Triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách tín dụng thực hiện chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ ban hành ngày 26/4/2022 đã giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo, các doanh nghiệp, hợp tác xã,... có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng vươn lên thoát nghèo, phát triển bền vững.
Khách hàng vay vốn gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại nghị định. Địa bàn thực hiện cấp xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong từng thời kỳ.
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP cũng quy định 5 chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và mỗi chính sách cũng được quy định cụ thể về đối tượng cho vay, điều kiện vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay, mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi xuất cho vay để các địa phương triển khai thực hiện.
Thời gian qua, việc thực hiện tín dụng chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được triển khai đồng bộ, kịp thời. Trong năm 2021 - 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025 cho 405 lượt hộ vay chuyển đổi nghề, với kinh phí trên 19,6 tỷ đồng; đồng thời, phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác cho 51.604 lượt hộ, gồm: 13.335 hộ dân tộc thiểu số, 2.790 lượt hộ nghèo (có 996 hộ dân tộc thiểu số), 8.786 lượt hộ cận nghèo (có 2.242 hộ dân tộc thiểu số), 20.917 lượt hộ mới thoát nghèo (có 5.237 hộ dân tộc thiểu số), với số tiền trên 1.132,6 tỷ đồng để phục vụ đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi; phát vay cho 2.493 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để trang trải học phí, mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến, với số tiền trên 50,2 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 8.549 hộ (có 1.788 hộ dân tộc thiểu số), với số tiền trên 340,3 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động là 21 người (có 2 hộ dân tộc thiểu số), với số tiền trên 1,9 tỷ đồng.
Đối với tín dụng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 846 lượt hộ nghèo, 2.124 hộ cận nghèo và 5.662 hộ mới thoát nghèo, với số tiền trên 346,5 tỷ đồng phục vụ đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Theo đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, việc triển khai thực hiện các chương trình được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và địa phương. Tỉnh đã chủ động triển khai, quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh; đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, đã tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình.
Để đảm bảo triển khai đạt chất lượng, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, theo đồng chí Trần Văn Lâu, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường, đổi mới trong công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn xã hội về công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ dân có sự chủ động, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo bền vững, tránh tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Tập trung, đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo đúng tiến độ, phấn đấu đến hết niên hạn giải ngân năm 2023, giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao. Đồng thời, các sở, ban ngành phụ trách các dự án, tiểu dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai, giải ngân các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời báo cáo UBND tỉnh…
Cũng theo đồng chí Trần Văn Lâu, thời gian tới cần tập trung thực hiện công tác giải ngân đối với các nội dung, hoạt động, dự án đã có đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện theo quy định; thường xuyên rà soát và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực của ngân sách nhà nước.