Tránh quá tải, Bệnh viện Nhi Trung ương nêu điều kiện tiếp nhận bệnh nhân sởi
Bệnh viện Nhi Trung ương yêu cầu các bệnh viện tuyến dưới chỉ chuyển tuyến người bệnh sởi trong trường hợp có biến chứng nặng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa có công văn đề nghị các sở y tế tỉnh, thành phố, các cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp tiếp nhận và chuyển tuyến người bệnh sởi.
Gần 2.000 ca bệnh nhập viện 3 tháng đầu năm 2025
Trong công văn, Bệnh viện Nhi Trung ương nêu rõ thời gian gần đây, dịch sởi có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt tại khu vực phía Bắc.
Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ 3 tháng đầu năm 2025 đã tiếp nhận gần 2.000 ca bệnh, trong đó có nhiều trường hợp chuyển tuyến từ các cơ sở y tế địa phương.
Để tăng cường phối hợp trong điều trị và chuyển tuyến người bệnh sởi, đảm bảo hiệu quả sử dụng giường bệnh và nguồn lực y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đề nghị các sở y tế chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn chủ động tiếp nhận người bệnh sởi do Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển tuyến. Việc này nhằm đảm bảo khả năng thu dung và điều trị của Bệnh viện tuyến cuối trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các bệnh viện chỉ chuyển tuyến người bệnh sởi đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong các trường hợp đáp ứng tiêu chuẩn nhập viện của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đồng thời, các bệnh viện cần tăng cường công tác sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý cách ly người bệnh sởi tại chỗ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Phối hợp chặt với Bệnh viện Nhi Trung ương trong theo dõi, báo cáo và hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết qua điện thoại và các kênh thông tin liên lạc khác của bệnh viện.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn đầu đã kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tiêu chuẩn chuyển bệnh nhi sởi về tuyến cuối
Các bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Trung ương nếu có một trong các yếu tố sau:
- Tổn thương phổi kèm biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở, SpO2 ≤ 94%) hoặc có tổn thương nặng trên X-quang.
- Dấu hiệu toàn thân nặng như không uống được, bỏ bú, rối loạn ý thức, co giật, li bì.
- Sốt cao liên tục khó hạ kèm tăng đáp ứng viêm (CRP > 100 mg/L, LDH > 250U/L, Ferritin > 600 ng/mL, D-Dimer > 1000 mcg/L) hoặc có biểu hiện nhiễm khuẩn toàn thân nặng.
- Dấu hiệu nặng lên của bệnh nền (hô hấp, tuần hoàn, ung thư, huyết học, gan, thận...)
- Biến chứng nặng của sởi như viêm não không đáp ứng điều trị, viêm cơ tim, viêm loét giác mạc, viêm tụy cấp.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ năm 2024 đến nay, bệnh viện đã ghi nhận tổng cộng gần 2.700 ca mắc sởi. Trong đó, số ca mắc trong năm 2024 là 796, còn lại là số ca mắc trong 3 tháng đầu năm 2025.
Có đến 60% ca bệnh chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tuổi theo khuyến cáo tiêm chủng vaccine sởi.
Hiện trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương khám, sàng lọc cho khoảng 70-90 ca mắc, ngày cao điểm có hơn 100 bệnh nhân.
Bệnh viện đã phân luồng sàng lọc bệnh nhân ngay từ phòng khám theo 2 luồng: luồng chuyển tuyến dưới với bệnh nhân nhẹ và luồng tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương lo ngại số lượng bệnh nhân nội trú tại cơ sở này có thể đông hơn, trong khi số lượng phòng bệnh có hạn, bệnh nhân nội trú lại thường mắc kèm nhiều bệnh lý nền nặng nên thời gian nằm viện kéo dài.