Trẻ em ở các quốc gia phát triển phải học 2 câu nói quan trọng này từ rất sớm

Phương pháp giáo dục khoa học mà các bậc cha mẹ ở các quốc gia này đã áp dụng trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ Việt có thể tham khảo.

Mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có cách dạy con riêng và khác nhau. Không dân tộc nào giống dân tộc nào, không quốc gia nào giống quốc gia nào nhưng tất cả dân tộc trên thế giới đều mong muốn con sẽ trở thành người thông minh, tài giỏi, hướng thiện, tự lập, tự trọng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Nếu như người Nhật rèn cho con tính kiên cường, người Do Thái trau dồi chỉ số IQ cho con thì cha mẹ các quốc gia ở châu Âu thường hướng con đến sự bản lĩnh, tự chủ, thông minh. Người châu Âu không dùng đòn roi, quát nạt, mắng mỏ để dạy con mà họ thường xuyên lắng nghe ý kiến của con, điều chỉnh giọng điệu để thu phục con mà vẫn giữ được uy.

Mỗi nền văn hóa có phương pháp giáo dục trẻ riêng biệt, trong đó Châu Âu thường được xem là hình mẫu của thế giới trong việc tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Ảnh minh họa

Mỗi nền văn hóa có phương pháp giáo dục trẻ riêng biệt, trong đó Châu Âu thường được xem là hình mẫu của thế giới trong việc tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Ảnh minh họa

Đặc biệt, trẻ em ở các nước này được cha mẹ dạy nói lời "cảm ơn", "xin lỗi" từ rất sớm.

Những đứa trẻ ở châu Âu thường xuyên sử dụng 2 cụm từ "cảm ơn" và "xin lỗi" vì thế chúng thường có phong cách nói chuyện lịch sự, chững chạc, lịch thiệp. Đây là điều mà cha mẹ Việt nên học hỏi trong hành trình nuôi dạy con.

Cha mẹ hãy nhẹ nhàng hướng dẫn cho con trường hợp nào cần "cảm ơn", khi nào phải "xin lỗi" để con hiểu ý nghĩa 2 cụm từ này. Không nên thúc ép, bắt buộc trẻ thốt nên bởi sẽ làm mất đi sự chân thành.

Khi trẻ xứng đáng được cảm ơn, cha mẹ đừng quên nói lời này với con. Đây là lúc cha mẹ giúp con hiểu rõ hơn ý nghĩa lời "cảm ơn". Bên cạnh đó, những lúc con làm sai nhưng biết nói "xin lỗi", thay vì trách phạt, cha mẹ hãy động viên con tìm cách khắc phục. Bởi nếu bị trách phạt, trẻ sẽ sợ hãi và dần hình thành thói quen không dám nhận lỗi, xin lỗi. "Cảm ơn" và "xin lỗi" không đơn giản chỉ là lời nói cần dạy trẻ mà đây còn là nền tảng xây dựng nhân cách trong tương lai.

Bên cạnh đó, họ còn có những bí quyết nuôi dạy con đáng học hỏi như:

Không thúc giục trẻ em học hành

Các ông bố bà mẹ Bắc Âu không căng thẳng khi nuôi dạy con, ngược lại họ muốn thoải mái nhất có thể. Điều này có nghĩa họ không tập trung vào các khóa học sớm, không thúc ép trẻ học một ngoại ngữ và môn bơi lội nghệ thuật cùng lúc.

Theo triết lý giáo dục ở Bắc Âu, trẻ em nên có nhiều thời gian rảnh chỉ để chơi đùa hoặc không làm gì cả. Nhờ đó, trẻ có thể phát triển các kỹ năng quan trọng, biết cách quản lý cảm xúc và mở rộng trí tưởng tượng.

