Trao cơ hội, tạo thử thách

PTĐT - Để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng,...

Bí thư Đảng ủy xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn (bên trái) thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết các vấn đề ngay tại cơ sở.

Bí thư Đảng ủy xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn (bên trái) thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết các vấn đề ngay tại cơ sở.

PTĐT - Để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện các tiêu chí cán bộ cấp cơ sở để tạo nguồn, quy hoạch cán bộ trẻ và mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ dưới 40 tuổi về cơ sở giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, qua đó trao cơ hội cho đội ngũ cán bộ trẻ thể hiện trình độ năng lực của mình trong lãnh đạo, điều hành các hoạt động từ cơ sở.
Được thành lập mới trên cơ sở tách ra từ huyện Thanh Sơn, khi mới thành lập, Tân Sơn không chỉ khó khăn về điều kiện kinh tế mà còn “nghèo” cả về đội ngũ cán bộ. Huyện nghèo, xác định muốn bứt phá vươn lên, nguồn nhân lực là nhiệm vụ cốt yếu, tuy nhiên đội ngũ cán bộ xã lúc bấy giờ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế về kiến thức, năng lực chỉ đạo, điều hành, thậm chí bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán địa phương. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức mới chỉ dừng lại ở trình độ “cầm tay chỉ việc”. Nhiều cán bộ, công chức chuyên môn nghiệp vụ không đúng chuyên ngành nên chưa am hiểu nhiều về lĩnh vực chuyên môn. Nhận xét về đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, ông Vũ Tiến Bắc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Sơn cho biết: Giai đoạn đầu mới thành lập huyện, đội ngũ cán bộ cơ sở của huyện còn chưa cập chuẩn, lại có tuổi, nhiều đồng chí cán bộ nợ tiêu chí, sau đó đi học để hoàn thiện dần. Chính vì sự hạn chế về trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở nên một số chương trình, dự án, kế hoạch trên tỉnh, huyện đưa về xã nhưng CBCC xã không đủ kiến thức để thẩm định, giám sát, đánh giá đã làm chậm quá trình triển khai thực hiện.
Để khắc phục hạn chế về kiến thức và trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, những năm qua, huyện Tân Sơn đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là khâu đột phá để giảm nghèo, mở nhiều lớp văn hóa, chuyên môn lý luận, tạo điều kiện cho cán bộ cấp cơ sở nâng cao trình độ. Qua đó, nhiều cán bộ trẻ hơn 30 tuổi ở các xã đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc sinh sống sau khi hoàn thiện các tiêu chí về trình độ cộng với sự năng động, sáng tạo trong công việc được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm bầu giữ các chức danh chủ chốt như đồng chí Hà Đức Minh - Chủ tịch xã Xuân Sơn, Hà Thanh Giáp - Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn. Đồng chí Lê Thảo - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tân Sơn cho biết: Sau khi bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ cấp cơ sở, nhiều cán bộ trưởng thành được tín nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Hiện Tân Sơn có gần 30 đồng chí cán bộ chủ chốt cấp xã trưởng thành từ cơ sở có tuổi đời từ 40 tuổi trở xuống. Sinh năm 1982 tại vùng rốn lũ xã Yên Lãng- xã đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn, sau khi học xong chuyên ngành kế toán ngân sách xã tại Trường Trung học kinh tế và kỹ nghệ thực hành Phú Thọ, từ năm 2005-2009, anh Đinh Văn Tình về làm cán bộ công chức tư pháp hộ tịch kiêm nhiệm thủ quỹ ngân sách xã, kế toán ban phát triển xã Yên Lãng. Tuổi trẻ năng nổ, nhiệt tình với công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mặc dù tranh thủ vừa đi làm vừa đi học để hoàn thiện các tiêu chuẩn CCVC. Năm 2009, anh được bầu vào BCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND xã. Tháng 8/2011, khi 29 tuổi, anh được bổ nhiệm vào chức danh Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã. Đến tháng 11/2019 được bầu Bí thư Đảng ủy xã. Lãnh đạo một xã nghèo khi tuổi đời còn trẻ, mới đầu anh Tình cũng có nhiều bỡ ngỡ nhưng nhờ lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm, anh Tình đã phát huy tinh thần đoàn kết của tập thể Đảng bộ xã, mọi công việc đều bàn bạc công khai, dân chủ, luôn cầu thị, tranh thủ ý kiến của người đi trước, bám nắm thực tiễn, giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở để mọi công việc được thông từ dưới lên trên, xóa bỏ được rào cản trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chung tay xây dựng quê hương. Sau gần 10 năm làm Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã, diện mạo nông thôn xã Yên Lãng đã thay đổi, người dân mỗi khi đi qua cây cầu Bến Bụt, Trạm bơm Nậm Tàng, nhìn cơ sở hạ tầng trường học, trụ sở xã, trạm y tế, các tuyến đường nhựa, đường bê tông… đều nhắc nhở nhau về công lao đóng góp của Đinh Văn Tình.

