Tránh để nông dân và doanh nghiệp 'hục hặc' liên kết đầu ra nông sản
Từ câu chuyện 13,3ha đu đủ của một HTX ở tỉnh Nghệ An vào kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp từ chối thu mua, cho đến những thận trọng gần đây về hoạt động thu mua và tiêu thụ sầu riêng ở tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk để thấy vẫn còn lắm mối lo trong vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân.
Liên quan vụ 13,3 ha đu đủ của HTX nông nghiệp Tây Hiếu (ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) đến thời kỳ thu hoạch song đối tác liên kết là CTCP Chanh leo Nafoods chưa thu mua khiến quả rụng đầy gốc, theo thông tin mới nhất thì phía đối tác đã đến làm việc với HTX và thống nhất hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người dân với mức 225.000.000 đồng/ha trong tháng 8 này.
Mối lo doanh nghiệp hứa suông
Cần nhắc lại, hồi tháng 11/2022, CTCP chanh leo Nafoods đã ký hợp đồng cung cấp cây giống đu đủ hồng phi Đài Loan cho HTX Tây Hiếu và cam kết thu mua quả tươi chín, tương đương 80 tấn/ha, từ tháng 7/2023 đến 12/2024.
Thế nhưng đến tháng 7/2023, lấy lý do bất khả kháng, ảnh hưởng bởi “chiến sự Nga - Ukraine” không thể xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) này đã không thu mua quả đu đủ (với ước tính khoảng 2.000 tấn quả) như đã cam kết trong hợp đồng và thông báo chấm dứt hợp đồng cung cấp cây giống với HTX.
Nhìn vào vụ việc nêu trên, dù phía DN đã chấp nhận bồi thường chi phí (sau khi dư luận lên tiếng), thế nhưng nhiều ý kiến trên một số diễn đàn truyền thông vẫn bày tỏ băn khoăn về cách liên kết thiếu chặt chẽ như vậy.
Đặc biệt những trường hợp người nông dân có nguy cơ trắng tay vì DN hứa suông khi liên kết. Chẳng hạn có một số DN đưa dự án trồng trọt về cho nông dân với cam kết là bao tiêu đầu ra. Họ cung cấp giống, phân, thuốc, chuyển giao công nghệ…Trong một hai vụ đầu nông dân cảm thấy “ngon ăn” nên tăng diện tích, tăng đầu tư cây giống. Rồi đến một thời điểm nhà đầu tư bán đủ giống đủ các khoản sẽ phủi tay, để người nông dân gánh chịu thiệt thòi.
Trong khi đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vốn dĩ là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi bền vững để thoát khỏi tình trạng sản xuất nông nghiệp mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Bởi lẽ, chỉ có liên kết mới đi được xa, có được hàng hóa lớn, có tên tuổi vững chắc và cạnh tranh được khi bước vào hội nhập.
Vì thế, với các kiểu liên kết chụp giật như đã nêu ở trên, nhất là những điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ giữa DN với HTX và nông dân, đòi hỏi cần có biện pháp xử lý thật nặng để răn đe những DN làm ăn theo kiểu mánh khóe, lời thì ăn còn lỗ thì nông dân và HTX gánh chịu.
Ngoài ra, ngay như việc ổn định đầu ra cho trái sầu riêng trong bối cảnh diện tích canh tác đang tăng mạnh như hiện nay cũng còn không ít ý kiến băn khoăn về tính liên kết quá lỏng lẻo giữa DN và nông dân. Như hồi tháng 7/2023, tại kỳ họp khóa X của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước, một đại biểu phản ánh đã có những “giọt nước mắt” của người trồng sầu riêng liên quan đến việc các đơn vị đến địa bàn thu mua nhưng sau khi đặt cọc xong thì lại không mua.
Trong khi đó, theo ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, khi giá sầu riêng cao, một số nông dân đã ký hợp đồng thu mua ngay từ đầu năm nhưng lại tuồn sản lượng của mình ra ngoài mà không cung cấp theo hợp đồng đã ký.
Vì đâu nên nỗi ?
Hoặc như ở tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 8/2023 này nhiều huyện đang vào đầu vụ thu hoạch sầu riêng (thu hoạch muộn hơn so với các tỉnh khác, năm nay sản lượng sầu riêng toàn tỉnh đạt khoảng 220.000 tấn). Và đã có huyện (như huyện Krông Búk) đã khuyến cáo, nông dân, HTX thận trọng trong quá trình mua bán. Các hợp đồng mua bán sầu riêng phải nghiên cứu kỹ, theo đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân, dẫn đến những tranh chấp trong thời gian tới.
Để giúp người dân, HTX, DN yên tâm sản xuất, kinh doanh trong vụ sầu riêng 2023, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các DN, HTX, cơ sở kinh doanh thu mua sầu riêng và các tổ chức, cá nhân có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn hỗ trợ nông dân sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ theo tiêu chuẩn quy định.
Sở này cũng lưu ý là cần có cơ chế thu mua phù hợp với phân hạng quả sầu riêng, không ép giá; liên kết thu mua sản phẩm sầu riêng cho nông dân thông qua hợp đồng kinh tế theo đúng quy định hiện hành.
Từ chuyện đu đủ của HTX rụng đầy gốc ở Nghệ An vì DN từ chối thu mua, cho đến những thận trọng về hoạt động thu mua và tiêu thụ sầu riêng ở tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk để thấy vẫn còn lắm mối lo trong vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa DN với HTX và nông dân.
Bên cạnh đó, trong báo cáo hồi tháng 6/2023 của Bộ NN&PTNT cho thấy, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của các ngành hàng nhìn chung thiếu chặt chẽ, ngoại trừ một số DN, tập đoàn, công ty lớn có năng lực đã liên kết tốt với nông dân, tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu trong chuỗi mía đường, cá tra, tôm nuôi...
Trên thực tế, qua ghi nhận của VnBusines ở một số địa phương thì thấy rằng, khi liên kết với DN thì các HTX nông nghiệp và nông dân quan tâm nhất là đầu ra của nông sản. Thế nhưng, ngoài những chuỗi liên kết thể hiện rõ tính ổn định, hiệu quả, vẫn có một số đơn vị bao tiêu sản phẩm chậm thanh toán, bỏ giữa chừng gây thiệt hại cho HTX và nông dân.
Điều này có một phần nguyên nhân từ việc năng lực của DN trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng nên thị trường tiêu thụ còn thụ động.
Hơn thế nữa, có các hợp đồng liên kết giữa DN với HTX và nông dân chưa chặt chẽ, thiếu sự cam kết giữa các chủ thể tham gia. Từ đó sẽ dễ dẫn đến bị phá vỡ, trong đó, có những trường hợp khi giá thị trường tăng hơn giá hợp đồng đã ký thì nông dân không bán sản phẩm cho DN mà bán thẳng ra thị trường. Và ngược lại, khi giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì DN không thu mua sản phẩm của nông dân.
Nói chung, ngành nông nghiệp trong nước sẽ phải cần thêm các giải pháp hợp lý hơn nữa nhằm khắc phục mặt hạn chế trong liên kết giữa DN với HTX và nông dân để tránh hục hặc và gia tăng niềm tin liên kết giữa các bên được vững chắc hơn.