Trẻ nghèo gốc nhập cư ở Pháp: Khi trẻ từ nghèo, đến… hư!

Góc nhìn về giáo dục và tầng lớp xã hội sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn vấn đề tội phạm vị thành niên ở nước Pháp và rút ra những kinh nghiệm cần thiết.

Trẻ em trong một trại tỵ nạn ở Pháp. Ảnh: Getty Images

Trẻ em trong một trại tỵ nạn ở Pháp. Ảnh: Getty Images

Những ngày qua, nước Pháp nóng lên với những cuộc biểu tình và đập phá, trộm cướp gây rối… sau vụ một thiếu niên Pháp gốc Algeria bị cảnh sát bắn chết vì không tuân lệnh dừng xe. Thật đáng buồn, trong số những kẻ phá hoại đó, có một phần không nhỏ là trẻ vị thành niên. Theo thống kê, tuổi trung bình của những người bị bắt là 17 tuổi, trong đó có cả những đứa trẻ 12, 13 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Pháp, ông Gérald Darmanin, không ngần ngại nêu thẳng đây là trách nhiệm của phụ huynh, vì “không phải cảnh sát, lực lượng hiến binh hay chính phủ có trách nhiệm giải quyết vấn đề khi một đứa trẻ 12 tuổi đốt trường học”.

Những gia đình “trục trặc”

Người Pháp không lạ gì “tầng lớp xã hội” của những đứa trẻ đó. Phần lớn chúng sống ở các khu dân cư nghèo ở ngoại ô Pháp, vốn là nơi tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, thất nghiệp và có nguồn gốc nước ngoài (mà phần đông là người gốc Phi). Ông Fabien Trương, nhà xã hội học, giảng viên trường Đại học Paris, tác giả cuốn sách “Bac + 5 made in banlieue” (tạm dịch: Những thạc sĩ xuất thân từ ngoại ô) cho rằng những đứa trẻ tham gia bạo loạn nói trên thường “đến từ những gia đình trục trặc, sống trong cảnh bấp bênh, có những trường hợp chỉ có bố, hoặc mẹ – những phụ huynh không luôn đảm bảo được trách nhiệm làm cha mẹ của mình”.

Chính phủ Pháp đã đầu tư khá nhiều tiền hỗ trợ tái thiết, nâng cấp trình độ dân trí cho dân cư những nơi này, nhưng đây vẫn là nơi phần lớn người Pháp trung lưu không muốn lui tới. Những đứa trẻ nhà nghèo lớn lên ở đây, cho dù được học hành miễn phí và được hưởng trợ cấp từ Chính phủ Pháp, thì vẫn khó có thể thoát khỏi tương lai làm những công việc cấp thấp trong xã hội, thất nghiệp, hay thậm chí rơi vào con đường tội phạm.

Cho dù trẻ em nghèo gốc nhập cư có được hưởng một nền giáo dục công tương tự như nhiều đứa trẻ Pháp khác thuộc tầng lớp gia đình trung lưu, bố mẹ có trình độ văn hóa – thì những đứa trẻ thuộc nhóm thứ hai này vẫn có nhiều khả năng thành công hơn hẳn trong học tập cũng như trong sự nghiệp so với nhóm thứ nhất. Lý do cho sự khác biệt này nằm ở đâu? Liệu có thể đổ lỗi cho trẻ em nghèo gốc nhập cư là thiếu nỗ lực, khó hòa nhập hay kém cỏi so với những đứa trẻ gia đình trung lưu, bố mẹ có trình độ văn hóa cao hơn?

Vai trò của “vốn văn hóa”

Nhiều nhà xã hội học Pháp đã chỉ ra vai trò của “vốn văn hóa” trong kết quả học đường của trẻ, và cho rằng sự chênh lệch trong “vốn văn hóa” giữa các tầng lớp xã hội có thể tạo nên sự bất bình đẳng về giáo dục trong xã hội. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự bất bình đẳng này là yếu tố chính giải thích hiện tượng “cha nào, con nấy” nói trên.

Từ những năm 1960, nhà xã hội học nổi tiếng Pierre Bourdieu (1930-2002) đã đưa ra khái niệm “tái sản sinh xã hội” (reproduction sociale) – theo đó sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội ở Pháp tiếp tục tồn tại do có sự chênh lệch về “vốn văn hóa” – được kế thừa từ thế hệ trước đến thế hệ sau.

Cho dù các cá nhân có được tiếp thu một nền giáo dục “bình đẳng” ở trường, thì thực tế là con cái các gia đình trung lưu, có trình độ văn hóa cao hơn thường có kết quả học tập khả quan hơn và do đó có nhiều cơ hội thành đạt trong cuộc sống hơn con cái các gia đình tầng lớp lao động. Sự “tái sản sinh xã hội” diễn ra thông qua việc truyền tải không chỉ một di sản kinh tế mà còn đặc biệt là di sản văn hóa từ thế hệ trước tới thế hệ sau, dẫn đến kết quả là thế hệ con cháu sẽ thường tiếp tục duy trì vị trí xã hội của cha mẹ, ông bà.

