Tranh thờ trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao
Người Dao ở Cao Bằng gồm hai ngành Dao Đỏ và Dao Tiền. Trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao, tranh thờ có vị trí quan trọng phản ánh về thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng dân tộc Dao. Với người Dao, tranh thờ vô cùng linh thiêng, người giữ tranh thờ phải là người đã được thụ lễ cấp sắc; mỗi bộ tranh vẽ là công cụ đem đạo của thánh hiền đến với con người. Tranh thờ của người Dao gồm có tranh thờ cúng hằng ngày và tranh sử dụng trong nghi lễ.
Tranh thờ cúng hằng ngày người Dao Đỏ gọi là Tầu Kháng, bức này được treo chung trên bàn thờ tổ tiên (bàn thờ có treo tranh gọi là bàn thờ tổ tông). Chỉ những gia đình với vai trò trưởng họ mới được treo tranh Tầu Kháng trên bàn thờ tổ tông. Trong quy định của người Dao tranh treo trên bàn thờ sẽ không có 3 hình vòng tròn xoáy ở phía trên. Ông Đặng Phụ Toòng, xã Thanh Long chia sẻ: Tranh mang đi sử dụng nghi lễ luôn có 3 vòng tròn xoáy ở phía trên, vòng tròn xoáy với ý nghĩa như ngựa để đưa tranh và các vị thần đi đến nơi thực hiện nghi lễ. Bức Tầu Kháng gồm có 72 hình, trên cao nhất là 5 vị: Nhụn Hùng (Ngọc Hoàng), Sếnh Chiu (Thánh Chủ), Duần Xỉ (Nguyên Thủy Thiên Tôn - Thượng Thanh), Lềnh Pu (Linh Bảo Thiên Tôn - Ngọc Thanh), Tồ Ta (Đạo Đức Thiên Tôn - Thái Thanh còn gọi là Thái Thượng Lão Quân); bên dưới vẽ 9 tầng người, tầng cuối cùng là hình ảnh Bàn Vương cùng tổ tiên và dòng họ.
Cộng đồng người Dao quy định nghiêm ngặt về thờ cúng, những gia đình không là trưởng họ, bàn thờ là một tấm ván kê cao ở góc phải của gian giữa, bàn thờ này không treo tranh. Bàn thờ trưởng họ được làm bằng gỗ trông như một ngôi nhà nhỏ, có mái, có 4 cột kéo dài đến nền nhà, ngôi nhà nhỏ có ô cửa chính bé để đốt hương vào ngày rằm, mùng 1 và các ngày lễ, tết; tranh thờ Tầu Kháng treo bên trong. Cách thắp hương của người Dao cũng khác biệt so với các dân tộc khác, bát hương luôn có tro và than. Khi đốt hương, họ sẽ bỏ than hồng vào bát hương cho một chút mẩu gỗ trầm nhỏ (hoặc gỗ pơ mu) đã phơi khô bỏ vào bát hương chứa than hồng, mẩu gỗ cháy âm ỉ tỏa khói nghi ngút, khói và hương lan tỏa khắp nhà. Do kiểu đốt hương như vậy bát hương của người Dao có tro và than, không có chân hương như các dân tộc khác.
Bên cạnh bức Tầu Kháng được thờ hằng ngày, tranh thờ đóng vai trò quan trọng trong nghi lễ của người Dao, nếu thiếu tranh thờ nghi lễ cấp sắc, cúng giải hạn, đám tang (dành cho những người đã được cấp sắc) không thể thực hiện. Trong nghi lễ cấp sắc, tranh thờ được treo để chứng tỏ sự hiện diện của các vị thần đến chứng kiến và công nhận nghi lễ.

Bộ tranh Hành Phây treo trong Lễ cấp sắc 3 đèn (lễ trưởng thành) của người Dao Đỏ.
Lễ cấp sắc của người Dao nói chung có các bậc như: 3 đèn, 7 đèn, 9 đèn, 12 đèn. Bậc 3 đèn (tiếng Dao là “quá tang”) là lễ công nhận trưởng thành cho đàn ông người Dao. Người đàn ông Dao mà chưa qua lễ trưởng thành (cấp sắc bậc 3 đèn) thì không được thắp hương và thực hiện các nghi lễ trước bàn thờ tổ tiên, tổ tông, khi già và chết đám ma tiến hành như đám ma trẻ con, đơn giản, không có thầy cúng đến hành tang... Từ bậc 7 đèn trở lên (tiếng Dao là tẩu sai - 12 đèn là bậc cao nhất) là lễ cấp sắc cho người thụ lễ được công nhận là thầy, qua nghi lễ 7 đèn người thụ lễ sẽ được thực hiện với vai trò chính trong các nghi lễ tâm linh của cộng đồng người Dao.
Trong lễ cấp sắc, cộng đồng người Dao sử dụng các bộ tranh Hành Phây, Tồm Toòng, tranh Xiền nghè, Xiền tào. Trong lễ cấp sắc ở bậc 3 đèn, cộng đồng người Dao treo bộ Hành Phây gồm 3 bức treo theo thứ tự: Hòi Phan, Chiệp Tỉn, Choòng tàn. Trong lễ tẩu sai (cấp sắc thứ bậc cao 7 đèn, 9 đèn, 12 đèn), bộ tranh Tồm Toòng được treo cạnh bàn thờ - nơi thực hiện nghi lễ. Tranh được treo theo thứ bậc của các vị thần (thần bậc cao xếp trước), lần lượt thứ tự như sau: Nhụn Hùng (Ngọc Hoàng), Sếnh Chiu (Thánh Chủ), Duần Xỉ (Nguyên Thủy Thiên Tôn - Thượng Thanh), Lềnh Pu (Linh Bảo Thiên Tôn - Ngọc Thanh), Tồ Ta (Đạo Đức Thiên Tôn - Thái Thanh còn gọi là Thái Thượng Lão Quân), Sặp Liển, Trang Thiên (Trang Thiên Sư), Lỷ Then (Lý Thiên Sư), Tấn Duần Xuấy (Pò Câu) - Thần sấm sét, Chiếu Duần Xuấy (Triệu Nguyên Sư), Hòi Phan (Hải bá), Thin Phâu (Thiên phủ), Tẩy phâu (Địa phủ), Giàng Kên (Dương phủ) và Sui Phân (Thủy phủ), Trò Tàn, Chòng Tàn (Chung Bản), Chiệp Tỉn.
