Trên 100 cây Hoàng mai Huế được gắn bảng và cấp mã QR
Sáng 4/7, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng các sở, ban, ngành đã đi kiểm tra công tác quản lý và bảo tồn cây Hoàng mai Huế trên địa bàn thành phố.
Thực tế kiểm tra công tác quản lý và bảo tồn các cây hoàng mai cổ tại Đình làng Đệ Nhị, phường Thuận Lộc và vườn mai số 436 Lê Duẩn (TP. Huế), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, mai vàng có nguồn gen bản địa đặc hữu thường gọi là Hoàng mai Huế.
Hoàng mai Huế được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà người dân... tạo nên vẻ đẹp, trở thành biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên và con người Huế, gắn liền với đời sống thường nhật của người dân nơi đây.
Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, Hội Hoàng mai Huế đang cùng với Viện nghiên cứu rau quả, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (TP. Hà Nội) nỗ lực bảo tồn Hoàng mai Huế.
Ngoài một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và quản lý hệ thống Hoàng mai Huế, gắn mã QR trên từng cây thể hiện thông tin về độ tuổi, đặc điểm, hình thức trồng và chủ sở hữu cây cũng là vấn đề quan trọng.
Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 100 cây Hoàng mai Huế được gắn bảng và cấp mã QR để định danh dưới sự theo dõi cũng như hỗ trợ về vấn đề kỹ thuật của Viện Nghiên cứu rau quả, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (TP. Hà Nội).
Xác định, Hoàng mai Huế không chỉ mang nét đẹp văn hóa mà còn tạo giá trị kinh tế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị các cấp, các ngành liên quan và chủ các vườn mai cần tăng cường công tác quản lý và bảo tồn, để mai vàng thực sự là sản phẩm chủ lực của Huế; tạo thu nhập, góp phần phát triển kinh tế thông qua du lịch, thương mại hóa các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc văn hóa Huế.