Tranh cãi tự chọn môn Lịch sử: GS.TS Lê Anh Vinh lên tiếng
Từ năm học 2022 - 2023, thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Lịch sử là môn tự chọn đối với học sinh THPT. Vấn đề này đang gây khá nhiều tranh cãi. Theo GS.TS Lê Anh Vinh, nếu Lịch sử là môn bắt buộc thì sẽ thiệt cho những học sinh muốn theo đuổi chuyên sâu đối với môn học này.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một chương trình cố định với quá nhiều các môn học bắt buộc đã không còn phù hợp và thậm chí là quá tải với đa số học sinh trong một trường trung học. Thay vào đó, các hoạt động giáo dục trong nhà trường phải trở nên đa dạng và linh hoạt nhất có thể để đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo cá nhân các em học sinh.
Rất nhiều nước trên thế giới, ví dụ các nước sử dụng Chứng chỉ giáo dục phổ thông Bậc cao GCE A-level, học sinh được chọn học ít nhất 3 đến 4 môn trong năm đầu tiên sau THCS và 3 môn để tiếp tục lên năm thứ hai, trước khi tốt nghiệp bậc phổ thông.
Ở Mỹ, chương trình giáo dục THPT cũng bao gồm các môn cốt lõi như Ngôn ngữ, Toán, Khoa học, Nghiên cứu Xã hội, và các môn tự chọn như Nghệ thuật, Dạy nghề, Công nghệ, Ngoại ngữ, Giáo dục Kinh doanh... Hình thức lựa chọn môn học, có thể theo nhóm môn hoặc ngành học sẽ theo đuổi ở đại học cũng phổ biến ở nhiều nước như Nga, Israel, hay các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Do đó, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng nếu nhìn tổng thể quá trình phát triển của nền giáo dục sẽ thấy đây là xu hướng tất yếu bởi việc mở rộng hệ thống đi kèm với sự đa dạng hóa giáo dục. Hiện nay, bậc học này đã có xu hướng phổ cập khi chương trình bao gồm nhiều môn học hơn với sự lựa chọn linh hoạt và có mối quan hệ chặt chẽ với định hướng nghề nghiệp.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, nhìn lại định hướng xây dựng và mục tiêu của chương trình cho thấy mục tiêu của giáo dục tiểu học và THCS là đào tạo cơ bản, thì ở cấp THPT, định hướng giáo dục đã tập trung nhiều hơn vào mục tiêu lựa chọn nghề nghiệp để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Chính vì vậy, chương trình của bậc THPT mang định hướng nghề nghiệp cao, trong đó một số môn mang tính chất công cụ, hay tích hợp mục tiêu phát triển nhiều năng lực chung sẽ là các môn học bắt buộc, những môn học có mục tiêu phát triển năng lực chuyên biệt sẽ nằm trong tổ hợp lựa chọn. Với cách làm như vậy, các môn lựa chọn sẽ mang tính phân hóa và chuyên sâu hơn so với chương trình hiện hành nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh khi lựa chọn những tổ hợp này.
Đối với môn Lịch sử, dưới góc nhìn của mình, GS.TS Lê Anh Vinh cho hay hầu hết các kiến thức thông Sử (kiến thức phổ thông, cơ bản mà một công dân Việt Nam cần có đối với lĩnh vực Lịch sử) đã được giới thiệu đầy đủ cho đến hết chương trình lớp 9.
Học sinh tốt nghiệp THCS là đã hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản nên kiến thức Lịch sử, cũng như tất cả các môn học khác, đã đạt trình độ phổ thông. Chương trình Lịch sử ở THPT sẽ được tổ chức dưới dạng chuyên đề, đào sâu vào các lĩnh vực chuyên biệt của ngành Sử học như nghiên cứu lịch sử, lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới.
"Thực ra đây có thể coi là điểm ưu việt trong phân bổ và thiết kế chương trình mới. Nếu Lịch sử nói riêng và các môn tự chọn khác nói chung vẫn giữ nguyên là môn bắt buộc với thời lượng ít hơn như ở chương trình hiện hành, sẽ có một bộ phận học sinh có năng lực, thiên hướng và nhu cầu theo đuổi định hướng nghề nghiệp về một số lĩnh vực liên quan không có cơ hội được tiếp cận với mảng kiến thức phân hóa này. Với góc nhìn này, sẽ rất nhiều giáo viên mong muốn môn học của mình là môn tự chọn vì đó là một bước đi tiến bộ mang lại nhiều cơ hội cho cả học sinh và giáo viên", GS.TS Lê Anh Vinh nói.
Môn Toán cũng có thể là môn tự chọn
Không chỉ môn Lịch sử, GS.TS Lê Anh Vinh cũng đưa ra quan điểm đối với môn Toán (GS.TS Lê Anh Vinh là tiến sĩ Toán học). Ông cho rằng lên đến THPT, môn Toán là môn công cụ nên học sinh nào thấy cần thì học, không cần thì thôi. Đến khi đó, chương trình đào tạo sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh sẽ chỉ còn học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách các môn tự chọn theo nhóm.
Nhiều người lo ngại việc đặt ra môn tự chọn - bắt buộc sẽ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch. Tuy nhiên, GS.TS Lê Anh Vinh khẳng định không có chuyện đó. Bởi vì, học sinh vẫn buộc phải lựa chọn ít nhất một môn từ cả ba nhóm môn. Ví dụ, học sinh chọn thiên về nhóm môn Khoa học tự nhiên vẫn học ít nhất một môn trong nhóm Khoa học xã hội và một môn trong nhóm Công nghệ & Nghệ thuật.
Nhưng theo GS.TS Vinh, trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, phụ huynh và học sinh sẽ đều cần được cung cấp đầy đủ thông tin chính xác để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.