Triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, 6

Sáng 7/3, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lò Thị Luyến chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng. Trong đó, có 1 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 28/11/2023; 1 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024; 5 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

9 luật được Quốc hội thông qua gồm: Luật Căn cước; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Tài nguyên nước; Luật Viễn thông; Luật Các tổ chức tín dụng.

Những điểm mới của luật, nội dung trọng tâm như: Luật Đất đai số 31/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư. Không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai. Nội dung trọng tâm trong các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua quyết định nhiều chính sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: Dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; quy định 8 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định chất lượng của các dự án luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua bước đầu có hiệu quả, được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. Chất lượng văn bản hướng dẫn thi hành luật được nâng lên, tình trạng nợ đọng văn bản giảm so với trước.

Để việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau hội nghị này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan chủ động rà soát, chuẩn bị và tổ chức triển khai các nội dung có liên quan trong luật, nghị quyết của Quốc hội; tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nâng cao chất lượng giám sát để sớm đưa luật đi vào thực tiễn đời sống của người dân. Chính quyền tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội; chủ động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nội dung các văn bản thuộc lĩnh vực được giao. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền các điểm mới, nội dung trọng tâm trong luật, nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.

Tin, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/213534/trien-khai-luat-nghi-quyet-duoc-quoc-hoi-thong-qua-tai-ky-hop-thu-5-6