Các ông bố bà mẹ Bắc Âu không căng thẳng khi nuôi dạy con, ngược lại họ muốn thoải mái nhất có thể. Ảnh minh họa

Các ông bố bà mẹ Bắc Âu không căng thẳng khi nuôi dạy con, ngược lại họ muốn thoải mái nhất có thể. Ảnh minh họa

Nơi đông người, nói đủ nghe trong vòng 1m

Ở không gian công cộng, người châu Âu tin rằng mọi người cần có sự riêng tư ngay khi sử dụng chung.

Nếu như cha mẹ Mỹ dạy con cái cách nhìn vào mắt mọi người và chào hỏi lịch sự, trẻ em châu Âu được dạy cách tương tác nhẹ nhàng để tránh làm phiền những người xung quanh.

Trẻ được học những kỹ năng này từ khi còn nhỏ. Tại một trường công lập ở Berlin, Đức, trẻ được thực hành cuộc trò chuyện "một mét". Học sinh cùng bạn trò chuyện một cách yên tĩnh, sao cho có thể nghe thấy nhau nhưng người ở cách đó một mét sẽ không nghe được.

Cách này đảm bảo những người xung quanh vẫn trò chuyện và sinh hoạt, có được sự riêng tư kể cả khi ở cùng nhau trong không gian công cộng đông đúc.

Không dùng đòn roi để dạy con

Cha mẹ châu Âu tuyệt đối không sử dụng những hành động như đánh đòn, mắng mỏ khi trẻ mắc lỗi. Họ cho rằng lối giáo dục vũ lực sẽ gây phản tác dụng, khiến đứa trẻ trở nên lầm lì, khó dạy bảo hơn.

Vì thế, khi trẻ có hành động hay cư xử không đúng, những ông bố, bà mẹ ở châu lục này sẽ thay đổi giọng nói, ánh mặt và không đồng tình theo lối nghiêm nghị. Đồng thời, họ thể hiện sự không hài lòng của mình. Cách này vừa thu phục được trẻ, vừa giữ được sự uy nghiêm.

Dạy trẻ yêu cơ thể mình

Cha mẹ Bắc Âu cho phép con ở truồng chạy nhảy trong sân sau của gia đình, ngay cả khi thời tiết xấu. Họ không nói rằng khỏa thân là đáng xấu hổ, họ khuyến khích con khám phá cơ thể để không cảm thấy ngượng nghịu khi trút bỏ quần áo ở nơi công cộng như hồ bơi hoặc bãi biển.

Kỷ luật nhẹ nhàng nhưng hiệu quả

Cha mẹ Châu Âu tin rằng sức khỏe tâm thần và các chuẩn mực hành vi là nền tảng cho sự tiến bộ của một xã hội ổn định. Chính vì vậy, những vấn đề trong giáo dục trẻ em luôn được giải quyết một cách toàn diện.

Nếu nhìn lại cách các bậc cha mẹ Thụy Điển đối xử với con cái ở những nơi công cộng, bạn sẽ không thường thấy phụ huynh mải mê đắm chìm trong thế giới riêng, trò chuyện hoặc dán mắt vào điện thoại.

Khi trẻ cần giúp đỡ, cha mẹ sẽ nhanh chóng đáp ứng. Ở bất kỳ không gian công cộng nào, khi con mình làm phiền người khác, ngay cả khi không có ai phàn nàn, các bậc cha mẹ Thụy Điển sẽ ngay lập tức ngăn chặn hành vi của trẻ. Nhưng không phải theo cách coi thường trẻ và chỉ ra lỗi lầm của chúng một cách đe dọa. Thay vào đó, các bậc phụ huynh sẽ cúi xuống và nói với đứa trẻ bằng giọng ấm áp nhưng nghiêm khắc: "Con đang làm phiền người khác đấy".

Trong nhà hàng, trẻ chạy nhảy không kiểm soát sẽ được yêu cầu ra ngoài để "giải nhiệt". Phụ huynh cũng sẽ lấy đồ chơi, đồ uống, đồ ăn nhẹ để đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ, kiên nhẫn gọi tên và nhắc nhở trẻ không được làm phiền người khác.