Tranh treo trong lễ cấp sắc như sự hiện diện của các vị thần chứng kiến các hoạt động của nghi lễ. Trong tín ngưỡng của người Dao, những người cấp sắc tẩu sai (bậc 7 đèn, 9 đèn, 12 đèn tùy theo dòng họ) khi chết linh hồn sẽ về cõi của Thái Thượng Lão Quân (Tồ Ta), được phong làm quan, đo đó tranh treo trong nghi lễ để các thần hiện diện và công nhận sự thành công của nghi lễ và cũng là nghi thức điểm mặt những người thụ lễ với các vị thần. Mỗi lần thực hiện nghi lễ thầy và người thụ lễ đều tuân thủ nghi thức cổ xưa, đảm bảo việc cấp sắc và các nghi lễ khác diễn ra thuận lợi, thành công.
Tranh Xiền nghè sử dụng trong lễ cấp sắc, được thể hiện như mũ có màu vàng, trên đó là hình chân dung các vị thần (Nhụn Hùng, Sếnh Chiu, Duần Xỉ, Lềnh Pu, Tồ Ta, Then Dùn Xuấy, Hòi Phan), các thầy và người thụ lễ đội lên đầu khi thực hành nghi lễ dâng hương trình diện Ngọc Hoàng và các vị thần trong lễ cấp sắc 12 đèn (tẩu sai). Tranh Xiền tào có kích thước 28 cm x 30 cm, mỗi bức là chân dung một vị thần (Tồ Ta, Duần Xỉ, Hành Phây), có kích thước như khổ giấy A4, các thầy gắn lên đầu trong một số nghi lễ trong lễ cấp sắc (bậc 3 đèn - 12 đèn).

Bộ tranh Tồm Toòng sử dụng trong lễ Tẩu Sai (cấp sắc ở các bậc và đèn, 9 đèn, 12 đèn).
Trong đám tang của những người được cấp sắc ở bậc 3 đèn, bộ Hành Phây sẽ được treo trong suốt quá trình hành tang, Bộ Tồm Toòng được treo cho đám tang của những người được cấp sắc các bậc 7 đèn, 9 đèn, 12 đèn. Khi chuẩn bị di quan đi hạ huyệt thì bức Tồm Kiều sẽ được treo từ trong nhà (phía trên quan tài) kéo dài ra đến cửa. Theo tiếng Hán “Kiều” tức là cầu, bức Tồm Kiều được treo trong lúc chuẩn bị di quan với ý nghĩa bắc cầu để đưa linh hồn người chết về cõi thần tiên. Bức Tồm Kiều chỉ được treo trong đám tang của những người được cấp sắc. Người chết chưa qua lễ cấp sắc không treo tranh Tồm Kiều. Tồm Kiều không xuất hiện trong các nghi lễ khác của người Dao.
Tranh thờ được cất giữ cẩn thận và được coi là báu vật trong mỗi gia đình người Dao. Tranh được cuộn tròn cất trong ống tre (hoặc cây mai) bịt kín rồi cuộn trong một tấm vải (dạng như tạp dề có đinh hai dây), bọc kỹ, khi đi hành lễ người thầy đeo bộ tranh lên vai, đến nơi hành lễ treo bọc tranh trên cây gậy tầm xích (gậy được cấp trong lễ cấp sắc) dựng trước bàn thờ nơi thực hiện nghi lễ. Đến giờ tiến hành nghi lễ bắt đầu thủ tục treo tranh, khi kết thúc nghi lễ tranh được hạ xuống cuốn tròn rồi đưa vào ống tre, cuộn kỹ trong tấm vải. Kết thúc nghi lễ ra về bộ tranh được khoác trên vai người thầy trở về nhà không rẽ vào nhà người khác, đến nhà bộ tranh được treo dưới bàn thờ, người thầy thắp hương khấn trước bàn thờ việc mình đã thực hiện xong nghi lễ mời các vị thần chủ trong tranh và tổ tiên về ngụ tại gia, tạ ơn các vị thần và âm binh đã phù trợ trong quá trình nghi lễ. Sau đó bộ tranh được đưa vào chiếc hòm bằng cật cây họ tre (trúc, mai, vầu…) treo dưới bàn thờ.
Với người Dao, bộ tranh thờ như một “lá bùa hộ mệnh” cho gia đình, dòng họ và giúp họ có thể kết nối với thế giới siêu nhiên (khi làm lễ) cũng như phản ánh ước nguyện về cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Trong và ngoài thời điểm của các nghi lễ cấp sắc, đám tang, ứng xử của những người thầy cúng và người sở hữu tranh thờ, học công vẽ tranh thờ luôn tuân thủ các nguyên tắc phong tục; họ tỉ mỉ, cẩn trọng, thực hiện các kiêng kị theo truyền thống... Tất cả những điều này cho thấy có sự tôn kính đặc biệt của người Dao đối với tranh thờ và điều đó cũng thể hiện tính thiêng của tranh thờ trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tranh-tho-trong-van-hoa-tin-nguong-cua-nguoi-dao-3178853.html