Trị táo bón bằng món ăn, bài thuốc đơn giản tại nhà
Táo bón là một triệu chứng khá phổ biến, ai cũng có thể mắc. Có nhiều cách trị táo bón, trong đó có các món ăn bài thuốc đơn giản mà chúng ta có thể thực hiện ngay tại nhà.
Táo bón là một triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, chứ không phải là bệnh. Đôi khi táo bón là hậu quả của những thay đổi chế độ sinh hoạt và làm việc chưa hợp lý...
1. Biểu hiện và biến chứng của táo bón
Một người bị táo bón có thể có một hoặc vài biểu hiện sau:
Giảm số lần đại tiện thông thường: Người bình thường, mỗi ngày hoặc 2 ngày đại tiện một lần. Nếu bị táo bón, có khi 3-4 ngày, thậm chí có người 10 ngày hoặc lâu hơn mới đại tiện một lần.
Mật độ phân rất cứng hoặc lổn nhổn.
Đại tiện khó nên phải cố mới đi ngoài được...
Biến chứng của táo bón lâu ngày:
Táo bón lâu ngày không được điều trị có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe người bệnh nói chung như:
Sưng tĩnh mạch ở hậu môn (bệnh trĩ);
Rách da ở hậu môn (nứt hậu môn);
Phân không thể tống ra ngoài được (phân áp lực);
Ruột lòi ra khỏi hậu môn (sa trực tràng)…
Ngoài ra, táo bón kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của trẻ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao và trí não; ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ do táo bón gây khó chịu, quấy khóc nhiều dẫn đến mệt mỏi, ngủ không ngon giấc…
2. Món ăn, bài thuốc trị táo bón
Dưới đây là một số bài thuốc có thể áp dụng tại nhà để cải thiện tình trạng táo bón:
2.1. Mật ong pha dầu vừng
- Thành phần: Mật ong 50g, dầu vừng 25g.
- Chế biến: Mật ong đựng vào bát, lấy đũa tre đánh cho nổi bọt, thấy bọt nổi kín đặc thì vừa khuấy đánh vừa cho dầu vừng vào, tiếp tục khuấy đều và đổ vào khoảng 100ml nước sôi, khuấy đánh sao cho các thứ thành một thể nhất định là được. Uống nóng.
- Công dụng: Nhuận táo thông tiện.
2.2. Chút chít muồng trâu tán
- Thành phần: Rễ chút chít (củ) 400g, lá muồng trâu 200g. Các vị phơi sấy khô, tán bột mịn. Hãm với nước sôi, gạn bỏ bã, uống vào lúc đói. Trẻ em tùy tuổi mỗi lần uống 6 - 12g, ngày uống 1 - 2 lần. Người lớn mỗi lần uống 12 - 20g, ngày uống 1 -2 lần.
- Công dụng: Chữa táo bón thuộc nhiệt.
- Kiêng kỵ: Táo bón do hư hàn không được dùng.
2.3. Canh hải sâm nấu mộc nhĩ
- Thành phần: Hải sâm 50g, ruột già lợn 200g, mộc nhĩ đen 20g, rượu trắng, mì chính, hành băm, gừng tươi băm, muối tinh...
- Chế biến: Hải sâm ngâm nở rửa sạch, lòng lợn sát muối thành ruột bên trong, rửa sạch tạp chất, cắt thành từng đoạn. Mộc nhĩ ngâm nở rửa sạch. Nước cho vừa đủ, cho hải sâm, ruột lợn, mộc nhĩ, muối, hành, rượu, đun to lửa tới sôi, chuyển đun nhỏ lửa tới chín nhừ cho gia vị là được. Ăn kèm trong bữa.
- Công dụng: Bổ âm thanh nhiệt, nhuận tràng thông tiện.
2.4. Lá mơ lông hấp trứng
- Thành phần: Lá mơ, trứng gà...
- Cách làm: Lá mơ lông được thái nhỏ và trộn vào với thịt, trứng làm món thịt cuộn, trứng chiên, trứng hấp lá mơ. Ngoài ra, có thể giã nhuyễn lá mơ lấy nước trộn vào bột làm bánh lá mơ, bánh tằm lá mơ... Các món ăn này có thể dùng hàng ngày, như một nguyên liệu trong bữa ăn gia đình với lượng dùng vừa phải.
Công dụng: Nhuận tràng thông tiện. Lá mơ có tính mát, giúp giải nhiệt, nhuận tràng, ứng dụng trong điều trị táo bón.