Dưới góc nhìn của Bourdieu, “vốn văn hóa” thể hiện dưới ba hình thức: thái độ đối với học tập (tùy vào giáo dục gia đình), công cụ giáo dục (sách, bảo tàng, hoạt động văn hóa…) và bằng cấp.

Theo ông Bourdier, hệ thống giáo dục của Pháp góp phần duy trì sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, vì trẻ em đến từ các gia đình có vị thế xã hội cao hơn luôn được hưởng một nền giáo dục toàn vẹn hơn so với trẻ em đến từ các gia đình có vị thế xã hội thấp.

Phụ huynh những gia đình trung lưu hoặc hơn có điều kiện và ý thức cho con cái tiếp cận (một cách gián tiếp hơn là trực tiếp) đến một hệ thống giá trị giúp xây dựng ở trẻ một thái độ tích cực với di sản văn hóa, điều mang lại cho trẻ rất nhiều lợi thế trong hệ thống giáo dục hiện tại. Ví dụ, được đọc nhiều sách, được đi thăm các viện bảo tàng, được nghe cha mẹ trao đổi về các chủ đề giàu kiến thức sẽ giúp trẻ đáp ứng dễ dàng hơn các yêu cầu học tập ở trường.

Cha mẹ – người dẫn lối cho con

Không chỉ thế, những nghiên cứu xã hội năm 2018 mang tên “Giáo dục, ở giá nào?” của Observatoire Cetelem còn cho thấy các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu trở lên ngày càng đầu tư nhiều hơn thời gian và tiền bạc vào việc hỗ trợ học tập cho con cái, điều khó quan sát thấy ở các bậc cha mẹ tầng lớp lao động.

Khác với ở châu Á, ở Pháp việc giúp con học để đạt kết quả tốt ở trường ngay từ nhỏ là một điều khá… tế nhị, vì tồn tại một nguyên tắc “ngầm” rằng bố mẹ không được tác động đến việc học ở trường của trẻ nhỏ, đặc biệt việc giúp trẻ học trước chương trình còn bị nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm.

Tuy nhiên, trên thực tế thì không hiếm các bậc phụ huynh có điều kiện vẫn tích cực hỗ trợ con học hành, như dành thời gian giúp con học vào buổi tối chẳng hạn. Nghiên cứu của Observatoire Cetelem còn cho thấy các bậc cha mẹ có vị thế xã hội tốt thường có khuynh hướng giám sát chặt chẽ việc học của trẻ để có thể can thiệp ngay lập tức khi cần, điều mang lại cho trẻ một lợi thế đáng kể trong học tập.

Theo điều tra, các bậc cha mẹ người Pháp nói trên dành khoảng hơn năm giờ đồng hồ mỗi tuần để giám sát việc học của con cái, và một phần ba trong số họ trả tiền cho các khóa học thêm để nâng cao chất lượng học cho trẻ. Ở các gia đình tầng lớp lao động, trẻ em thường chịu thiệt thòi hơn, vì không được hưởng một “di sản văn hóa” tương tự.

Nói về những trẻ vị thành niên tham gia phá phách trộm cướp những ngày qua ở Pháp, Fabien Trương nhấn mạnh rằng rất nhiều trong số bố mẹ của những đứa trẻ lớn lên trong các khu dân cư “nhạy cảm” này làm việc ca đêm như nhân viên vệ sinh, thu nhặt rác, lái xe, giao hàng hay nhân viên trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.

Trong nhiều trường hợp, không phải là họ vô trách nhiệm, mà vì họ không đủ khả năng để giám sát, giáo dục con cái. Vì thế, để thay đổi vị thế xã hội, những đứa trẻ này phải nỗ lực hơn rất nhiều các trẻ em may mắn khác, vừa để khắc phục “vốn văn hóa” của bản thân, vừa phải vượt qua những kỳ thị định kiến còn tồn tại trong xã hội. Cũng phải thừa nhận rằng, không hiếm trường hợp các em xuất thân nghèo từ các khu ổ chuột nhưng rất thành công trong học tập và thành đạt trong cuộc sống, nhờ vào cố gắng và chiến lược hỗ trợ riêng của gia đình.

Tất nhiên, để giải quyết vấn đề chia rẽ xã hội ở Pháp hiện nay, giải pháp hiệu quả sẽ không phải là quy kết, cũng như không phải là bào chữa cho các bên liên quan, điều này chỉ có lợi cho các phe phái cực đoan. Góc nhìn về giáo dục và tầng lớp xã hội nói trên sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn vấn đề tội phạm vị thành niên ở nước Pháp, và rút ra những kinh nghiệm cần thiết.

Thiên Kim

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tre-ngheo-goc-nhap-cu-o-phap-khi-tre-tu-ngheo-den-hu/