Tri ân qua nét vẽ

Tại chương trình giao lưu với tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, hành trình vẽ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dọc miền đất nước của họa sĩ Đặng Ái Việt gây xúc động cho rất nhiều người. Gần 15 năm ngược xuôi trên chiếc xe máy cũ, người phụ nữ tóc pha sương ấy đã lưu lại ký ức đẹp cho hơn 3.000 gia đình liệt sĩ. Vẽ là cách bà thể hiện lòng biết ơn đến những người mẹ đã lặng lẽ hy sinh cho nền hòa bình quý giá hôm nay.

Họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn miệt mài thực hiện dự án vẽ tranh Mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn miệt mài thực hiện dự án vẽ tranh Mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Mặc áo dài, choàng khăn rằn, đứng bên cạnh chiếc xe máy với rất nhiều vật dụng làm “bạn đường” cho các chuyến phượt vẽ tranh dài ngày, nữ họa sĩ 77 tuổi Ái Việt mở đầu câu chuyện bằng nụ cười hiền đậm chất miền tây. Nhìn tốp thanh niên áo xanh ngồi bên dưới, bà nhẹ nhàng mở thùng tranh cột chặt trên yên xe, vừa xếp từng tờ giấy đủ sắc mầu vừa nói, giọng đầy hân hoan: “Tôi mới hoàn thành đợt vẽ tranh hai tuần tại Trà Vinh.

Hôm nay, tôi mang theo một số tranh và rất nhiều câu chuyện để chia sẻ cùng các bạn. Ai cũng hỏi: “Lớn tuổi rồi đi mãi có mệt không?”. Tôi chẳng thấy mệt và còn muốn đi nhiều nơi lắm. Vừa được trò chuyện với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, vừa được vẽ tranh các mẹ, hành trình ấy hạnh phúc biết bao. Tôi chưa bao giờ thấy mình đơn độc dù luôn đi một mình”.

Chỉ vào chiếc xe máy, nữ họa sĩ khoe, đây là món quà bà được tặng cách đây không lâu, thay cho “con ngựa sắt” trước đã quá cũ kỹ, không an toàn. Chi phí đi lại, vẽ tranh bao năm qua, bà xoay xở bằng lương hưu vì không muốn nhận tiền từ các mẹ hay làm phiền cộng đồng. Ngày trước, các mẹ lặng thầm hy sinh, giờ đây, bà muốn tri ân bằng cách chân thành, nhẹ nhàng trong khả năng của mình. Khoảng 15 năm trước, khi khởi động dự án “Hành trình nét thời gian”, ngay chính bản thân họa sĩ Ái Việt cũng chẳng dám tin mình đủ sức để đi qua 63 tỉnh, thành phố để vẽ từng bức chân dung và nghe các mẹ kể chuyện ngày xưa. Thế nhưng, chỉ sau một năm, bà đã đi dọc miền đất nước, thực hiện những bức vẽ đong đầy cảm xúc. Hành trình ấy vẫn tiếp tục đến hôm nay.

Chiếc ba-lô nhỏ đựng quần áo và vật dụng cá nhân, thùng tranh kèm dụng cụ vẽ màu nước, đồ nghề sửa xe, nón bảo hiểm, vài vật dụng tối giản được gắn ngay ngắn trên xe, bao năm qua, bà đến những điểm hẹn trên hành trình hội họa của riêng mình. Họa sĩ Ái Việt nói: Áp lực lớn nhất với bà trong dự án này chính là cuộc chạy đua với khoảng thời gian quý giá còn lại của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đâu chỉ gặp dăm phút họa vài nét cho xong, mỗi bức chân dung được đúc kết từ bao câu chuyện bà thủ thỉ cùng các mẹ khi bà đến thăm nhà.

Nữ họa sĩ kể, khi bà tìm đến, phần lớn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã lẫn do tuổi già và bệnh tật. Chuyện các mẹ kể là những mảnh ghép rất nhỏ trong ký ức, khi nhớ, lúc quên; chẳng biết đoạn nào trước sau nhưng luôn khiến mắt của nữ họa sĩ ngấn lệ. Với bà, tất cả là món quà, là chất xúc tác để mỗi nét vẽ có hồn hơn, đặc biệt hơn. Bà khắc ghi từng chi tiết dù rất nhỏ Có nhiều mẹ, dù con đã thành liệt sĩ mấy chục năm, chiều chiều vẫn ra sau hè ngồi đợi con về.

Họa sĩ Ái Việt nói: Bà muốn giới trẻ hôm nay biết thêm nhiều câu chuyện bình dị nhưng rất đỗi lớn lao của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Vậy nên, ngoài chuyện vẽ tranh, bà còn dành thời gian khắc họa nét nổi bật về từng chân dung nhân vật. Bà còn gieo những vần thơ đầy xúc động thay lời cảm ơn đến những người mẹ mình may mắn được gặp trong hành trình sáng tác. Trung tướng Phạm Văn Dỹ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân khu 7 là con trai của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến. Khi được gặp họa sĩ Ái Việt - người họa sĩ từng đến nhà vẽ chân dung mẹ mình nhiều năm về trước, ông xúc động, siết chặt vòng tay.

“Họa sĩ Ái Việt nói, chị vẽ để trả nợ ân tình cho những người đã nằm xuống vì Tổ quốc nhưng qua những gì chị làm, tôi biết phải thấu hiểu hoàn cảnh, sự mất mát và câu chuyện của từng mẹ thì bức tranh mới sống động như vậy. Khi nhìn bức tranh, tôi nhìn thấy được nửa thế kỷ trước trong cuộc đời của mẹ là gian lao, chiến đấu, nuôi con, giúp đỡ cách mạng; là tiễn những đứa con ra đi và ba lần hóa đá khi nhận được tin con mình hy sinh. Cũng trong cùng bức tranh ấy, chị đã tái hiện lại sự viên mãn của mẹ tôi khi được sống trong hòa bình, được nhìn thấy đất nước phát triển, con cháu trưởng thành”, Trung tướng Phạm Văn Dỹ chia sẻ.

Thay đến chiếc xe máy thứ ba, họa sĩ Ái Việt cho biết vẫn sẽ tiếp tục hành trình bền bỉ này. Vài năm trở lại đây, khi nhận lời tham gia dự án số hóa toàn bộ tranh về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đi đến tỉnh, thành phố nào, vẽ xong tranh, bà đều cẩn thận đóng gói gửi về Thành phố Hồ Chí Minh theo đường bưu điện để đội ngũ hỗ trợ thực hiện việc quét tranh, trình bày và lan tỏa miễn phí trên nền tảng số.

Bà chủ động chia sẻ thêm nhiều thông tin nền của từng tác phẩm, giúp trang website "Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng" đến gần hơn với các bạn trẻ. Trên trang website công khai ấy, bà đăng cả số điện thoại cá nhân để ai thắc mắc gì có thể liên lạc hỏi thêm. Nữ họa sĩ cho biết: Từ ngày tham gia lan tỏa tranh trên không gian mạng, bà thêm bận nhưng cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã mang tác phẩm của mình đến gần hơn với thế hệ trẻ hôm nay.

GIA MỸ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tri-an-qua-net-ve-post878382.html