Trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe

Luật Trật tự An toàn giao thông (ATGT) đường bộ quy định trẻ em không được ngồi hàng ghế trước và phải ngồi ghế ngồi ô tô trẻ em. Quy định được đưa ra nhằm giảm thiểu rủi ro khi xảy ra tai nạn, bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ đáng tiếc.

Từ ngày 1/1/2026, trẻ em đi xe ô tô không được ngồi cùng hàng ghế với người lái, trừ ô tô chỉ có một hàng ghế. (Ảnh: Joie Baby Việt Nam)

Từ ngày 1/1/2026, trẻ em đi xe ô tô không được ngồi cùng hàng ghế với người lái, trừ ô tô chỉ có một hàng ghế. (Ảnh: Joie Baby Việt Nam)

Trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước

Luật Trật tự ATGT Đường bộ quy định từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi và có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái, trừ ô tô chỉ có một hàng ghế; người điều khiển xe có trách nhiệm sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ.

Túi khí là thiết bị an toàn giúp bảo vệ người lớn và thanh thiếu niên khi xảy ra va chạm. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có thể bị chấn thương nếu ngồi ở ghế trước khi túi khí bung ra.

Ngay cả trong các vụ va chạm ở tốc độ thấp, túi khí vẫn có thể bung ra và tác động vào trẻ đang ngồi ở ghế trước (bao gồm cả trẻ sơ sinh ngồi tư thế quay về phía sau trong ghế ngồi ô tô trẻ em), gây tổn thương cho trẻ. Chưa hết, trẻ em ngồi ghế cạnh tài xế có thể khiến người lái bị sao nhãng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Do đó, việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định mới là cần thiết để bảo vệ an toàn cho con trẻ. Người điều khiển ô tô chở trẻ em ngồi hàng ghế trước hoặc không trang bị thiết bị an toàn theo quy định có thể bị xử phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng.

Việc ngồi hàng ghế sau giảm tới 60% nguy cơ thương tích

Ghế ngồi ô tô trẻ em là thiết bị bảo vệ an toàn cho trẻ khi di chuyển bằng ô tô. (Ảnh: Joie Baby Việt Nam)

Ghế ngồi ô tô trẻ em là thiết bị bảo vệ an toàn cho trẻ khi di chuyển bằng ô tô. (Ảnh: Joie Baby Việt Nam)

Theo các chuyên gia, việc cho trẻ ngồi ở hàng ghế sau khi đi ô tô có thể giảm tới 60% nguy cơ thương tích và tử vong. Một nghiên cứu trên tạp chí Pediatrics chỉ ra rằng, với trẻ sơ sinh đến 3 tuổi, nếu ghế ngồi ô tô được lắp đặt đúng cách và đặt ở ghế giữa hàng ghế sau, mức độ an toàn cao hơn 43% so với hai bên.

"Ghế ngồi ô tô trẻ em có vai trò quan trọng tương tự dây an toàn đối với người lớn. Sử dụng đúng cách có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong từ 34% - 81%, giảm các chấn thương nghiêm trọng từ 35% - 72%, và giảm nguy cơ chấn thương khác từ 25% - 58% trong các vụ tai nạn giao thông", một chuyên gia từng cho biết.

Bảo vệ trẻ em an toàn khi di chuyển bằng ô tô

Lắp đặt, sử dụng ghế ô tô đúng cách là yếu tố quan trọng để bảo vệ an toàn cho bé. (Ảnh: Joie Baby Việt Nam)

Lắp đặt, sử dụng ghế ô tô đúng cách là yếu tố quan trọng để bảo vệ an toàn cho bé. (Ảnh: Joie Baby Việt Nam)

Ghế giữa hàng ghế sau là vị trí an toàn cho ghế ô tô trẻ em, nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp do hạn chế về kích thước, thiếu dây an toàn hoặc không có điểm ISOFIX. Vì vậy, nếu không thể lắp ghế chắc chắn và đúng cách, vị trí này không còn là lựa chọn an toàn tối ưu. Điều quan trọng nhất là lắp ghế đúng cách, chứ không chỉ đơn thuần đặt ở trung tâm.

Ba mẹ nên ưu tiên đặt ghế ô tô cho bé ở phía sau ghế hành khách, vì đây là vị trí ít chịu tác động va chạm và thuận tiện khi bế trẻ ra vào xe. Ngoài ra, vị trí này thường nằm sát vỉa hè, tránh dòng xe đang lưu thông.

Một lựa chọn khác là đặt ghế sau ghế lái. Mặc dù vẫn đảm bảo an toàn, nhưng vị trí này có rủi ro cao hơn so với phía sau ghế hành khách, do nằm ở bên thường xuyên có va chạm.

Nếu bắt buộc phải đặt bé ở ghế phía trước, ba mẹ cần tắt túi khí và đẩy ghế lùi tối đa để trẻ ngồi cách xa bảng điều khiển nhất có thể.

Lắp đặt, sử dụng ghế ô tô đúng cách là yếu tố quan trọng để bảo vệ an toàn cho bé. Cha mẹ cần cố định ghế chắc chắn, tránh cho trẻ mặc quần áo quá dày khiến dây đai không ôm sát cơ thể.

Nếu bé quấy khóc hay cha mẹ không an tâm khi để con ngồi phía sau, một số biện pháp có thể giúp hành trình của gia đình bớt căng thẳng như: lắp gương quan sát, bật nhạc con thích, cho bé ăn, thay tã và vỗ ợ trước khi đi,...

Hành trình an toàn, trọn vẹn tương lai

Bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông là trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh. Cha mẹ hãy dành thời gian tìm hiểu và chủ động trang bị thiết bị an toàn cho bé để đồng hành và bảo vệ bé yêu trên mọi hành trình. Mỗi chuyến đi an toàn là một trải nghiệm để bé vững vàng khôn lớn, là tiền đề tạo dựng tương lai tươi sáng cho chính con trẻ, gia đình và xã hội!

Tham khảo thêm tại: https://joiebaby.com.vn/

Thu Nguyễn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-em-duoi-10-tuoi-khong-duoc-ngoi-cung-hang-ghe-voi-nguoi-lai-xe-169250416101540094.htm