Tranh cãi quanh việc áp thuế TNDN với trường học, bệnh viện công

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), nhiều đại biểu băn khoăn về quy định thu thuế TNDN đối với các trường học, bệnh viện công hiện nay.

Đóng thuế TNDN, người bệnh, học sinh phải chịu giá tăng thêm

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, trong những cơ sở công lập như trường học, y tế thì phần lớn những cơ sở vật chất kỹ thuật là được nhà nước đầu tư và như vậy giá trị của các tài sản này hầu như không được khấu hao một cách đầy đủ. Chính vì vậy, phần chênh lệch giữa thu và chi thực chất ở đây không phải là thu nhập mà là phần khấu hao còn lại và đáng ra phải được giữ lại để tái đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng nhưng chúng ta lại thu thuế trên phần đấy, như vậy sẽ làm mất đi một phần những giá trị đáng ra đầu tư hạ tầng thì bây giờ chuyển thành nộp thuế, theo đó, sẽ không có các nguồn tái đầu tư để phát triển các hạ tầng cho các cơ sở giáo dục này.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, các đơn vị bệnh viện, các đơn vị trường học thì việc nộp thuế thu nhập không phải được tính bằng cách lấy thu từ chi mà thường sử dụng một phương pháp gọi là tính trên doanh thu và mức tính trên doanh thu hiện nay là tính trên 2% doanh thu. “Nếu thu thuế đối với đơn vị này thì đương nhiên trong giá dịch vụ về y tế và học phí giáo dục sẽ được tính luôn 2% là để dành cho nộp thuế, như vậy đương nhiên sẽ làm cho học phí tăng lên thêm 2%, giá dịch vụ y tế tăng lên 2% và đương nhiên người bệnh sẽ phải là người chịu việc này, học sinh, người học sẽ phải chịu việc này. Trong khi chúng ta hiện nay đang chủ trương miễn học phí cho các hệ thống giáo dục phổ thông, tiến tới miễn cả viện phí, chúng ta lại thu thuế trên phần này thì quả thật tạo ra một điều sẽ không được đồng bộ, không được đồng nhất về chủ trương”, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Đại biểu đề nghị, các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục của các đơn vị công lập thì không thuộc đối tượng phải chịu thuế TNDN, trừ những hoạt động liên doanh, liên kết với bên ngoài. Liên doanh, liên kết với bên ngoài tức là sẽ có yếu tố về lợi nhuận thì hoạt động đấy phải thu thuế TNDN, nếu không liên doanh, liên kết thì không đưa vào đối tượng chịu thuế.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), thực tế hiện nay các cơ quan thuế căn cứ vào cụm từ ''dịch vụ'' để thu thuế, cứ có chữ ''dịch vụ'' là thu trong khi đó hệ thống y tế có khái niệm thu từ dịch vụ sự nghiệp công nên đại đa số các nguồn thu của bệnh viện đều bị đánh thuế.

Đại biểu Hiếu đề xuất bổ sung quy định này theo hướng đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế không phải nộp thuế TNDN đối với khoản thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tính đủ các chi phí hình thành giá dịch vụ như phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý.

Lý giải về đề xuất trên, ông Hiếu chỉ rõ, mức giá dịch vụ hiện nay với các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được nhà nước giao mới chỉ tính 2/4 yếu tố, vì vậy mức giá này không đủ trang trải các chi phí phát sinh, do vậy không có lợi nhuận.

Theo Nghị định 60/2021, nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập gồm: thu từ dịch vụ sự nghiệp công và thu từ hoạt động kinh doanh, liên doanh, liên kết. Các dịch vụ khám, chữa bệnh có thu do Bộ Y tế hoặc HĐND quy định là thu từ dịch vụ sự nghiệp công, không thuộc nhóm thu từ hoạt động kinh doanh. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần làm rõ ranh giới này để cơ quan thuế áp dụng đúng khi thu thuế với bệnh viện và cơ sở y tế.

Song song với đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định theo hướng khoản thu nhập nhận được từ tài trợ, viện trợ bao gồm từ tiền và hiện vật nếu sử dụng đúng mục đích cho các hoạt động giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo xã hội thì không tính thu nhập chịu thuế TNDN. Điều này sẽ giúp rất nhiều bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị, sửa chữa xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời động viên được nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước tăng cường hỗ trợ cho hệ thống y tế Việt Nam. Các quy định này sẽ làm rõ ràng tính minh bạch, nhất quán trong hệ thống thuế, giảm rủi ro pháp lý cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xã hội.

Ngoài ra, đại biểu Hiếu cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể phạm vi dịch vụ và áp dụng mức thuế giá trị gia tăng và thuế TNDN ưu đãi 2% cho các dịch vụ hỗ trợ y tế; bổ sung quy định là miễn thuế với thuốc bệnh nhân sử dụng trong nội trú.

Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có doanh thu thì phải nộp thuế

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo Luật Thuế TNDN hiện hành thì đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN xác định được doanh thu, xác định được chi phí thu nhập thì phải nộp thuế TNDN như các doanh nghiệp thông thường, các trường hợp đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng lại không xác định được chi phí thu nhập của các hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ phần trăm trên toàn bộ doanh thu bán hàng, dịch vụ do Chính phủ quy định. Trong khi đó đối với các trường hợp khác không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thì khi cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công lập lại được hưởng rất nhiều những chính sách ưu đãi.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

“Hiện nay, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vừa thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước vừa cung cấp các dịch vụ sự nghiệp không sử dụng kinh phí nhà nước hoặc là sử dụng một phần. Trong trường hợp có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ bao gồm hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, đào tạo mà đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định mức giá theo nguyên tắc giá thị trường hoặc là liên doanh, liên kết để thực hiện kinh doanh thu lợi nhuận, việc quy định khoản thu nhập này phải nộp thuế TNDN theo quy định như hoạt động kinh doanh bình thường là phù hợp”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cho biết, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vừa cung cấp dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước, vừa có hoạt động kinh doanh theo giá thị trường. Với phần hoạt động có thu lợi nhuận, việc nộp thuế TNDN là phù hợp. Tuy nhiên, với các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do nhà nước hỗ trợ một phần chi phí và không nhằm mục tiêu lợi nhuận, thì việc áp dụng thuế TNDN như hiện nay là chưa hợp lý. Cơ quan soạn thảo đã tính toán và đưa quy định phù hợp vào dự thảo luật.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN đối với thu nhập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Về phía cơ quan soạn thảo cũng đã có dự thảo như vậy, tuy nhiên sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh dự thảo để đảm bảo phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp nhưng đồng thời phải đảm bảo không thất thoát thuế, không thất thoát ngân sách nhà nước.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tranh-cai-quanh-viec-ap-thue-tndn-voi-truong-hoc-benh-vien-cong-d58323.html