'Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày' được công nhận di sản văn hóa
'Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày' ở huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
![Lãnh đạo UBND huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đón chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày".](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_181_51431479/d68fe69bdcd5358b6cc4.jpg)
Lãnh đạo UBND huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đón chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày".
Tối 8/2, UBND huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) tổ chức Lễ đón nhận chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày' xã Lăng Can, xã Hồng Quang, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang".
Huyện Lâm Bình có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Tày chiếm hơn 60% dân số, là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa. Trong lịch sử sinh sống và phát triển, đồng bào Tày đã sáng tạo ra hệ thống tri thức bản địa trong canh tác lúa nước.
Những kỹ thuật chọn giống, gieo trồng, quản lý nguồn nước được tích lũy và truyền lại qua nhiều thế hệ không chỉ góp phần đảm bảo nguồn lương thực mà còn tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo.
Tri thức trồng lúa nước không chỉ dừng lại ở các kỹ thuật sản xuất mà còn gắn liền với đời sống tinh thần của người dân. Các lễ hội truyền thống như Lồng Tông (lễ hội xuống đồng), nghi lễ mừng cơm mới hay những phong tục dân gian được lồng ghép trong mùa vụ đã góp phần tạo nên không gian văn hóa giàu ý nghĩa.
Nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị tri thức trồng lúa nước của người Tày ở Lâm Bình, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL đã quyết định công nhận “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày” ở xã Lăng Can và các xã: Hồng Quang, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Lâm Bình cam kết sẽ phối hợp với các cấp, ngành và người dân địa phương bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Đặc biệt, huyện đặt mục tiêu đưa tri thức trồng lúa nước vào khai thác du lịch văn hóa, biến đây thành điểm nhấn thu hút khách du lịch, qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.