết đọc nhạc lý thì việc em hát chưa hay, không thể lên cao độ cũng nên được giáo viên đánh giá tốt.

Hoặc là em A tập động tác thể dục chưa đẹp, trong các hoạt động vận động chưa khéo léo nhưng em chăm chỉ học và thuộc các động tác, tham gia trò chơi tích cực cũng nên được thầy cô khuyến khích.

Một số thầy cô giáo khác cũng nêu quan điểm của mình. Một học sinh vừa học giỏi tất cả các môn văn hóa, vừa thật xuất sắc tất cả các phẩm chất, năng lực mà lại hát hay, múa dẻo, vẽ đẹp, hay vận động khéo thì vô cùng khó. Nên chăng, việc đánh giá những môn học thuộc năng khiếu như vậy yêu cầu giáo viên cần mềm dẻo hơn?

Giáo viên bộ môn có quyền đánh giá học sinh độc lập?

Điểm a, b, Khoản 2, Điều 16 về trách nhiệm của giáo viên, Thông tư 27 quy định:

2. Giáo viên giảng dạy môn học:

a) Chịu trách nhiệm đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh đối với môn học, hoạt động giáo dục theo quy định.

b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng lớp, cha mẹ học sinh thực hiện việc đánh giá học sinh.

Giáo viên giảng dạy bộ môn vẫn là người chịu trách nhiệm chính về việc đánh giá kết quả học tập của mỗi học sinh. Vì thế, khi giáo viên bộ môn đã đánh giá em A, em B, hay em C chỉ ở mức hoàn thành mà không được mức hoàn thành tốt, giáo viên ấy sẽ có đủ minh chứng để chứng minh kết quả đánh giá của mình là đúng.

Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 27, trước khi đánh giá, giáo viên bộ môn không tự mình đánh giá một cách độc lập mà phải phải cùng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng lớp ngồi lại để phối kết hợp với nhau để cùng trao đổi, cùng lắng nghe.

Việc cùng ngồi lại với nhau để đánh giá, sẽ có được kết quả một cách khách quan đúng về lý nhưng cũng trọng về tình, tránh được những thiệt thòi cho học sinh mà vẫn đảm bảo được việc đánh giá của giáo viên là đúng.

Khi thầy cô có được sự đồng thuận cao, học sinh và gia đình các em sẽ không bị ấm ức mà sự đoàn kết nội bộ cũng được thắt chặt.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-22-2016-TT-BGDDT-sua-doi-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-thong-tu-30-2014-TT-BGDDT-323463.aspx

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-27-2020-tt-bgddt-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-190364-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tranh-cai-khen-thuong-hoc-sinh-theo-thong-tu-27-tieu-chuan-qua-sieu-nhan-post235282.gd