Trao sinh kế, xóa nạn trẻ em xin tiền du khách

Cần trao sinh kế nhằm xóa nạn trẻ em xin tiền du khách, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của du lịch, cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng.

Thực trạng nhức nhối

Mấy ngày qua, cộng đồng mạng xã hội đã xôn xao về clip một số trẻ em ở Sa Pa, Lào Cai mặc trang phục dân tộc thiểu số, nhảy múa bắt chước trào lưu để xin tiền tại khu vực trung tâm Sa Pa. Việc xuất hiện hình ảnh này được cho là do lợi dụng lượng du khách tăng cao vào dịp Tết, nhiều đối tượng dụ dỗ trẻ em ra đường nhảy múa xin tiền.

Hình ảnh trẻ em nhảy nhót xin tiền ở Sa Pa. Ảnh từ clip

Hình ảnh trẻ em nhảy nhót xin tiền ở Sa Pa. Ảnh từ clip

Không chỉ ở Sa Pa, mới đây, mạng xã hội chia sẻ cũng đã hình ảnh tấm biển khuyến cáo đặt tại khu vực sông Nho Quế (xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) với nội dung: "Đề nghị quý khách không cho người già, trẻ em và phụ nữ bánh kẹo, nước uống, tiền... Nếu quý khách cho bánh kẹo, nước uống, tiền..., sẽ góp phần làm trẻ em bỏ học, người lớn không lao động sản xuất, làm xấu hình ảnh du lịch”.

Được biết, tấm biển được thực hiện 2 năm trước nhằm nhằm khuyến cáo, thuyết phục người dân, khách du lịch không cho trẻ em, phụ nữ, người già tiền bạc hay bánh kẹo vì những hành động này có thể khiến trẻ em bỏ học, bám trụ tại đây để kiếm tiền, thầy giáo phải xuống tận nơi tìm học sinh, còn người lớn lười lao động.

Tình trạng trẻ em bán hàng kiếm tiền hay nhảy múa xin tiền du khách là góc buồn tại các điểm du lịch nổi tiếng, khiến dư luận hết sức lo ngại. Nguyên nhân đã được nhận diện rõ, là do một phần đến từ chính du khách xuất phát từ lòng trắc ẩn, vì muốn giúp đỡ mà cho tiền, nhưng vô tình lại tạo ra một thói quen xấu, khiến trẻ em coi việc xin tiền là hiển nhiên và dần xa rời trường lớp. Bên cạnh đó, một số gia đình, phụ huynh vùng cao do đời sống khó khăn, có tâm lý dựa dẫm đã biến con mình thành công cụ ra đường kiếm tiền thay vì cho các em đến trường.

Thực tế này đã làm ảnh hưởng không ít đến hình ảnh du lịch trong mắt du khách trong thời gian qua. Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á, những hình ảnh trẻ nhỏ chèo kéo bán hàng, xin tiền sẽ làm cho hình ảnh của điểm đến du lịch, nhất là các điểm đến du lịch nổi tiếng trở nên kém hấp dẫn trong mắt du khách.

Không chỉ vậy, hệ lụy của vấn nạn này là sẽ tác động sâu sắc đến tương lai của chính trẻ em vùng cao. Thậm chí, nếu tình trạng này kéo dài, không ngăn chặn triệt để sẽ khiến cho thế hệ tương lai của các vùng cao đối diện với nguy cơ tụt hậu, không có kiến thức, không có nghề nghiệp ổn định.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - bày tỏ, khi một đứa trẻ quen với việc nhận tiền dễ dàng từ khách du lịch, việc đến trường dường như trở thành thứ yếu, bởi các em nhìn thấy trước mắt một cách kiếm sống nhanh chóng mà không cần học hành. “Điều này vô tình tạo ra một vòng luẩn quẩn của nghèo đói và thiếu tri thức, khi trẻ em không được tiếp cận đầy đủ với giáo dục, cơ hội thay đổi cuộc sống cũng trở nên mong manh hơn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Cần những giải pháp căn cơ và dài hạn

Ngay sau phản ứng của dư luận về hình ảnh trẻ em nhảy múa xin tiền, UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo UBND phường Sa Pa triển khai phương án ngăn chặn việc trẻ em bị dẫn dụ nhảy những động tác bắt chước người lớn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm, không đẩy con cái ra đường kiếm tiền.

