Tranh cãi quanh việc hầm Hải Vân 2 mở rồi lại đóng
Hầm Hải Vân 2 vừa thông xe nhưng chủ đầu tư cho biết sẽ chỉ mở cho các xe lưu thông trong dịp tết Nguyên đán, sau đó sẽ đóng lại để giải quyết vướng mắc.
Bộ GTVT và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng vừa tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2 dài 6,2km (chiều dài tuyến 12,4km bao gồm cả đường dẫn). Đây được xem là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á.
Điều đáng nói, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trước và trong dịp Tết. Sau Tết sẽ tạm đóng cửa hầm vì còn vướng một số cơ chế chưa giải quyết xong.
Trong đó có việc phần vốn ngân sách Nhà nước cam kết đóng góp vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, việc nhà đầu tư đưa ra lý do còn một số vướng mắc về cơ chế nên chỉ cho phương tiện đi trong dịp Tết rồi sau đó sẽ tạm đóng cửa hầm Hải Vân 2 là không hợp lý đối với sự phát triển của nền kinh tế.
“Vướng mắc về cơ chế thì có thể đưa ra hội đồng trọng tài hoặc khiếu kiện, không nên chỉ vì chưa nhận được khoản tiền giải ngân từ Nhà nước mà đóng cửa, không cho phương tiện qua hầm đường. Việc này sẽ làm giảm hiệu quả khai thác công trình, giảm hiệu quả đầu tư kinh tế”, ông Doanh nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Nhà nước cũng cần sòng phẳng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện đúng theo hợp đồng, không để doanh nghiệp vào thế khó.
Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi danh Liên cho rằng, Nhà nước nên thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng với nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên "thách đố" Nhà nước khi đưa ra thời gian đóng cửa hầm. Bởi việc hoàn thành dự án, đưa vào khai thác góp phần vào việc lưu thông thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả nước.