Trên cánh đồng mùa hạ

Khi cái nắng bắt đầu chát chao trên khắp các nẻo đường; những chùm phượng vĩ bắt đầu nhuộm đỏ khoảng trời trước ngõ; lũ học trò cuối cấp lưu luyến nói lời chia xa; những chú ve sầu bắt đầu hòa âm bản tình ca mùa hạ... ấy cũng là lúc làng quê tôi bước vào vụ gặt.

Từ sáng sớm tinh mơ, khi ông mặt trời còn chưa thức giấc, những giọt sương mai vẫn còn mơ màng trên đám lá sen xanh mướt, bếp nhà tôi đã đỏ lửa. Mẹ lách cách chuẩn bị bữa sáng. Cha tranh thủ cắt vài bó cỏ thả xuống đầm cá sau nhà. Nghe mùi cơm chín, chị em tôi mắt nhắm, mắt mở chui ra khỏi giường, chạy ào ra sân, vã chút nước mưa vào mặt cho tỉnh. Chị nhanh nhảu phụ mẹ dọn bữa sáng, còn tôi tranh thủ xếp sẵn quang gánh để lát theo mẹ ra đồng. Khi ngoài đường đã nhìn tỏ mặt người, mẹ quẩy quang gánh đi trước, chị em tôi vắt vẻo trên chiếc xe kéo của cha, tay ôm khư khư rổ khoai luộc và tích nước trà xanh mẹ ủ từ sáng sớm. Quãng đường không quá dài nhưng cũng đủ cho một đứa có tâm hồn “treo ngược trên cành cây” như tôi thỏa sức ngắm trời, ngắm đất; cảm nhận hương vị quen thuộc của quê hương thấm sâu trong từng đường gân, thớ thịt. Vị nồng nồng của đất, mùi ngái ngái của vạt cỏ dại ven đường, mùi khói bếp cay cay, mùi trái chín ngọt lịm... không biết tự bao giờ mùa hạ đã trở nên thân thương đến thế. Khẽ nhắm đôi mắt lại, mơ màng, lắc lư theo nhịp bước của cha, tôi thấy mình giống nàng công chúa Lọ Lem lộng lẫy xiêm y, đang ngự trên chiếc xe phép thuật của bà tiên đi dự hội.

Mùa gặt ở xã Nguyễn Úy (Kim Bảng).

Mùa gặt ở xã Nguyễn Úy (Kim Bảng).

Loáng thoáng nghe tiếng chào hỏi của bà con chòm xóm, tiếng trò chuyện râm ran của mấy bà, mấy cô đi chợ sớm, tiếng bọn trẻ chăn trâu í ới gọi nhau, bất giác tôi bừng tỉnh và chợt thấy lòng chộn rộn vô cùng. Bước ra khỏi câu chuyện của nàng công chúa trong truyện cổ tích, nhanh chóng hòa mình cùng bọn trẻ chạy nhảy trên khắp cánh đồng mùa hạ. Tôi như một con diều no gió, thỏa sức bay lượn, thu vào tầm mắt khung cảnh đồng quê đẹp đến nao lòng. Những thảm lúa vàng ruộm trong nắng sớm; những chiếc nón trắng thấp thoáng trên đồng; lưng áo mẹ thấm mồ hôi mặn chát, bàn tay cha thoăn thoắt bó từng đon lúa... Khi mặt trời lên khỏi ngọn tre, những đon lúa đã được xếp cao ngất trên đường. Chị em tôi cũng tranh thủ bắt được giỏ cua đầy. Nhìn bộ dạng lấm lem bùn đất của hai chị em, ai cũng phải bật cười. Cha dừng tay bó lúa, khẽ kéo vạt áo lau vết bùn trên má chị em tôi, giấu yêu thương vào sâu trong đáy mắt, mẹ mỉm cười cốc nhẹ lên trán, mắng vốn vài câu...

Cứ thế, chúng tôi lớn lên hồn nhiên và trong trẻo như hạt lúa, củ khoai quê mình vậy. Những yêu thương cũng theo đó lớn dần cùng năm tháng. Để rồi, hôm nay, trong ồn ào phố thị, trước những giông gió của cuộc đời, những cảm xúc ngọt ngào ấy chính là một liều thuốc tinh thần quí giá và gia đình mãi là bến đỗ bình yên để tôi neo đậu tâm hồn.

Chớp mắt, cũng đã mấy mươi mùa hạ đi qua, cuộc sống đã đổi thay, làng quê cũng đã khác xưa rất nhiều, mẹ cha tôi cũng đã ở cái tuổi xưa nay hiếm và người dân quê tôi hôm nay cũng không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, việc cấy hái, thu hoạch dần dần được cơ giới hóa. Nông thôn mới đang hiện hữu trong từng nếp nhà, nếp nghĩ và nếp làm của người dân. Nhà máy, khu công nghiệp mọc lên, những cánh đồng ngày càng thu hẹp...

Vẫn biết, cuộc sống là một dòng chảy không ngừng và đời sống của người dân quê tôi hôm nay cũng khấm khá hơn xưa rất nhiều nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy chạnh lòng mỗi khi trở về, tìm lại tuổi thơ trên cánh đồng mùa hạ.

Thu Minh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/ban-doc/ban-doc-viet/tren-canh-dong-mua-ha-126582.html