Tranh luận sôi nổi về phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Sáng 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Các đại biểu dự phiên thảo luận sáng 27-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên thảo luận sáng 27-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đây là dự án luật quan trọng, nên các đại biểu (ĐB) đều cho rằng, cần phải làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự thảo luật, đồng thời phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động. “Vì đối với họ, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả cuộc đời” - ĐB Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) nói.

Một trong những vấn đề chưa có sự đồng thuận cao mà dự thảo phải đưa ra 2 phương án, đó là là điều kiện hưởng BHXH một lần. Đây cũng là vấn đề được các ĐB thảo luận nhiều trong sáng 27-5.

Nhiều ĐB đánh giá, cả 2 phương án đều chưa tối ưu, nhưng trong bối cảnh hiện nay, phương án 1 đáp ứng yêu cầu hơn, do đó các ý kiến cũng nghiêng về chọn phương án 1.

 Đại biểu Trần Khánh Thu – Thái Bình. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trần Khánh Thu – Thái Bình. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình), 2 phương án được đưa ra trong dự thảo luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn. Theo ĐB, để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH 1 lần thời gian qua. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng BHXH 1 lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy khi tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội; hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già.

Cũng theo ĐB Trần Khánh Thu, trong thời gian tới, cần truyền thông mạnh mẽ để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cũng đề xuất lựa chọn phương án 1 vì phương án này trong quá trình lấy ý kiến cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn. Về lâu dài, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt.

 Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Bến Tre. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Bến Tre. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cũng nhất trí với phương án 1, vì dù chưa phải là phương án tối ưu nhưng tạo điều kiện cho người lao động đang đóng BHXH được thoải mái tâm lý, phương án này cũng sẽ tạo tâm thế sẵn sàng cho người lao động mới tham gia BHXH xác định sẽ không được rút BHXH mà chỉ phục vụ cho việc đảm bảo an sinh xã hội sau này.

ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, phương án 2 như dự thảo luật rất nhân văn, với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia có cơ hội tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, hiện nay người lao động đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH. Do đó, để đảm bảo luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, ĐB cho rằng nên thực hiện theo phương án 1. Song song đó, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân thấy được lợi ích của chính sách BHXH, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút BHXH 1 lần, không nên dùng các quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn.

ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) lại tán thành với phương án 2. ĐB cho rằng phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút BHXH 1 lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia BHXH; giữ chân người lao động tham gia BHXH lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.

ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) cũng ủng hộ phương án 2, bởi phương án này vừa đảm bảo quyền lựa chọn cho người tham gia BHXH, giữ được an sinh tối thiểu cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, phương án này lại chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động, bởi đa phần những người tham gia BHXH tự nguyện đều có khó khăn trong cuộc sống, họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt.

“Vì vậy tôi cho rằng, để giữ chân người tham gia BHXH và hạn chế được tình trạng rút một lần, dự thảo luật cần thiết kế thêm chế độ để người tham gia bảo hiểm tự nguyện yên tâm hơn khi có khó khăn trong cuộc sống”- ĐB Trương Thị Ngọc Ánh nêu.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) thì đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng 2 phương án đã nêu vì cả 2 phương án đưa ra vẫn chưa phải là phương án tối ưu. Thực tế hiện nay, nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải vượt qua những khó khăn trước mắt. Vì vậy, không thể hạn chế việc rút BHXH 1 lần đối với những người tham gia BHXH sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1, chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó; đôi khi dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm. Nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và cũng có tâm lý so sánh và ồ ạt rút BHXH trước khi luật có hiệu lực. Đây là nội dung lớn, rất cần có lộ trình vừa để người dân làm quen, tiếp cận và có thời gian để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của người dân. Do đó, nên tích hợp 2 phương án. Theo đó, với những người đóng BHXH trước khi luật này có hiệu lực thì thực hiện phương án 1, với những người đóng BHXH sau khi luật này có hiệu lực thì thực hiện phương án 2...

Phương án 1, người lao động được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần như quy định hiện hành. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH 1 lần.

Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tranh-luan-soi-noi-ve-phuong-an-rut-bao-hiem-xa-hoi-1-lan-post741767.html