Trẻ bị bỏ quên trên xe: Cần có quy chuẩn kỹ thuật xe đưa đón học sinh để tránh sự việc đau lòng

Hiện nay, mặc dù chưa có quy định đối với xe đưa đón học sinh nhưng nhiều trường học đã học tập kinh nghiệm các nước Âu, Mỹ áp dụng biện pháp kỹ thuật để tránh xảy ra sự việc đau lòng.

Dịch vụ đưa trẻ đến trường đang phát triển mạnh. Nhiều phụ huynh học sinh không có thời gian để đưa trẻ đến trường nên bắt buộc phải sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh.

Tuy nhiên, sau nhiều vụ để quên trẻ trên xe nên phụ huynh hết sức lo lắng. Nhiều người đặt ra câu hỏi, nếu chỉ phụ thuộc vào ý thức của người lái xe và người đưa đón trẻ sẽ rất rủi ro khi thực tế mỗi khi xảy ra sự chủ quan, sao nhãng công việc sẽ dẫn tới hậu quả đau lòng.

 Cần sớm áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật xe đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn cho các em (ảnh nguồn internet).

Cần sớm áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật xe đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn cho các em (ảnh nguồn internet).

Đơn cử các vụ việc xảy ra tháng 8/2019, cái chết của bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe của trường Gateway (Hà Nội) khiến trẻ tử vong.

Sau đó chưa đến một tháng (9/2019) một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học ở Bắc Ninh, nhưng rất may cháu bé được cứu sống.

Và mới đây nhất, ngày 29/5/2024, một cháu bé học tại Trường Mầm non Hồng Nhung 2 tại xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.

Trước những vụ việc đau lòng trên, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã tìm hiểu về quy trình đưa đón xe ở những ngôi trường có số lượng học sinh lên đến hàng nghìn em, đâu là bí quyết để không để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Điều bất ngờ, tại các trường học này họ đã có quy trình và các biện pháp kỹ thuật để buộc tài xế, người đưa đón trẻ kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đóng cửa xe, tắt máy.

Cụ thể, theo thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội), trường Marie Curie là trường đầu tiên hợp tác với Công ty xe bus Hà Nội để thực hiện việc đưa đón học sinh bằng xe bus. Sáng xe tới đón các em tới trường, chiều đưa các em về nhà.

Khi mới thành lập trường, nhà trường chỉ có 6 xe, mỗi xe chở được 40 học trò. Đến nay, sau hơn 30 năm phát triển, trường Marie Curie đã có 170 xe chia làm 3 hệ thống đưa đón học trò các bậc học: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Lý do phải chia ra thành hệ thống bởi mỗi bậc học có đặc thù riêng, đặc biệt học sinh tiểu học các em còn rất nhỏ, mới chỉ 6 đến 7 tuổi.

Thầy Khang thông tin, năm 2019 sau khi xảy ra vụ việc tại Trường Gateway để quên trẻ trên xe buýt, trường Marie Curie đã có bổ sung thêm trang thiết bị cho xe bus nhằm đảm bảo tuyệt đối cho học sinh, không để xảy ra tình trạng quên học sinh trên xe. Đó chính là chính là còi an toàn.

Cụ thể, “còi an toàn” trên xe được vận hành bằng cách khi đưa học sinh đến trường (buổi sáng) hay trả học sinh về nhà (cuối chiều), xe trở về bãi đỗ, lái xe bật khóa điện để tắt máy thì lập tức còi trong xe tự động kêu.

Muốn tắt còi đó, lái xe phải đi về cuối xe ở phía trong xe mới có công tắc. Chính yêu cầu lái xe đi về phía cuối xe nên việc quan sát không để sót học sinh là việc đương nhiên.

Trường Marie Curie đã áp dụng giải pháp này từ năm 2019. Mỗi xe chỉ mất không đến 1 triệu đồng để trang bị và đã cho thấy hiệu quả rõ. Cách làm này, trường Marie Curie đã học kinh nghiệm của các nước phát triển là Mỹ và Canada.

Thầy Khang cũng thông tin thêm, ngoài việc trang bị “còi an toàn” trên xe bus, mỗi năm học, học sinh Marie Curie được tập huấn thoát hiểm với 4 cách gồm: Tự mở cửa xe bus (người ngoài không mở được nhưng ở trong xe thì mở được;

Bấm còi và bật đèn xe bus (tuy xe tắt máy nhưng vẫn dùng được còi và đèn; Gọi điện thoại cho giáo viên hoặc bố mẹ (nếu học sinh có điện thoại); Phá cửa kính (trong xe có búa để ở vị trí quy định, dễ thấy).

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nhiều trường học tại Hà Nội cũng đã áp dụng biện pháp này. Thậm chí, nhiều nơi còn lắm camera giám sát học sinh trên xe để tránh sự việc đau lòng xảy ra.

Cần thiết có quy chuẩn quốc gia về xe đưa đón học sinh

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia phương tiện giao thông đường bộ - ô tô, phân loại theo mục đích sử dụng".

Dự thảo quy định có loại hình ô tô chở học sinh là xe chở người chuyên dùng được thiết kế chỉ để đưa, đón học sinh. Theo đó, xe phải được sơn màu vàng đậm và phải có dòng chữ "ô tô chở học sinh" mặt trước và mặt sau xe.

Ngoài ghế của học sinh và ghế của người lái, trên xe phải có tối thiểu 1 chỗ ngồi dành cho người quản lý học sinh (là người trưởng thành). Tổng số người cho phép chở kể cả người lái không vượt quá 45 người. Trường hợp xe được thiết kế chỉ dành cho học sinh tiểu học, mẫu giáo thì số người cho phép chở kể cả người lái không vượt quá 56 người.

Xe chở học sinh phải được trang bị bộ sơ cứu phù hợp để sơ cấp cứu trẻ em; Thiết bị cắt dây đai ở khu vực người lái đối với các xe có trang bị dây đai an toàn cho hành khách; Đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi mở cửa lên xuống; Thiết bị cảnh báo nếu cửa lên xuống hoặc cửa thoát hiểm (nếu có) chưa đóng khi xe bắt đầu di chuyển.

Việc Bộ Giao thông Vận tải trong dự thảo có quy định về quy chuẩn kỹ thuật đối với xe đưa đón học sinh là điều hết sức cần thiết. Đây được xem là cách bảo vệ hữu hiệu nhất đối với trẻ em.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tre-bi-bo-quen-tren-xe-can-co-quy-chuan-ky-thuat-xe-dua-don-hoc-sinh-de-tranh-su-viec-dau-long-post297575.html