Đồng chí Hà Thanh Giáp Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn (đứng giữa) cùng Phó Chủ tịch UBND xã Hà Minh Hoạt thăm mô hình nuôi dê của người dân trong xã để có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Hà Thanh Giáp Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn (đứng giữa) cùng Phó Chủ tịch UBND xã Hà Minh Hoạt thăm mô hình nuôi dê của người dân trong xã để có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Không chỉ nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn cán bộ trẻ; bổ nhiệm, luân chuyển các vị trí cán bộ quản lý từ huyện về cơ sở. Ông Vũ Tiến Bắc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Sơn cho biết thêm: Xác định công tác cán bộ là khâu đột phá trong xóa đói giảm nghèo, Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ diện BTV Huyện ủy quản lý tăng cường xuống cơ sở. Nhiều đồng chí sau thời gian tăng cường về cơ sở đã khắc phục được tư tưởng cục bộ, khép kín, phát huy được chuyên môn, năng lực sở trường, tạo dựng được lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân thông qua việc được tín nhiệm với số phiếu tuyệt đối trong đợt tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua. Theo số liệu của Ban Tổ chức Huyện ủy Tân Sơn, từ năm 2015- 2020, huyện điều động luân chuyển 9 cán bộ về cơ sở giữ các chức vụ chủ chốt trong đó năm 2020 điều động 5 đồng chí (có 4 đồng chí dưới 40 tuổi) về làm Bí thư Đảng ủy xã Đồng Sơn, Xuân Sơn; Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Phú. Thạch Kiệt, Vinh Tiền. Việc điều động, tăng cường các đồng chí trưởng, phó các ban ngành ở huyện xuống cơ sở vừa là trao cho cán bộ trẻ cơ hội cũng là tạo thử thách để họ rèn luyện, cống hiến.Cũng giống như Tân Sơn, thành phố Việt Trì nhiều năm qua đã làm tốt công tác điều động luân chuyển cán bộ các phòng, ban, ngành về cơ sở. Theo số liệu của Phòng Nội vụ, hiện thành phố có 22 xã, phường thì có tới 19 xã, phường có cán bộ thành phố tăng cường về giữ các chức danh chủ chốt trong đó có nhiều cán bộ trẻ dưới 40 tuổi giữ các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường như đồng chí Lê Huy Hà sinh năm 1983 Bí thư Đảng ủy, phường Gia Cẩm, đồng chí Đỗ Trung Kiên sinh năm 1984 - Chủ tịch UBND phường Gia Cẩm; đồng chí Phan Quốc Khánh sinh năm 1982 - Chủ tịch UBND phường Bến Gót; đồng chí Nguyễn Hoàng Nam sinh năm 1982- Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu; đồng chí Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1984 - Chủ tịch UBND phường Tiên Cát… Nhiều cán bộ khi về tăng cường tại cơ sở đã phát huy được vai trò của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, làm thay đổi diện mạo xã, phường.Có thể khẳng định, việc nâng cao trình độ, bổ nhiệm cán bộ trẻ ngay tại cơ sở; luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ trẻ từ các phòng, ban của huyện, thành phố, thị xã tăng cường cho cơ sở đã tạo cơ hội để cán bộ trẻ cọ sát cơ sở, phát huy được năng lực, sở trường trình độ, sức trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm góp phần tạo chuyển biến nhiều mặt công tác ở cơ sở góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra.

Chi Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202009/trao-co-hoi-tao-thu-thach-173132