Tránh tình trạng tinh giản, sáp nhập mang tính cơ học

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương sáng suốt, kịp thời của Đảng; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm hiện nay là chất lượng của việc tinh gọn bộ máy, tránh tình trạng tinh giản cơ học, chỉ giảm về số lượng, mà chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW - chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Ảnh: ST

Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW - chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Ảnh: ST

Thời cơ vàng để tinh gọn bộ máy

Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước đang được triển khai thực hiện là rất cần thiết, cấp thiết. Người dân rất hoan nghênh, gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào cuộc “cách mạng” này.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 13/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Tham gia thảo luận tại Tổ 1 (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước được nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình, ủng hộ, tổ chức triển khai rất nhanh, rất tốt, cho thấy đây là chủ trương rất đúng. "Tôi cho rằng đây là điều người dân mong đợi lâu rồi. Với việc tinh gọn tổ chức bộ máy này, tiết kiệm tiền chỉ là một phần thôi, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, đưa đất nước phát triển lên. Đây là điều mong mỏi nhất" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Phải xác định rõ đúng chức năng, nhiệm vụ và có hiệu quả. Muốn làm tốt điều đó, trước tiên phải có mô hình tổ chức bộ máy, tiếp đó phải có hệ thống quy định pháp lý, pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm

“Khi sắp xếp, có đồng chí nói để sau đại hội, nhiệm kỳ mới sẽ làm, chứ làm thì va chạm lắm. Sắp xếp lại thì bộ này, bộ kia, nhiều tâm lý lắm, không làm được. Tôi bảo, để đại hội sau càng không làm được, vừa đại hội xong, vừa bầu, vừa biểu quyết thì ai làm khác được, rất khó khăn. Vì vậy, đây là thời cơ vàng để tinh gọn bộ máy...” - Tổng Bí thư nhấn mạnh; đồng thời chia sẻ: Trong quá trình này, chúng tôi cũng nghiên cứu rất kỹ, từ lịch sử, hệ thống, kinh nghiệm các nước, các nước đều phải tính đến hiệu quả điều hành. Sự hài lòng của người dân phải được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí đánh giá hiệu năng, hiệu quả của bộ máy nhà nước, Chính phủ, chính quyền.

Tổng Bí thư Tô Lâm tham gia thảo luận tại Tổ 1 (Hà Nội), ngày 13/2. Ảnh: ST

Tổng Bí thư Tô Lâm tham gia thảo luận tại Tổ 1 (Hà Nội), ngày 13/2. Ảnh: ST

Thảo luận tổ, sáng 13/2, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Theo đó, sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng phải tiến hành tổng rà soát, đánh giá xem bộ máy mới vận hành thông suốt chưa; tiếp tục nghiên cứu bộ máy bên trong chứ không phải đến đây là thôi.

Theo ông Hưng, một loạt các yêu cầu phải rà soát hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ cán bộ như thế nào phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính thế nào, nghiên cứu nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ...

“Bước đi vừa rồi mới là bước đi đầu tiên, nhiệm vụ rất nhiều trong năm nay và sau Đại hội Đảng để trong thời gian nhanh nhất hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới” - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác cán bộ

Thời gian qua, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, xóa bỏ các tổng cục, các cấp tầng nấc trung gian ở các Bộ, ngành... Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm hiện nay là chất lượng của việc tinh gọn bộ máy, tránh tình trạng tinh giản cơ học, chỉ giảm về số lượng, mà chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và chỉ định Bí thư, các Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Báo Nhân Dân

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và chỉ định Bí thư, các Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Báo Nhân Dân

Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả cao nhất, nhằm xây dựng hệ thống chính trị "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những yếu tố không thể thiếu là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Nếu không phân cấp hiệu quả, triệt để, thì dù bộ máy có tinh giản đến đâu cũng không phát huy tác dụng.

Để bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, linh hoạt, không gián đoạn sau sắp xếp, tinh gọn, yếu tố đặc biệt quan trọng là nhân tố con người. Bộ máy mới, cần tư duy mới và đội ngũ cán bộ có năng lực và tài năng. Do đó, trong công tác sắp xếp, bố trí nhân sự, các cấp, các ngành cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác cán bộ theo hướng “vì việc tìm người”, “luận công ban thưởng”, “luận công bổ nhiệm”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, cần phải thiết kế bộ máy theo hướng khoa học, tính toán chính xác chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Trên cơ sở thiết kế bộ máy, phải bố trí đúng người, đúng việc, phải đánh giá xem ai vào vị trí nào phù hợp với vị trí đó và phát huy tốt được vị thế đó. Một trong những vấn đề mấu chốt khi tinh gọn bộ máy là phải tìm được người tài để vận hành hệ thống. Bởi, nếu lựa chọn được cán bộ có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn thì họ sẽ có những quyết sách đúng và trúng, góp phần đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.

Đặc biệt, để thực sự tạo ra những cú hích trong “cuộc cách mạng” về tinh gọn bộ máy, tránh tình trạng “giảm chỗ nọ phình chỗ kia”, rất cần sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Để có bộ máy gọn nhưng tinh, cần vượt qua rào cản, cũng là khuyết điểm hiện nay là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, vì lợi ích riêng của ngành, địa phương. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là đưa một số tỷ lệ nhất định ra khỏi đội ngũ, mà còn là việc thu hút những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào trong các cơ quan, tổ chức… qua đó đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ./.

LÊ HÒA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tranh-tinh-trang-tinh-gian-sap-nhap-mang-tinh-co-hoc-38196.html