Tranh chấp Hợp đồng tín dụng hơn 10 năm, có khởi kiện được không?
Theo quy định của Pháp luật dân sự, tranh chấp hợp đồng có thời hiệu là 3 năm. Với những hợp đồng tín dụng kéo dài hơn 10 năm, có hết thời hiệu khởi kiện không? Khi nào thì đặt ra vấn đề thời hiệu khởi kiện?...
Pháp luật dân sự quy định thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích bị hợp pháp. Nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể sẽ mất quyền khởi kiện.
Đơn cử như thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản. Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó...
Tùy vào từng lĩnh vực mà pháp luật lại quy định thời hiệu khởi kiện khác nhau. Chẳng hạn, theo quy định tại Luật Thương mại, thời hiện khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là 2 năm. Luật Hàng hải Việt Nam quy định, thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa là 1 năm kể từ ngày trả hàng, hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng; thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 2 năm...
Tuy nhiên, theo Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật cũng quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là khoảng thời gian xảy ra các sự kiện như sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Việc đặt ra thời hiệu khởi kiện thường được đặt ra trong quá trình tố tụng, nếu các bên có yêu cầu.
Thực tế, có trường hợp doanh nghiệp yêu cầu khởi kiện hợp đồng mua bán nhưng khi tòa án xét xử thì lại vắng mặt 2 lần không có lý do chính đáng, dù đã được triệu tập hợp lệ. Do đó, tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án. Doanh nghiệp phải trao đổi lại công nợ với đối tác và khởi kiện lại.
Còn đối với những vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng thường phức tạp vì liên quan đến các bên liên quan, chủ mới – chủ cũ, thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài… Có vụ việc, khách hàng còn đặt ra vấn đề áp dụng thời hiệu khởi kiện nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Trong vụ việc mới đây, doanh nghiệp cũng đặt ra vấn đề thời hiệu khởi kiện.
Hồ sơ thể hiện, năm 2011, ngân hàng giải ngân gần 1,3 tỷ đồng cho Công ty H. (ở Hà Nội) để bổ sung vốn kinh doanh. Công ty đã thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của bên thứ ba, đăng ký công chứng, chứng thực theo quy định. Đến năm 2022, công ty mới thanh toán hơn 83 triệu đồng tiền lãi. Dư nợ còn lại là hơn 8,4 tỷ đồng.
Ngân hàng khởi kiện ra tòa án yêu cầu công ty phải thanh toán số tiền trên. Trường hợp công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, phát mại số tài sản trên.
Quá trình tố tụng, công ty đề nghị tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện. Theo công ty, Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm.
Thời điểm ngân hàng biết việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là thời điểm ngân hàng có thông báo khởi kiện ngày 15/12/2012. Đến ngày 30/3/2020 ngân hàng lại tiếp tục có đơn khởi kiện thì là 9 năm. Theo khoản 2, Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì hết thời hiệu khởi kiện.
Công ty đề nghị tòa án đình chỉ giải quyết vụ án do vụ tranh chấp này đã được giải quyết trong vụ án kinh doanh thương mại số 02/2012. Theo đó, ngày 2/6/2012, vụ án này đã bị đình chỉ giải quyết bằng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Tuy nhiên, tòa án giải thích, hợp đồng tín dụng có quy định “hợp đồng ngày có thời hạn từ ngày ký cho đến ngày Bên B hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ, lãi, phí, chi phí, phạt…”.
Tòa án xác định, trong trường hợp này, công ty chưa trả cả gốc và lãi cho ngân hàng nên chưa hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Vì vậy, hợp đồng tín dụng chưa kết thúc, các bên đang trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Ngoài ra, các biên bản làm việc ngày 10/10/2017 giữa hai bên, công ty đều thể hiện rõ việc xin trả nợ dần cho ngân hàng. Quyền và lợi ích của ngân hàng chưa bị xâm phạm nên yêu cầu khởi kiện của ngân hàng là trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 429; điểm d, khoản 1, Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015.
Nắm vững thời hiệu khởi kiện và tuân thủ triệu tập của tòa án là những tiền đề để doanh nghiệp tránh được hạn chế, rủi ro tố tụng.