Triển khai chương trình lớp 6 mới đối với Giáo dục Thường xuyên
Năm học tới sẽ là năm đầu tiên các cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
GD&TĐ - Năm học tới sẽ là năm đầu tiên các cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 627/BGDĐT-GDTX gửi các Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp học cơ sở.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp trung học cơ sở (THCS) đã được quy định cụ thể về thời lượng từng môn học và số tiết học đối với các nội dung dạy học.
Khi thực hiện Chương trình GDTX cấp THCS với các hình thức dạy học khác nhau, các trường học thực hiện đầy đủ thời lượng, nội dung và số lượng tiết học đã quy định trong Chương trình GDTX cấp THCS.
Các trường học chủ động xây dựng kế hoạch và linh hoạt tổ chức dạy học các nội dung kiến thức bổ sung đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tế dạy học của trung tâm (có thể tổ chức dạy bổ sung nội dung kiến thức trong hè; hướng dẫn học viên tự đọc sách giáo khoa, tự nghiên cứu trước nội dung học và giáo viên hệ thống củng cố kiến thức, nhằm đảm bảo vẫn dạy đủ nội dung kiến thức bổ sung nhưng không ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học lớp 6). Không tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung kiến thức bổ sung.
Các trường học chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, bao gồm: Kế hoạch thời gian thực hiện chương trình; kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; kế hoạch giáo dục của giáo viên theo hướng dẫn tại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đảm bảo tính khoa học và vừa sức đối với học viên.
Kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo phân bố hợp lí giữa nội dung giáo dục của môn học, yêu cầu cần đạt quy định của chương trình GDTX cấp THCS tạo thuận lợi cho học viên hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo giáo viên các môn học xác định nội dung, hình thức tổ chức dạy học và phân bố liên tục thời lượng các môn học trong 35 tuần đối với các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình GDTX cấp THCS phù hợp đặc điểm, đối tượng học viên và điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Kế hoạch dạy học môn Lịch sử và Địa lí: Được xây dựng theo từng phần Lịch sử và phần Địa lí và được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kì.
Kế hoạch dạy học môn Khoa học tự nhiên: Được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện dạy học của nhà trường; có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kì đảm bảo tính khoa học, sư phạm. Căn cứ vào đội ngũ giáo viên của nhà trường để phân công giáo viên dạy học các nội dung trong chương trình cho phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.
Kế hoạch nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo các nội dung phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học viên liên hệ những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.
Chương trình GDTX cấp THCS theo lộ trình: Đối với các lớp tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước thực hiện dạy học theo Chương trình Bổ túc THCS hiện hành (ban hành kèm theo Quyết định số 48/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 27/11/2002 của Bộ trưởng Bộ GDĐT). Đối với lớp 6 tuyển sinh năm học 2021-2022, học viên được học bổ sung nội dung kiến thức lớp 6 Chương trình GDTX cấp THCS (ban hành kèm theo Thông tư số 36) để học viên có đủ kiến thức tiếp tục học lớp 7 năm học 2022-2023.