Triển khai sản xuất vụ Mùa năm 2023

Ngày 26/4, Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội nghị sơ kết vụ Đông xuân 2022-2023, tổng kết sản xuất vụ Mùa năm 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm 2023.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Vụ Mùa 2022, toàn tỉnh gieo trồng được 37.346 ha cây hàng năm. Trong đó, chủ đạo là lúa với 31.440 ha, còn lại là ngô, mía, sắn. Yếu tố thời tiết thuận lợi cùng với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các địa phương, các giải pháp kỹ thuật kịp thời, sát thực tế của ngành nông nghiệp đã giúp sản xuất vụ này thắng lợi.

Năng suất lúa bình quân đạt 54,2 tạ/ha (tương đương vụ Mùa năm 2021). Đặc biệt, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ mạ khay, cấy máy, các loại hình liên kết bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và HTX.

Tổng diện tích lúa liên kết áp dụng chính sách sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ và theo chương trình hỗ trợ áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới là trên 3.600 ha. Diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao 23.848,1 ha, chiếm 75,9% tổng diện tích gieo cấy.

Bước sang vụ Mùa năm 2023, dự báo thời tiết sẽ có nhiều diễn biến khó lường, sinh vật hại có khả năng phát sinh và gây hại mạnh. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu gieo cấy trên 31 nghìn ha lúa, 31.200 ha cây rau màu với năng suất, giá trị bằng hoặc cao hơn năm trước, các giải pháp được thống nhất cao đó là: Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa. Tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là các giống cây trồng mới, cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, máy cấy, máy gặt, máy bay phun thuốc. Tập trung thâm canh để đảm bảo năng suất và sản lượng lương thực trên địa bàn.

Phấn đấu diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp, lúa đặc sản đạt 80%, diện tích lúa cấy đạt trên 50. Tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất cây lúa, cây rau theo hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị.

Tăng cường mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm đối với một số giống lúa đặc sản, có thị trường tiêu thụ. Chú trọng chuyển đổi diện tích vùng sản xuất lúa hiệu quả thấp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hoặc cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, để tạo đà cho vụ Mùa đạt kết quả mục tiêu đề ra, trước mắt các địa phương tập trung thực hiện công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho trên 39.500 ha lúa Đông xuân. Bởi hiện nay đang là cao điểm phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh.

Các địa phương cần triển khai cung cấp đầy đủ nước, kiểm tra phát hiện sớm sâu bệnh hại, phun thuốc khi đến ngưỡng, tăng cường diệt chuột. Với diện tích lúa tiểu mãn chuẩn bị các điều kiện để thu hoạch nhanh gọn, phòng mưa lớn bất ngờ. Thu hoạch đến đâu, sản xuất vụ Mùa ngay đến đó, nhất là diện tích chân vàn cao, giải phóng đất làm vụ Đông sau này.

Qua tham luận của các đơn vị trực thuộc sở, các huyện, thành phố cho thấy, các chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển cây lúa đang từng bước khẳng định vai trò tích cực, giúp các địa phương chuyển dịch hoạt động sản xuất lúa theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nguyễn Lựu - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trien-khai-san-xuat-vu-mua-nam-2023/d20230426152910568.htm