Tranh của vua Hàm Nghi sắp được trưng bày quy mô lớn chưa từng có
'Trời, Non, Nước' sẽ là triển lãm có quy mô lớn nhất được tổ chức trưng bày, giới thiệu các tác phẩm tranh của vua Hàm Nghi tại Việt Nam.

“Trời, Non, Nước/Allusive Panorama” là triển lãm phi thương mại quy tụ các bức tranh phong cảnh sơn dầu nguyên bản do vua Hàm Nghi sáng tác trong những năm bị lưu đày.
Các tác phẩm sẽ được trưng bày tại điện Kiến Trung (Huế) trong 2 tuần, bắt đầu từ 25/3. Triển lãm được đồng giám tuyển bởi nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê và TS. Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.

Giám tuyển Ace Lê cho biết, đây là triển lãm hồi cố thứ hai, cũng là triển lãm có quy mô lớn nhất trưng bày các tác phẩm tranh của vua Hàm Nghi tại Việt Nam. Triển lãm sẽ trưng bày hơn 20 tác phẩm, quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân. Các tác phẩm đã được hồi hương, thẩm định, bảo quản và phục chế bởi các chuyên gia đầu ngành.

“Phong cảnh với cây bách (Menthon-Saint-Bernard)”, (1906), 27 x 40.5 cm, sơn dầu trên toan.
“Công chúng đã biết tới vua Hàm Nghi như một anh hùng dân tộc, người đã thảo chiếu Cần Vương với tham vọng giành lại chủ quyền cho dân tộc từ thực dân Pháp. Tuy nhiên, chưa nhiều người biết rằng, ông cũng là một trong hai họa sĩ Việt đầu tiên (cùng Lê Văn Miến) được đào tạo sáng tác theo phương pháp hàn lâm Tây phương, vì thế có thể xem ông là người đóng vai trò tiên phong trong buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam”, giám tuyển Ace Lê nhận định.

Phong cảnh Algeria” (1902), 24.1 x 35.4 cm, sơn dầu trên toan.
Tranh của vua Hàm Nghi là sự kết hợp độc đáo giữa tài năng hội họa và tình yêu đất nước, nơi ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương và ẩn chứa cả sự phản kháng ngầm trước những áp bức trong thời gian bị lưu đày.

Bờ rừng (hồ Geneva)” (khoảng 1920), 38 x 55 cm, sơn dầu trên toan.
Tuần lễ triển lãm cũng diễn ra đồng thời với khoảng thời gian Huế vinh dự đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, kết hợp với Festival Huế 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên – Huế và chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Vua Hàm Nghi, “Cánh đồng lúa mì” (1913), 31 x 39 cm, sơn dầu trên toan.
Ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Việc trưng bày và giới thiệu những tác phẩm của vua Hàm Nghi giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước, qua đó có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản.
Triển lãm cũng góp phần khẳng định vị thế của cố đô Huế như một trung tâm văn hóa trong dòng chảy lịch sử của Việt Nam”.