Thay vì đánh đòn, các bậc cha mẹ Thụy Điển bắt đầu áp dụng thành thạo các hình thức kỷ luật nhẹ nhàng, rất khác với nền giáo dục của châu Á. Trẻ em được đối xử bình đẳng như người lớn, được tư vấn một cách kiên nhẫn, nói chuyện hợp lý và tự tìm ra lỗi lầm của mình.

Rèn luyện sức khỏe cho con từ nhỏ

Ở châu Âu, những đứa trẻ phải luyện tập sức khỏe hàng ngày ngay từ khi còn nhỏ. Giáo viên mầm non luôn dạy trẻ rèn luyện sức khỏe kết hợp với phương pháp trau dồi kỹ năng bằng những giờ hoạt động vui chơi ngoài trời mỗi ngày.

Người châu Âu tin rằng hoạt động thể chất đem lại nhiều lợi ích cho trẻ. Việc vận động cơ thể sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn trí tuệ. Vì thế, cha mẹ châu Âu không ngần ngại hướng dẫn trẻ nhiều môn thể thao khác nhau như: Bóng đá, tennis, trượt tuyết, bóng rổ,…

Khuyến khích trẻ thể hiện bản thân

Trên sân chơi, bạn sẽ không bao giờ thấy một bà mẹ la hét: "Đừng qua đó, con sẽ bị bẩn áo đấy!".

Cha mẹ Châu Âu khuyến khích con thể hiện bản thân, không hạn chế mong muốn khám phá thế giới. Do đó, trẻ được phép chạm vào một hòn đá bẩn hay nhảy vào vũng nước mưa mà không e ngại. Nếu một đứa trẻ trở về nhà với bộ quần áo sạch sẽ, cha mẹ sẽ không tin em vừa ra ngoài chơi.

Khác với người châu Á, cha mẹ các quốc gia châu Âu luôn chú trọng rèn cho con tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh minh họa

Khác với người châu Á, cha mẹ các quốc gia châu Âu luôn chú trọng rèn cho con tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh minh họa

Dạy con tính tự lập

Khi so sánh giữa phương Tây và phương Đông, người ta dễ nhận thấy rằng, lao động phương Tây thường có hiệu suất làm việc cao hơn. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tính tự lập là một trong những nguyên nhân quyết định sự khác biệt này. Khác với người châu Á, cha mẹ các quốc gia châu Âu luôn chú trọng rèn cho con tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ.

Người châu Âu không bao giờ giải quyết tất cả các rắc rối giúp con. Đây là nguyên tắc dạy con tự lập hàng đầu của họ. Cha mẹ chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, con sẽ tự đánh giá và đưa ra quyết định.

Đồng thời, con chính là người chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Việc trẻ phải tự xử lý rắc rối sẽ giúp trẻ độc lập tìm cách xử lý vấn đề. Điều này buộc trẻ phải tư duy, cân nhắc và chủ động làm các công việc của mình, không phụ thuộc vào người lớn.

Ngay từ khi còn bé, cha mẹ châu Âu đã dạy con thực hiện những công việc hàng ngày như: Tự ngồi ăn, tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, cách kết bạn, tự đưa ra quyết định,… Trong quá trình trau dồi cho con tính tự lập, người châu Âu không ép buộc mà luôn khích lệ con. Họ hạn chế việc chỉ trích, phê bình mà thường xuyên dành cho con những lời khen. Họ cho rằng, việc giáo dục bằng ngôn từ miệt thị không đem lại hiệu quả như mong đợi. Những lời chỉ trích chỉ khiến trẻ trở nên tự ti, rụt rè, thui chột tiềm năng vốn có.

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tre-em-o-cac-quoc-gia-phat-trien-phai-hoc-2-cau-noi-quan-trong-nay-tu-rat-som-172240625113055754.htm