Tại Hà Giang, chính quyền xã Giàng Chu Phìn cùng trường học cũng thường xuyên vận động trẻ em không được bỏ học, không ra đường xin tiền, xin quà bánh của khách du lịch. Đồng thời, thông qua các cuộc họp thôn, chính quyền xã quán triệt người dân tập trung đi làm, không đẩy con em ra đường xin tiền của khách du lịch, động viên các cháu đi học đầy đủ.

Cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của bà con vùng cao về việc cho trẻ đến trường. Ảnh: Minh Sơn

Cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của bà con vùng cao về việc cho trẻ đến trường. Ảnh: Minh Sơn

Quyết tâm của chính quyền Sa Pa, Hà Giang trong việc xử lý tình trạng trẻ em xin tiền du khách được đánh giá là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện trách nhiệm của địa phương đối với sự phát triển bền vững của du lịch và tương lai của thế hệ trẻ vùng cao.

Ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, việc chính quyền Sa Pa và Hà Giang tăng cường xử lý là một bước đi tích cực. Điều này cho thấy sự quan tâm của chính quyền đối với vấn đề này và quyết tâm bảo vệ hình ảnh du lịch cũng như quyền lợi của trẻ em.

Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc chính quyền vào cuộc không chỉ đơn thuần là một động thái quản lý mà còn phản ánh sự nhận thức rõ ràng về tác động tiêu cực của vấn nạn này đối với hình ảnh điểm đến, môi trường du lịch cũng như sự phát triển lâu dài của cộng đồng địa phương.

Nếu chính quyền kiên trì với định hướng này, kết hợp với sự đồng lòng của người dân và du khách, Sa Pa, Hà Giang sẽ trở thành hình mẫu về một điểm đến phát triển bền vững, nơi du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính người dân địa phương”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Tuy nhiên, việc thuyết phục người dân về việc không dùng trẻ em đi kếm tiền vẫn hết sức gian nan. Như tại Sa Pa, các gia đình đều ký cam kết không để con em nghỉ học đi bán hàng, nhưng vào cuối tuần, khi trẻ về nhà, công tác quản lý đối với chính quyền trở nên khó khăn.

Do vậy, về dài hạn, để giải quyết triệt để, ngăn tái diễn tình trạng trẻ em vùng cao xin tiền du khách, các địa phương không thể chỉ dừng lại ở việc xử lý bề mặt mà cần đi sâu vào gốc rễ của vấn đề - đó chính là đời sống kinh tế khó khăn và nhận thức chưa đầy đủ của nhiều hộ gia đình về tương lai của con em mình.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để tạo ra sự thay đổi bền vững, điều quan trọng nhất là giúp các hộ gia đình có sinh kế ổn định. Chính quyền cần triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của từng địa phương, như hướng dẫn bà con trồng các loại cây đặc sản, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đào tạo nghề thủ công truyền thống và kết nối với thị trường tiêu thụ. Khi cha mẹ có thu nhập tốt hơn, họ sẽ không còn bị áp lực phải để con mình ra đường xin tiền nữa.

Bên cạnh đó, giáo dục được cho trẻ em sẽ vẫn là "chìa khóa" quan trọng nhất, đồng thời làm sao thay đổi nhận thức của chính các bậc phụ huynh vùng cao về việc cho trẻ đến trường. Theo đó, ông Phạm Hải Quỳnh ý kiến, chính quyền bên cạnh cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính và sinh kế cho các hộ gia đình nghèo để họ không phải dựa vào việc cho trẻ em xin tiền du khách, cần đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của giáo dục và tầm quan trọng của việc để trẻ em đi học…

Hy vọng rằng, như PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong muốn, đó là khi những đứa trẻ hôm nay được học hành, có kiến thức và kỹ năng, chính các em sẽ là những người gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa quê hương, biến những vùng đất như Sa Pa, Hà Giang không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn, mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững và sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng!

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Nếu các địa phương có chiến lược đồng bộ, vừa hỗ trợ sinh kế, vừa nâng cao nhận thức và đầu tư vào giáo dục, không chỉ chấm dứt tình trạng trẻ em xin tiền du khách mà còn mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ vùng cao.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trao-sinh-ke-xoa-nan-tre-em-xin-tien-du-khach-374372.html